Tri ân Nhà giáo

“Làm thay đổi thái độ với môi trường sống chính là thành công!”

Từng là Phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, bà Vũ Kim Anh hiện là Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh & hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Chủ nhiệm CLB Sáng tạo khởi nghiệp của BSA và là người điều hành các Phiên chợ Xanh – Tử tế TP.HCM.

Địa điểm nhỏ, chỉ họp hai ngày cuối tuần, nhìn qua bên ngoài chỉ như một cửa hàng nhưng mỗi phiên cả ngàn người đến, chợ nhanh chóng nổi tiếng và “lan nhanh mô hình” ra nhiều tỉnh.

Chân dung bà Vũ Kim Anh.

Người tử tế đến chợ

Nhà tổ chức thường bận rộn lu bu rối bời, nhưng nhiều người thấy bà vui và khá … ung dung. Niềm vui đến chợ của bà là gì ạ?

Bận rộn nhưng ra đời 4 năm rồi, làm ở nhiều địa điểm, có cả một group tham gia và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan, chuyên gia, nhà sản xuất, cả các nghệ sĩ… nên đã vào nền nếp. Việc của tôi khi vào chợ là… “ngồi chơi dòm ngó” theo dõi sản phẩm có làm đúng như đăng ký không, khi cần làm việc với doanh nghiệp.

Vui nhất là khách quen rất đông từ các phiên chợ trước, trò chuyện thân thiết với người bán hàng, râm ran ồn ào như… chợ, mà nổi bật là khách đến chợ còn tự đem theo giỏ, túi của mình. Nhận thức đã trở thành hành vi quen thuộc không ai làm khác được. Dù túi xốp được sử dụng ở chợ cũng là loại túi môi trường tự phân huỷ nhanh hơn, nhưng Ban quản lý chợ cũng làm nhiều chương trình để động viên khách tự đem túi đựng hàng theo. Ai tự đem túi đi chợ còn được cộng thêm điểm thưởng để nhận quà tặng của Phiên chợ Xanh.

Khách họ mua giùm hàng cho khách. Chúng tôi tag các gian hàng vào trả lời những yêu cầu của khách có liên quan đến sản phẩm mình bán. Người bán hàng online còn chạy loanh quanh mua thêm các thứ khác cho đầy đủ, đi chợ giùm trước khi ship cho khách quen. Mới đầu chợ chỉ có rau củ quả sạch, nay có cả cá của đảo Phú Quý – Bình Thuận. Cá được làm sạch sẽ cho ngủ đông và được chia trọng lượng hợp lý cho bữa ăn. Tôm cua mực Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Tây Ninh, TP.HCM, heo Bình Dương. Tôi cũng mua đồ ăn về cho gia đình dùng cả tuần. Có những khách thấy chợ vui quá, vào chơi mua ổ bánh mì ngồi bậc cầu thang vừa ăn vừa ngắm “view chợ”. Các bạn cộng tác viên bán hàng thân quen hết, có thể bán giúp nhau, trò chuyện vui tíu tít. Có những vị khách nước ngoài cũng thành thói quen đi chợ những ngày cuối tuần.

Tết năm ngoái chợ của bà đông nghịt. Giờ sắp cái Tết nữa cận kề, có gì mới không ạ?

 Tết này chợ lại tiếp tục mở ở văn phòng Bộ Nông nghiệp, đường Phùng Khắc Khoan, Q.1 từ ngày 17/1/2020 đến 22/1/2020 (23 Âm lịch đến 28 Tết). Năm nay như truyền thống, chợ cũng có các loại nông đặc sản, sản phẩm thân thiện môi trường từ các địa phương về hội tụ tại Phiên chợ Tết Xanh – Quà Việt 2020. Các em khởi nghiệp tỉnh Bắc Kạn sẽ đem sản phẩm độc đáo bí hương, miến măng rừng của bà con dân tộc vào tham gia chợ. Chúng tôi có mời các nghệ sĩ, nghệ nhân thân thiết là Đại sứ hàng Việt tới chơi với chợ vào mấy ngày Tết như NSND Kim Xuân, NSƯT Hạnh Thúy, các nghệ sĩ Xuân Hương, Phương Dung, Quang Thảo, Đình Toàn, Phi Hùng, Hà Trí Quang…, nghệ nhân đầu bếp Chiếc thìa vàng, quán quân, á quân các cuộc thi quốc tế, bếp trưởng các khách sạn 4 – 5 sao… Năm nay sẽ có thêm một số hoạt động dạy chưng mâm quả, làm các loại bánh trái dân gian. Có sân chơi cho trẻ em, dạy vẽ tô màu. Công ty gốm sứ Minh Long năm ngoái bán con Heo sứ rất là tốt năm nay sẽ giới thiệu bộ Chuột gốm sứ rất dễ thương.

