Ông lão bán cào cào lá dừa đưa người Sài Gòn trở về tuổi thơ dân dã

Ông lão bán cào cào lá dừa ấy tên là Lê Minh (67 tuổi, ở quận Bình Tân). Ngày trẻ, ông Minh từng là hoạ sĩ, có một phòng tranh riêng tại nhà. Thế nhưng hơn 6 năm nay, từ khi một bên mắt bị mù, một bên đục thuỷ tinh thể khiến thị lực giảm sút, ông đành phải gác bút tìm niềm vui với lá dừa. Thách thức sự sáng tạo, bằng lá dừa ông Minh có thể làm được 31 loài vật cực đẹp.
nghe-nhan-le-minh-1670127754.JPG
Ông Lê Minh (bìa trái) đang hướng dẫn các bạn trẻ làm các đồ chơi bằng lá dừa.

Ông kể ở nhà thì buồn nên sinh bệnh hoài nên lúc rảnh ông làm cào cào bằng lá dừa cho tụi cháu ngoại chơi. Thấy chúng thích ông mới xin ý kiến các con cho đi bán cào cào lá dừa, chứ ở nhà hoài tù túng quá. Ban đầu, các con ông cản dữ lắm “Ba ơi, nhà mình đâu thiếu tiền mà đi làm khổ cực” ông nói: “Ba ở nhà là yếu xìu, giờ các con có cản ba cũng đi…”. Từ đó, một chiếc xe cà tàng, một cây nhựa và vài chiếc lá dừa vàng óng,… ông Minh rong ruổi khắp Sài Gòn.

Vừa làm cào cào, ông Minh vừa kể chuyện hồi còn con nít 4-5 tuổi. Từ nhỏ ông đã bộc lộ năng khiếu hội hoạ, mọi người ai cũng khen ông vẽ đẹp. Ông nói lúc đó ông ham vẽ lắm, gặp đâu là vẽ đó, vẽ trên giấy, trên tường, mặt đất,… Vẽ thì đẹp mà học thì lúc nào cũng đội sổ, ông Minh cười giòn.

ông Minh tâm sự “nhớ hồi đó có ông chú ở Gò Công lên Sài Gòn bán cào cào lá dừa. Mà ổng làm khéo tay dữ lắm, nhìn ổng làm mà mê, nên sáng thì đi học, chiều  chú lại lẽo đẽo đi theo xin học nghề làm cào cào, châu chấu”.

Vậy mà không được bao lâu thì ông chú đó đổ bệnh rồi qua đời. Thấy con mình có năng khiếu mà cũng đam mê nên cha mẹ ông đã gửi cậu bé Minh lúc bấy giờ đi học nghề hoạ sĩ. Tuy mới học được 6 tháng nhưng sẵn năng khiếu trời cho nên ông tiến bộ rất nhanh. Lúc đó ông Minh đã có thể vẽ tượng, nhờ vậy ông được tháp tùng cùng hoạ sĩ Mai Lân sáng tạo nhiều tác phẩm điêu khắc có tiếng khi mới mười mấy tuổi.

Năng khiếu có thừa, tài năng cũng không thiếu nhưng vì hoàn cảnh thời mới giải phóng ai cũng nghèo, lo cái ăn cái mặc còn chưa xong thì tiền đâu mà tranh với vẽ. Vì vậy ông đành gác bút, cất lại đam mê để lao vào cuộc mưu sinh, cơm áo gạo tiền. Ông kể hồi đó ông làm cực lắm, làm đủ nghề từ đi bán cơm tấm, vá xe đến làm thợ tiện,… chỉ mong đủ tiền nuôi 4 đứa con ăn học đến nơi đến chốn.

Tất bật mãi với cuộc mưu sinh, đến năm 50 tuổi, khi 4 người con đã yên bề gia thất, ông Minh mới có thời gian thảnh thơi để theo đuổi đam mê, làm điều mình thích. Ông mở một phòng tranh cho riêng mình, cứ thế lần lượt từng tác phẩm tô đẹp cho đời của ông đã được nhiều người yêu mến.

Thế nhưng hơn 6 năm nay, từ khi một bên mắt bị mù, một bên đục thuỷ tinh thể khiến thị lực giảm sút, ông đành phải gác bút dưỡng bệnh. Ở nhà riết cũng chán, nên ông tìm đến con cào cào lá dừa đã gắng liền với tuổi thơ một thời như một thú vui khuây khỏa. Thấy con cháu mình thích, nên ông nghĩ các cháu thiếu nhi chắc cũng sẽ rất thích, vì nó không chỉ lạ mà còn rất đẹp. Thế là hành trình đi bán cào cào dạo của ông bắt đầu từ đó. Với ông Minh chuyện lời lỗ chẳng quan trọng, miễn là mình được vui, được gặp mọi người để nói chuyện, nhắc nhớ kỷ niệm… “Thấy vậy, chứ nhờ nó chú cũng khoẻ ra nhiều” - ông Minh cười.