Mỹ phẩm trôi nổi: Dùng hàng giả, lãnh hậu quả thật

Hoạt động quảng cáo, bán mỹ phẩm trên thương mại điện tử, internet, mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến... ngày càng phổ biến. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng vi phạm lợi dụng bán các sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Những tháng cuối năm, dự báo tình trạng kinh doanh vận chuyển hàng giả, hàng nhập lậu trong thị trường nội địa diễn biến rất phức tạp, nhất là vấn nạn kinh doanh mỹ phẩm giả. Các đối tượng kinh doanh lợi dụng dịch bệnh để bán hàng hóa vi phạm theo nhiều hình thức, nhất là hình thức phân phối qua thương mại điện tử, đặc biệt là mạng xã hội.

Không dừng lại ở đó, các đối tượng còn lợi dụng hình thức chuyển phát bưu điện, thuê các điểm gần với khu dân cư đông đúc, nơi ở để làm nơi tập kết hàng hóa nên việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn.

Trước những mối nguy hại tiềm ẩn từ mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc đến sức khỏe người tiêu dùng, Phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp Vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT chia sẻ những thông tin liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp Vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình trạng nhiều đối tượng kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm kém chất lượng trên thị trường trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Đức Lê: Hiện nay, mỹ phẩm trên thị trường rất đa dạng, đến từ rất nhiều nguồn khác nhau như: sản xuất, gia công, đóng gói trong nước, nhập khẩu, hàng xách tay của người nhập cảnh… Mỹ phẩm giả, kém chất lượng thường trà trộn và bán cùng hàng thật, khi khách hỏi mới đưa ra bán cho người tiêu dùng.

Trong những năm gần đây quảng cáo, bán mỹ phẩm trên thương mại điện tử, internet, mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến... ngày càng phổ biến. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng vi phạm lợi dụng bán các sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Mỹ phẩm giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất khá tinh vi, rất khó để phân biệt, tuy nhiên trên các “khu chợ mạng” hình ảnh sản phẩm thật được các đối tượng sử dụng, quảng cáo để bán sản phẩm giả, xâm phạm quyền.

Thời gian vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ sản xuất, đóng gói mỹ phẩm giả trong nước (tự pha chế nguyên liệu, đóng gói, dán nhãn,…), mỹ phẩm nhập lậu. Mỹ phẩm giả có nguồn gốc nước ngoài cũng có xu hướng gia tăng. Có những cơ sở vi phạm có đầy đủ các dụng cụ, máy móc pha chế, đóng gói, dán nhãn để sản xuất hàng giả.

Tuy nhiên hiện nay, mỹ phẩm giả, kém chất lượng trên thị trường cũng như nguyên liệu, hương liệu để sản xuất mỹ phẩm giả, đặc biệt là mỹ phẩm cao cấp, chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài được nhập lậu, nhập chính ngạch và xách tay về Việt Nam tiêu thụ. Nhiều trường hợp nguyên liệu cũng như thành phẩm khi nhập vào Việt Nam các đối tượng chưa gắn nhãn mác giả mạo nhưng khi pha chế, sang chiết, đóng gói,… đưa ra thị trường mới gắn các nhãn hiệu nổi tiếng để tiêu thụ.

Phóng viên: Vâng thưa ông, vậy thì đâu là nguyên nhân gia tăng những hành vi vi phạm này và việc phát hiện, xử lý tình trạng này có gặp phải khó khăn gì?

Ông Nguyễn Đức Lê: Mỹ phẩm ngày nay dần trở thành mặt hàng bình dân, phổ biến. Do điều kiện kinh doanh không khắt khe như đối với thực phẩm, dược phẩm nên đối tượng kinh doanh mỹ phẩm rất đa dạng, đặc biệt ngày càng nhiều các cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham gia kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm thông qua nhiều loại hình phân phối khác nhau, nổi bật là trên môi trường mạng internet.

Hiện nay, khó khăn chủ yếu trong công tác ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc là công tác giám sát, kiểm tra, xử lý mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường thương mại điện tử.

Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Brain&Company dự đoán, tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 của thương mại điện tử Việt Nam là 29%. Dự báo đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN.

Vì vậy, các đối tượng vi phạm thường lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn,…

Bộ Công Thương (đầu mối là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả trong quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các công cụ hiệu quả để giám sát, theo dõi giao dịch cũng như truy xuất các đối tượng giao dịch, địa điểm kinh doanh, địa điểm cất giữ hàng hóa.

