Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022 nhằm mở rộng không gian tổ chức và nâng cao nhận thức xã hội về sách và văn hóa đọc lên một tầm cao mới, với mong muốn thực hiện và lan tỏa 3 mục tiêu quan trọng của việc tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc được xác định trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đó là: Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Đồng thời, tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Hội sách năm nay còn là dịp khẳng định những bước phát triển xuất bản và văn hóa đọc của Thành phố mang tên Bác; khẳng định xu hướng chuyển động mạnh mẽ của ngành xuất bản trước yêu cầu chuyển đổi số.
Được biết, Ngày Sách và Văn hoá Đọc Việt Nam lần thứ I năm 2022 tại TPHCM tổ chức tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 19/4 đến hết ngày 24/4, tập trung với 3 không gian: “Không gian chuyển đổi số”; “Không gian Thành phố Sách” và “Không gian mô hình văn hóa đọc”.
Theo đó, sẽ giúp công chúng tiếp cận với mô hình sách nói, sách điện tử, sách 3D thực tế ảo, hệ thống thư viện số (thư viện sách nói) cùng những mô hình, giải pháp, không gian trải nghiệm tương tác về sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, đan xen với các hoạt động trải nghiệm những mô hình văn hóa đọc truyền thống của người dân Thành phố.