2 nguyên nhân chính gây đột quỵ
Có 2 nguyên nhân chính gây đột quỵ não đó là sự hình thành cục máu đông và cao huyết áp. Trong đó cục máu đông là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ nhồi máu não còn cao huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây đột quỵ xuất huyết não.
- Cục máu đông trong não được xem là sát thủ hàng đầu gây ra tai biến với tỷ lệ lên đến 80%. Khi mạch máu xuất hiện máu đông sẽ bị tắc nghẽn, gây hẹp lòng mạch, giảm lưu thông máu và oxy lên não. Điều này sẽ gây rối loạn tuần hoàn não như đau đầu, thiếu máu não và nguy hiểm hơn là tai biến mạch máu não. Ngoài ra, cục máu đông được hình thành ở các bộ phận khác trên cơ thể (điển hình như tim) có thể di chuyển đến não và bị tắc ở đó cũng gây tai biến.
- Cao huyết áp làm tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch, làm cho thành mạch bị dãn dần ra và xuất hiện những tổn thương. Những tổn thương này xuất hiện ngày càng tăng ở các mạch máu não. Nếu áp lực dòng máu đột ngột tăng cao gặp trong những cơn cao huyết áp kịch phát có thể làm cho mạch máu bị vỡ ra gây xuất huyết não. Ngoài ra, nếu bị những tổn thương nhỏ, hệ thống tiểu cầu và các sợi fibrin sẽ đến để vá lại vết thương, dẫn tới hình thành các cục máu đông, cộng thêm tình trạng rối loạn mỡ máu, thừa cholesterol thường gặp ở những người cao huyết áp cũng làm cho thành mạch bị dày lên, lâu dần dẫn đến bít tắc các mạch máu, trong đó có mạch máu não.
Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ đột quỵ
Ngoài 2 nguyên nhân chính kể trên, đột quỵ còn được gây nên bởi nhiều yếu tố khác như:
- Nhịp tim không đều: Rối loạn nhịp tim sẽ góp phần tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Những cục máu đông này có thể di chuyển đến não bộ và gây tắc nghẽn sự lưu thông máu.
- Tiểu đường: Là tình trạng cơ thể có mức đường huyết tăng cao bất thường. Tiểu đường không kiểm soát được sẽ có mức đường huyết cao và liên tục. Điều này dẫn đến sự thay đổi chuyển hóa của cơ thể, tổn thương động mạch, gây ra các bệnh làm tăng nguy cơ đột quỵ như tim mạch, bệnh hộp sọ, bệnh động mạch cảnh,…
- Cholesterol cao: Nồng độ cholesterol tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường, huyết áp. Ngoài ra, cholesterol cũng gây tích tụ, viêm mạch máu, từ đó làm tăng sự hình thành cục máu đông - nguyên nhân gây đột quỵ não hàng đầu.
- Tuổi tác: Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, nếu từ 55 tuổi trở lên, bạn có nguy cơ đột quỵ cao hơn. Nguy cơ này sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm. Các con số thống kê cho thấy, ¾ số ca đột quỵ xảy ra ở người trên 65 tuổi.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn. Nguyên nhân do phụ nữ phải trải qua nhiều vấn đề như nội tiết tố, mang thai… làm tăng khả năng bị tim mạch, tiểu đường, huyết áp thai kỳ.
- Yếu tố gia đình: Nếu gia đình có người từng bị đột quỵ, bạn sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.
- Tiền sử đột quỵ não: Nếu bạn đã từng bị đột quỵ trước đó thì nguy cơ bị đột quỵ lần 2, lần 3 rất cao nếu không kiểm soát tốt.
Các cách phòng ngừa đột quỵ
Phòng ngừa đột quỵ không hề khó nếu như bạn làm đúng cách. Để ngăn ngừa cơn đột quỵ xảy ra từ sớm, đặc biệt nếu bạn có sẵn trong mình các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ kể trên, bạn hãy thực hiện những điều sau:
Xây dựng lối sống khoa học
- Một trong những cách để kéo dài tuổi thọ và đẩy lùi bệnh tật chính là có một lối sống khoa học, đặc biệt là không uống rượu, bia, hạn chế hút thuốc lá và các chất kích thích…
- Để có một cơ thể khỏe mạnh và luôn được thanh lọc, bạn hãy uống 2 lít nước/ngày.
- Hãy tập thể dục thường xuyên, đây là một cách tuyệt vời để phòng ngừa và hạn chế những hậu quả của đột quỵ. Theo các chuyên gia, tập thể dục với mức độ từ trung bình đến nặng như chạy bộ hoặc đạp xe sẽ làm giảm nguy cơ đột quỵ.
- Tránh thức khuya, suy nghĩ nhiều gây áp lực mà luôn để đầu óc được thoải mái.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
- Ăn các loại rau củ quả chứa nhiều chất xơ: Cụ thể là những rau có màu xanh đậm như súp lơ, rau muống, bắp cải… hay các loại hạt như đậu đen, bí đỏ… sẽ có tác dụng giảm cholesterol, làm tăng tuần hoàn máu não.
- Ăn nhiều thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ.
Tránh các yếu tố gây đột quỵ
- Tránh các trạng thái căng thẳng, stress, không thức khuya
- Tránh mất ngủ bằng cách tạo môi trường trong sạch, không dùng cà phê, nước chè vào buổi tối.
- Tránh lạnh đột ngột, không tắm khuya hoặc ở nơi có gió lùa. Cẩn thận giữ mình khi thời tiết chuyển lạnh vào mùa đông hay nhiệt độ tăng cao vào mùa hè.