Banh Trung Thu Windsor

Ở Sài Gòn, cách cho và nhận cũng lạ đời!

Đang ở tiệm thuốc Tây gần nhà mua vài thứ, một người đàn ông chừng 40 tuổi trông gầy gò, thiểu não lại gần ngượng ngùng nói với tôi: “Chị ơi, xin chị cho em chút tiền để em mua đồ ăn. Mấy ngày nay em hết tiền. Em đói."
190872760-1923737221126896-2497701220038182302-n-1627360221.jpg
Nguồn: Ở đâu cũng chụp

Tôi nhìn anh, anh nói :“Em làm bảo vệ công trường, giờ đóng cửa em ở lại không xong, về quê không được. Em không còn tiền để ăn. Vừa dứt câu, anh đưa tay quệt nước mắt". Những giọt nước mắt buồn tủi ngượng ngùng. Tôi móc trong túi còn ít tiền dúi cho anh, rồi bảo anh đứng đợi, tôi về nhà lấy túi gạo mang đến cho anh.

Anh mừng rỡ, dạ em đợi chị. 5 phút sau tôi quay lại đưa cho anh túi gạo 5kg, anh cảm ơn : “Chỗ gạo này giúp em no được 10 ngày đó chị”. Tôi đứng nhìn theo anh đi một quãng xa, bước chân dường như bớt nặng. Tôi về nhà, lòng buồn ghê gớm. Câu “Không ai bị bỏ rơi” giờ nặng trĩu.

Không chỉ những người lang thang cơ nhỡ, giờ những người thiếu ăn, cần sự giúp đỡ trông rất tươm tất. Họ là người buôn bán vặt, gia đình công nhân, mất việc, không tiền trả nhà trọ, điện nước, lấy đâu tiền ăn trong vài tháng ở không? Tất cả họ đều ngượng ngùng khi nhận những hộp cơm từ thiện qua bữa. Nên đừng ai hạch hỏi “Sơn móng tay, mập mà xin cơm”…

Có người nói với tôi :“Một phần cơm 30 ngàn đồng thì xin cho em 2 kg gạo, em ăn được mấy ngày”. Từ thực tế, chúng tôi thấy: tặng bà con 5 hay 10 kg gạo kèm 1 chai dầu ăn, 1 chai nước mắm hay nước tương, gói đậu phộng hay khô cá…cơ bản vậy cũng giúp, phụ người khó khăn cầm cự được một tuần.

Ở Sài Gòn, "cách cho/nhận” cũng lạ đời, đứng cách nhau ba, bốn mét, đặt bao gạo/thực phẩm xuống đất, người nhận bước đến cầm lên với một nụ cười và lời cảm ơn.

Thế thôi.