Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Phận "đàn bà" & nghề buôn đồng nát tha hương mưu sinh trên xứ người

Họ là những người phụ nữ bình dân. Họ đến từ dải đất nghèo miền Trung khắc nghiệt. Họ mưu sinh bằng cái nghề “ai ve chai hông!”. Trong họ, tình quê lòng người vẫn dạt dào, mênh mông.
phan-dan-ba-muu-sinh-ve-chai-1642290290.jpeg

Những ngày này, không khí những xóm phụ nữ ve chai thêm tất bật. Trên từng con phố, ngõ ngách, từng bước chân của các bà, các mẹ, các chị vẫn lặng lẽ “thêu dệt” cho đời.

Bất chấp nắng mưa, sương gió, ngày qua ngày những bước chân ấy vẫn rong ruổi trên mọi nẻo đường để mưu sinh nuôi ước mơ, hoài bão đã ký thác. Họ, những người phụ nữ, xem đó là niềm vui, động lực mỗi ngày.

Họ đến từ dải đất miền Trung đầy khắc nghiệt. Họ mưu sinh bằng cái nghề xưa nay không hiếm – ve chai. “Ai ve chai hông!”. Câu “cửa miệng” đặc sệt ấy họ không đếm sao xuể mình đã hô bao lần trong ngày.

Tờ mờ sáng, họ bắt đầu hành trình “kiếm cơm” từ những con hẻm “dân góp” xập xệ. Sau bữa sáng lót dạ tạm bợ, họ tỏa về mọi ngả đường “bắt nhịp” ngày mới bằng niềm mong ngày bội thu.

Hành trang của họ mang theo cũng hết sức giản đơn. Chỉ có chiếc xe đẩy, đôi dép nhựa mòn vẹt, chiếc nón cời và bình nước chè là tất cả “sản nghiệp” họ có. Không người đưa rước, không kẻ đợi chờ, họ cứ thế mà đi.

phan-dan-ba-muu-sinh-1642290380.jpeg

Trong số họ đa phần đã bước sang tuổi hoa râm. Có người may mắn có nhà, có cửa, có chồng, có con nơi quê nhà. Họ làm tất cả chỉ duy để vun vén tổ ấm bé nhỏ của mình. Hoặc khi “gieo” niềm tin ở đàn con được đến trường.

Có người “bạc phước” gặp người chồng “dở hơi” phải chấp nhận kiếp sống tha phương xứ người. Cả đời sống cô độc, không chồng, không con, không người nương tựa khi bước sang ngưỡng xế chiều.

Thời buổi vật giá leo thang, nghề ve chai cũng chật vật không kém. Một ngày “đổ mồ hôi sôi nước mắt” chỉ kiếm tầm “một xị đến một xị rưỡi”. Nhưng so vậy ve chai tuy cực nhưng chủ động, không gò bó.

Như chị em luôn tiếu táo bảo nhau: Đây là nghề “sướng nhất trong các nghề”. Thích làm, mệt nghỉ, thèm ăn, không ai ràng buộc. Sáng đi, chiều về, tối xem phim. Còn siêng thì tối tranh thủ đi phụ nhà hàng, quán xá rửa chén bát, dạo phố kiếm thêm.

Nghèo thì có thiệt nhưng ngần ấy thời gian, những xóm phụ nữ ve chai chưa một lần “mang tiếng” lộn xộn, lình xình tiền nong. Chị em đều “ăn chung ở chạ”, đều “đồng cam cộng khổ” có nhau. Có lẽ, cái nghèo, cái khổ và cái thân phận đã giúp họ hiểu nhau hơn.

Và không hiển nhiên khắp Sài Gòn, đi đâu cũng lác đác nhìn thấy những khu phụ nữ tập kết ve chai chiều chiều. Ở đó, những câu chuyện nghị lực tuyệt vời của các mẹ, các chị luôn tỏa sáng nơi đây.

phan-dan-ba-muu-sinh-ve-chai-1642290386.jpeg

Họ chỉ có sự hy sinh và trái tim cao cả của những người mẹ. Họ làm tất cả chỉ để “gieo” niềm tin nơi con chữ cho các con mình đến trường thoát cái nghèo dai dẳng.

Ngày lê đôi dép mèn vẹn cuốc bộ hàng chục cây số mệt nhừ, nhễ nhại. Đêm về, tề tựa bên mâm cơm ấm áp tình quê, họ vẫn cười, vẫn nói, vẫn hé chút lạc quan về cuộc sống. Chỉ là bữa cơm đạm bạc thôi nhưng thắm tình.

Cứ thế, ngày qua ngày, thường nhật, họ vẫn sống, vẫn lao động và vẫn tin yêu vào cuộc sống, vào ngày mai. Chỉ có họ - những phận “đàn bà” ve chai mưu sinh trên xứ người không ai khác!

Sài Gòn, nơi tôi đã đến và sẽ ở lại thấy ấm vô ngần!