Hơn nữa, nhiều cơ sở kinh doanh thương mại lại là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình, cá nhân nên khó kiểm soát, giám sát, theo dõi.

Các đối tượng thường đăng bán hàng không đầy đủ thông tin, mập mờ thông tin hoặc đăng bán hàng thật nhưng khi giao hàng cho khách hàng lại không giống như hàng đăng bán.

Thời gian qua, lực lượng QLTT cả nước liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, nhập lậu
Lực lượng QLTT cả nước liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, nhập lậu

Phóng viên: Từ những khó khăn, vướng mắc vừa nêu, xin ông cho biết các giải pháp mà lực lượng QLTT đã và đang thực hiện nhằm phát hiện và đấu tranh với các hành vi vi phạm này?

Ông Nguyễn Đức Lê: Thời gian qua, ngoài việc chủ động thu thập thông tin, khảo sát thị trường và tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng QLTT địa phương tổ chức tuyên truyền, ký cam kết tới từng hộ kinh doanh tại những địa bàn trọng điểm để nâng cao nhận thức và giúp các cơ sở kinh doanh chủ động, tự giác phòng tránh hàng giả, kém chất lượng.

Cùng với đó, lãnh đạo Tổng cục QLTT cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp các cơ quan chức năng như Hải quan, Công an để tăng cường công tác chia sẻ thông tin và phối hợp trong công tác đấu tranh phòng chống mỹ phẩm giả, kém chất lượng.

Không dừng lại ở đó, Tổng cục cũng tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp chủ thể quyền trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các sản phẩm mỹ phẩm.

Phóng viên: Thị trường mỹ phẩm thật giả lẫn lộn, ông có lời khuyên nào đối với người tiêu dùng để tránh mua phải mỹ phẩm kém chất lượng?

Ông Nguyễn Đức Lê: Mua mỹ phẩm giả, người tiêu dùng vừa mất tiền vừa bị ảnh hưởng tới sức khỏe làtất yếu. Vì vậy, người tiêu dùng nên mua mỹ phẩm của những cơ sở có uy tín, thân quen, không nên mua mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm uy tín thường có hệ thống phân phối riêng, vì vậy rủi ro hàng giả, kém chất lượng sẽ thấp hơn nhiều so với các kênh phân phối ngoài hệ thống.

Người tiêu dùng cần lưu ý các thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa, hạn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất, công bố chất lượng. Đối với mỹ phẩm nhập khẩu người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ của mỹ phẩm, nhất là nhãn phụ bằng tiếng Việt phải đầy đủ thông tin bắt buộc theo quy định pháp luật Việt Nam, cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phải rõ ràng.

Đối với mỹ phẩm trên môi trường thương mại điện tử, người mua có thể tham gia các cộng đồng tiêu dùng thông minh theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp mua sản phẩm của nhau, chia sẻ tài nguyên thông tin đối tác, khách hàng. Với nhà cung cấp minh bạch thì người bán và người mua có thể trực tiếp tương tác tức thì bằng công cụ giao tiếp online với đầy đủ chức năng như mạng xã hội zalo, viber, facebook… Người mua có thể tương tác trực tiếp để quyết định mua online hay offline (đặt hàng, nhận hàng tại địa của khách hàng hoặc đặt hàng, nhận hàng và trả tiền trực tiếp tại địa chỉ của doanh nghiệp, cửa hàng) dựa trên chữ tín và các bên cùng có lợi.

Người tiêu dùng cũng nên cảnh giác với các sản phẩm giá rẻ bất thường, các sản phẩm giá quá rẻ so với thị trường có thể tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm chất lượng, hàng giả,...

Người tiêu dùng cần phản ánh kịp thời khi phát hiện các hành vi vi phạm trong kinh doanh mỹ phẩm cho các cơ quan chức năng như QLTT, y tế, công an… để được xử lý cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình kịp thời.

Từ năm 2019 đến nay, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo triển khai kế hoạch chuyên đề đấu tranh phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó mặt hàng mỹ phẩm là một trong những mặt hàng trọng điểm (Kế hoạch 3972 và Kế hoạch 888).

Kế hoạch chuyên đề tập trung vào tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các loại hình kinh doanh truyền thống và trên môi trường thương mại điện tử.

Chuyên đề được triển khai theo lộ trình đến năm 2025 tập trung thực hiện đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, ký cam kết, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm hướng đến đạt được các mục tiêu ngăn chặn triệt để các hành vi kinh doanh, bày bán công khai hàng giả, không rõ nguồ gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường truyền thống cũng như trên môi trường thương mại điện tử.