Nét vàng son nhà cổ Bạc Liêu, dấu ấn văn hóa vùng đất Nam Kỳ Lục Tỉnh

‘’Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu. Như sống lại hồn Cao Văn Lầu về Bạc Liêu danh tiếng’’. Trải qua suốt những thập kỉ, câu hát trên như một niềm tự hào của người dân Bạc Liêu. Bởi vùng đất Lục tỉnh Nam kỳ này chứa đựng nhiều di sản văn hóa phi vật thể, trong đó không thể không nhắc tên nhà cổ Bạc Liêu.

Tôi sinh ra và lớn lên ở xứ cơ cầu Bạc Liêu, nơi mà “Dưới sông cá chốt”, “Trên bờ Triều châu”. Quê tôi nổi danh với chàng công tử giàu có cùng với những cánh đông màu mỡ bạt ngàn. Thuở ấy, bao người giàu có bản xứ cùng với thực dân Pháp quyền quý đã không tiếc tay chi tiền để xây dựng những căn nhà bề thế, hoành tráng dọc theo khu chợ nhà lồng và hai bên bờ sông hiền hòa, trong đó tiêu biểu nhất là căn nhà của Hắc công tử Trần Trinh Huy trứ danh một thời. 

Đã từng có một Bạc Liêu diễm lệ, phồn hoa say đắm lòng người với những ngôi nhà đẹp, đất đai phì nhiêu, vang ngân tiếng ca vọng cổ… Nếu bạn đã từng nghe qua bài hát “Bạc Liêu hoài cổ’’ sẽ cảm nhận được sự sang trọng và tráng lệ của vùng đất cơ cầu này, những giấc mộng vàng son, những cô gái thướt tha trong tà áo dài sườn xám và cả chàng công tử đào hoa, phóng đãng… Theo thời gian, vật đổi sao dời, chuyện ngày xưa có những điều chỉ còn là dĩ vãng, có những người nay chỉ còn lại hư danh, nhưng vẫn còn đâu đó một thời vàng son của Bạc Liêu xưa qua hình ảnh những căn nhà cổ trầm mặc đây đó giữa lòng thành phố đô thị hôm nay.

Nhà cổ ở Bạc Liêu được xây dựng từ nửa cuối thể kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Nhiều ngôi nhà đã rêu phong nhưng đường nét cổ kính vẫn còn đó, như minh chứng cho sự phồn vinh của xứ Bạc Liêu một thời. Thông qua những nét kiến trúc, kết cấu, hoa văn, họa tiết, sự bài trí của nhiều ngôi nhà cổ, người đời nay sẽ thấy được các giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử dân tộc qua từng giai đoạn phát triển mà người đời trước đã gửi lại trong mỗi công trình.

oip-1621236117.jpg
Những kiến trúc còn sót lại của một thời đã qua. Ảnh: Internet

Dạo quanh quê nhà vào những lúc trời chiều hay xẩm tối, tôi như muốn cảm nhận thật hết, thật kĩ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bước chân có lúc đưa tôi đến trước nhà ông Hội đồng Trạch xưa, nay là khách sạn to rộng. Có lúc bước chân lại đưa tôi đến cầu Quay ( Cầu Kim Sơn) để tôi tìm dấu tích trụ quay ngày nào. Cứ mỗi lần đến nơi này, ngồi ở bậc đệm cầu dành cho người đi bộ, đón gió  từ sông thổi vọng lên, rồi nhìn về những căn nhà lầu cao kiểu cổ đang trầm mặc đứng đó, lòng tôi lại không khỏi bùi ngùi và bất chợt nghĩ về một thời vàng son Bạc Liêu. Ven hai bờ sông, còn rất nhiều căn nhà cổ với ngói lợp, có những cánh cửa kẻ song màu xanh nhạt, nhiều cửa sổ…những chi tiết rất đặc trưng cho kiến trúc kiểu Pháp xưa. Ngói đỏ kiêu hãnh, những song lá sách thấp thoáng trong ánh sáng chiều tàn trong màu vôi ngà ngà ngả màu,… Có lẽ ngày xưa nơi đây đã từng là một dãy nhà đẹp, một khu phố sầm uất của những kẻ lắm bạc nhiều tiền. Hình như họ đa phần là người Hoa Kiều, bởi cứ cách vài trăm mét là xuất hiện những bảng hiệu tên Tiều như: Củ Ỷ, Ý Hai, Ghết, Chệt,…Trong một thoáng chốc, tôi như thấy lại cả một quá khứ vàng son của xứ Công tử ngày nào… Năm tháng dần trôi, vàng son một thuở đã qua, dòng đời cứ cuồn cuộn chảy, thuở trước đã là dĩ vãng. Những chiếc áo sườn xám kiêu sa của quý cô Bạc Liêu ngày nào bên bến nước đã vắng bóng, người xưa đã khuất, chuyện cũ không còn, chỉ còn lại đâu đó những ngôi nhà cổ vững chãi, trầm buồn đứng lặng. Chúng vừa là nơi ở của những thương nhân, vừa là chứng nhân, vừa như ghi dấu một quá khứ vàng son của một miền sông nước nên thơ, trữ tình.

toan-canh-can-nha-1621236161.jpg
Nhà công tử Bạc Liêu. Ảnh: Internet

Những căn nhà dù còn vững chãi, nhưng thời gian đã phủ lên nó một lớp màu cổ kính, hoang phế, khiến ta chẳng khỏi chạnh buồn. Dù mưa gió dãi dầu, thời gian phủ bóng, những căn nhà xưa ấy vẫn bền gan cùng sương khói, đứng yên trầm mặc như thách thức cả thời gian để giữ lại vẻ đẹp độc đáo, đơn sơ nhưng mang đậm màu sắc lịch sử. Tuy không nổi tiếng và không được nhiều người biết đến như nhà ông Trần Văn Chương - thân phụ bà Trần Lệ Xuân, phu nhân ông Ngô Đình Nhu (nay là Bảo tàng tỉnh) xây dựng năm 1916; nhà luật sư Lý Bình Huê (nay là Tòa soạn Báo Bạc Liêu) xây dựng năm 1940, nhà ông Võ Văn Giỏi và bà Triệu Thị Vạn xây dựng trước năm 1930 (nay là Trung tâm Dịch vụ đô thị)…., nhưng những dấu ấn không thể phai của kiến trúc Pháp cùng sắc màu văn hóa của chúng là không thể chối từ và không cần phải bàn cãi. Ở Bạc Liêu có cái hay là chỉ cần nhìn những cánh cửa, nhìn mái nhà….là ta đã có thể đoán được nó được xây dựng khi nào, mới đây hay đã lâu rồi. Thế mới nói dấu ấn xây dựng từ thời xa xưa đã in đậm đến thế nào trong cuộc sống nơi đây, tạo nên cái nét riêng biệt cho nhà cổ nơi đây. Chính nét đẹp vàng son của những căn nhà cổ dãi dầu sương gió ấy đã tạo nên vẻ đẹp hoài cổ rất riêng cho quê tôi.

“ …Về Bạc Liêu danh tiếng, ôn lại giấc mộng vàng son, một thời để nhớ ngày đó xa rồi…..”