Làm sao để cho lời khuyên hiệu quả mà không gây phản cảm?
Chúng ta là những cá thể riêng biệt, vì vậy mỗi người đều tin rằng lời khuyên của mình là đúng đắn và đối phương nên nghe theo. Thực tế, không phải tư tưởng chủ quan của bạn lúc nào cũng phù hợp với mọi người.
Lắng nghe nhưng không phán xét
Nghệ thuật cho lời khuyên là dù bạn thật lòng lắng nghe câu chuyện của ai đó nhưng không phải vì vậy mà bạn có quyền thoải mái đưa ra đánh giá về sự việc, về đối phương hoặc bất cứ người nào liên quan trong vấn đề ấy.
Ví dụ cô bạn thân kể rằng người yêu của cô ấy đến trễ trong buổi hẹn quan trọng. Đầu tiên, bạn chỉ nên nghe cô ấy chia sẻ sự tình chứ khoan hãy vội nhận định rằng “Anh chàng đó không tôn trọng cậu”. Đánh giá chủ quan có thể làm hỏng một mối quan hệ.
Xác nhận và tôn trọng mọi cảm xúc của đối phương
Thật ra đôi khi chúng ta chỉ muốn có người chia sẻ và đồng cảm với cảm xúc của mình. Hãy lắng nghe chân thành và xác thực lại điều mà đối phương đang vướng mắc hoặc bận tâm. Điều này khiến họ biết rằng bạn đang cố gắng thấu hiểu và xoa dịu nỗi cô đơn của họ.
“Mình biết cậu đang rất buồn.”
“Cậu sợ hãi về việc đó cũng là hợp lý.”
“Cậu tất nhiên được phép tức giận trong tình huống như thế”
Khéo léo hỏi xem đối phương có cần lời khuyên hay sự giúp đỡ hay không
Không phải lúc nào người chia sẻ tâm sự cũng đòi hỏi nhận được lời khuyên hay sự giúp đỡ. Bạn nên tôn trọng đối phương bằng cách chủ động thăm dò mong muốn của họ, ví dụ như sau khi nghe câu chuyện, bạn có thể hỏi: “Cậu có cần mình hỗ trợ gì không?”
Người biết cách cho lời khuyên đúng đắn là để cho đối phương có thể chủ động nhiều hơn trong vấn đề họ đang mắc phải. Điều này giúp họ cảm thấy được quan tâm, được tôn trọng và bạn cũng dễ dàng nắm bắt nguyện vọng của họ hơn để giúp đỡ phù hợp.
Thừa nhận hạn chế của bạn và đưa ra một số gợi ý giảm thiểu rủi ro
Đừng quá cậy vào tư tưởng chủ quan của mình mà vội vàng đưa ra lời khuyên vượt ngoài khả năng. Bạn nên khiêm tốn và thành thực trước khi muốn giúp đỡ ai đó. Nếu không chắc chắn, hãy dùng ngôn ngữ thăm dò như “có lẽ”, “có thể”, “nếu tôi ở hoàn cảnh của cậu thì…”
Nghệ thuật cho lời khuyên đôi khi chỉ cần cho đối phương một vài gợi ý giảm rủi ro. Ví dụ, cô bạn có chứng say xe nghiêm trọng nhưng cần đi công tác, bạn có thể nhắc cô ấy uống thuốc chống say xe, áp dụng mẹo như ngửi vỏ cam quýt…
Một số điều cần tránh nếu bạn không muốn lời khuyên của mình trở thành “khủng bố” đối phương
Đừng bao giờ khư khư với niềm tin cá nhân của mình
Mỗi người đều có quan điểm và niềm tin riêng trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Cho nên, dù bạn khẳng định rằng ý kiến của mình là đúng đắn thì cũng không thể áp đặt đối phương phải nghe theo.
Trải nghiệm của mỗi người cũng không giống nhau. Bạn cảm thấy hành động của người ấy là vô cùng ngu ngốc nhưng đôi khi thực tế lại rất có ý nghĩa với đối phương. Hãy chân thành nhưng tôn trọng cảm xúc, lựa chọn của họ.
Đừng chỉ nói những điều mà đối phương muốn nghe
Bạn biết rằng nếu đồng ý với suy nghĩ, cách làm của họ thì sẽ dễ tạo cảm giác đồng cảm. Tuy nhiên, tùy sự việc và khả năng của bạn mà lựa chọn lời khuyên cho phù hợp. Nếu không chắc về sự hỗ trợ của mình, hãy thành thực chứ không phải nịnh nọt theo họ.
Đừng đổ lỗi và xúi giục hành vi mang tính tiêu cực
Ngay cả khi bạn đã lắng nghe và thực sự hiểu câu chuyện của ai đó thì cũng không thể tùy tiện đổ lỗi, phán xét bao gồm “chính chủ” hay nhân vật nào đó trong vấn đề kia. Bạn có thể đưa ra vài suy nghĩ và ý kiến của mình một cách thiện chí và tôn trọng quyết định của họ.
Ngoài ra, bạn không đích thân trải nghiệm tình huống của họ nên đừng tùy tiện đưa ra cách làm thiếu sáng suốt. Ví dụ cậu bạn thân chưa đủ can đảm tỏ tình với người mình thích, bạn cũng không nên “xúi” cậu ấy “mượn rượu bày tỏ” vì nó dễ phản tác dụng.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm nghệ thuật cho lời khuyên hiệu quả, đem lại những mối quan hệ tích cực và ý nghĩa trong cuộc sống.
Thiên Khuê (Theo Tips)