Khi đứng giữa ranh giới của sinh tử, con người ta biết yêu thương và trân trọng nhau hơn!

Nếu có ai hỏi tôi “Bài học được gì sau cơn đại dịch lần này?". Có lẽ, tôi sẽ mạnh miệng trả lời là “tình làng nghĩa xóm” - Cái tình cảm chôn dấu mà chẳng nơi đâu có được và chỉ những người dưng bỗng lại hóa người thân.

Sống ở mảnh đất Sài Gòn đất chật người đông như thế này, người ta lại càng ý thức hơn về sự riêng tư cá nhân. Khi cùng sống chung trong một khu xóm, nhưng tôi chưa bao giờ qua lại với khu xóm nhỏ dù gì một lần. Mọi người sinh hoạt một cách khép kín chẳng ai bảo ai một điều gì. Nhưng rồi khi làn sóng dịch bệnh đến đã làm thay đổi những điều ấy một cách rõ rệt. Có hôm nhà cô tổ trưởng bỗng nhiên trở thành F0 đầu tiên của khu xóm, mọi người cảm thấy lo lắng nhiều hơn trước… Rồi một nhà, hai nhà, ba nhà lận cận cũng bắt đầu bước vào giai đoạn cách ly.

Đó cũng chính là thời điểm tôi cảm nhận được sự yêu thương từ khu xóm nhỏ. Từng gói mì, bao gạo từ bà con trong xóm quyên góp, mọi người thay nhau chuyển đến từng nhà trong thời gian giãn cách khiến người ta cảm thấy ấm lòng hơn bao giờ hết. Tôi nhớ, có thời điểm nguy hiểm nhất của khu xóm nghèo, khi đa số mọi người đang dần có những triệu chứng khác thường và cuối cùng trở thành f0. Nhưng chưa bao giờ những sự lo lắng cho nhau là ngắt đoạn cả. Mặc dù mỗi hộ gia đình tự cách ly và điều trị tại nhà, nhưng những âm thanh động viên nhau qua những ô cửa sổ cứ thế mà vang lên.

Hôm nay chị thế nào rồi, đỡ nhiều chưa, chị nhớ tập thể dục nhiều vô nha!

Con sao rồi, mở cửa cho thoáng, đừng nằm máy lạnh nghe con!

xom-sai-gon-1633847821.jfif
Sự đìu hiu của khu xóm nhỏ giữa cơn đại dịch. Ảnh: T.L

Chẳng biết bằng một ma lực nào mà khiến cho những người xa lạ kia lại có những cái nhìn đồng cảm như thế. Hơn hết người ta hiểu rằng ở thời điểm này, chúng ta sống là để yêu thương nhau. Trong xóm có một đôi vợ chồng già tuổi đã cao nhưng cũng bị vướng vào căn bệnh hiểm ác Covid-19, nên cả xóm nghèo lo lắng lắm. Mọi người sợ cô chú không thể vượt qua nên cứ thay phiên nhau động viên để cô chú có thêm nghị lực. Rồi có hôm nghe cô thở yếu, đến nổi phải đi vào bệnh viện cách ly, mọi người như có nét buồn trên gương mặt khắc khổ. Đến ngay cả mẹ một người phụ nữ mạnh mẽ đang mang trong mình căn bệnh Covid-19 cũng đi lại rồi trằn trọc không ngủ. “Cầu cho chị Chuyển tai qua nạn khỏi trở về với mọi người”. Những điều ấy tưởng chừng như đang xảy ra với những người thân trong gia đình…

Rồi phép màu đã đến  với khu xóm nhỏ, đã một vài người trong xóm đã dần khỏi bệnh sau nhiều lần xét nghiệm âm tính. Tôi cứ tưởng rằng, sau khi hết bệnh mọi người lại trở về cuộc sống như cũ. Nhưng có lẽ sự thương yêu lối xóm như những người thân ruột rà đã trở thành thói quen. Những tô cháo dành cho những bệnh nhân F0 cứ đều đều gửi đến các hộ gia đình đang cách lý, để mọi người có thêm sức mạnh chiến thắng "đoàn quân" Covid. Dần dà, những tình nguyện viên của hội nấu cháo ngày càng đông hơn, không những mọi người chia sẻ những tô cháu đậm “tình làng nghĩa xóm” ấy....

Khi ngồi kể lại những câu chuyện đã qua của giai đoạn đang là bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, khiến cho một cậu thanh niên như tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Lần ấy là lần đầu tiên tôi biết nỗi sợ là gì. Sợ phải nhìn thấy người thân yêu của mình đến gần hơn với bàn tay của "thần chết". Sợ phải chứng kiến cô hàng xóm đối diện nhà phải đi bệnh viện cách ly thở oxy bằng máy... Nhưng có lẽ nỗi sợ ấy dần được vơi đi trước những sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của những con người xa lạ. Những con người mà trước đây luôn sống theo lối sống khép kín và ít quan tâm đến mọi người xung quanh. Từ đó, ta mới nhận thấy được một nghịch lý trong cuộc sống “Khi đứng giữa ranh giới của sinh tử, con người ta mới biết yêu thương và trân trọng nhau hơn."

Đang mãi mãi say mê với ngòi bút của chính mình, bỗng nhiên tôi nghe từ xa có tiếng vọng lại: “Lực ơi! Sang lấy bún riêu ăn nè con, cô nấu ngon lắm!"

*Chia sẻ 1 năm sau đại dịch Covid-19

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/khi-dung-giua-ranh-gioi-cua-sinh-tu-con-nguoi-ta-biet-yeu-thuong-va-tran-trong-nhau-hon-a4750.html