Khách đi Phiên chợ xanh – Tử tế.

Có người bảo vào Phiên chợ Xanh – Tử tế còn giống như… đi học. Câu chuyện thế nào và ai học ai dạy gì ở chợ này?

Người bán ở chợ không chỉ bán hàng. Họ còn được học các lớp ngắn ngày có chuyên gia dạy cách trưng bày, đóng gói sản phẩm, kỹ năng bán hàng, định giá sản phẩm, làm clip giới thiệu sản phẩm lên mạng xã hội… Doanh nghiệp họ giúp. BSA có lượng chuyên gia giỏi nhiều lắm. Từ năm 2017 nhiều đơn vị là doanh nghiệp khởi nghiệp được chúng tôi giúp dự các hội chợ nước ngoài.

Để có được lòng tin vững chắc như thế vào sản phẩm sạch, Phiên chợ Xanh – Tử tế  kiểm soát chất lượng thế nào?

Ngoài việc phải có các loại giấy tờ, tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định nhà nước, chúng tôi có nhóm các nhà khoa học và chuyên gia nông nghiệp giúp miễn phí, lặn lội đi xuống tận nơi kiểm tra cung cách sản xuất. Nếu thấy không ổn thì không hợp tác nữa. Ngoài ra có nhóm test nhanh dư lượng thuốc trừ sâu ngay tại chợ, dù test hoài không thấy gì nhưng vẫn luôn được mời tới.

Còn điều gì bà chưa hài lòng về Phiên chợ Xanh – Tử tế?

Không gian nhỏ quá, dù văn phòng Bộ Nông nghiệp đã giúp nhiều. Hồ sơ đăng ký xin vào chợ bán còn xếp hàng. 70 đơn vị sản xuất phải bán luân phiên vì không có chỗ. 20 đơn vị còn đăng ký chờ và một số đơn vị chúng tôi phải sắp xe.

Thường những người làm về thực phẩm xanh sạch an toàn, ngoài phàn nàn về ý thức người tiêu dùng trong việc bảo vệ môi trường, còn thường nói ý thức của nông dân chưa tích cực tự giác, bà có thấy vậy không?

Tôi không dám nói khái quát lớn lao. Người nông dân bị chi phối bởi lợi ích kinh tế trước mắt. Chuyện “nhà có 2 vườn” là vẫn còn. Vì thế mới cần vận động, mở mang hiểu biết để thay đổi và có biện pháp quản lý hữu hiệu. Mô hình Phiên chợ Xanh – Tử tế của chúng tôi mở ra đóng góp việc thực hiện như ông bà ta xưa sống sạch, trồng sạch.

Bây giờ đi các tỉnh có khá nhiều nơi mở chợ treo biển lấy tên Phiên chợ Xanh – Tử tế có vi phạm sở hữu “thương hiệu chợ” của bà?

Phát triển mô hình sống xanh là việc tốt, nhiều người bảo tôi “nhượng quyền thương hiệu” được rồi vì đó là cái tên chúng tôi đã đăng ký sở hữu hợp pháp, nhưng tôi chưa đồng ý, vì chưa an tâm, nếu tràn lan rồi có nơi làm không tốt thì rất hại. Tôi thường nói là hãy cứ lấy tên chợ của các bạn đi, BSA sẵn sàng hướng dẫn cách làm chứ đừng lấy tên Phiên chợ Xanh – Tử tế là vi phạm vào chuyện đăng ký thương hiệu rồi.

Con số 90%

Phiên chợ Xanh – Tử tế và CLB Sáng tạo khởi nghiệp của BSA do bà chủ nhiệm đã hỗ trợ nhau rất nhiều phải không ạ?

Mục đích chúng tôi là tạo không gian cho người mua và người sản xuất thực phẩm sạch, hình thành mối liên kết giữa sản xuất – tiêu thụ, nâng cao khả năng cạnh tranh và khuyến khích các mô hình khởi nghiệp. Cuối tháng 11/2019, cuộc thi chung kết sản phẩm khởi nghiệp của cả nước được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên. Chúng tôi có hơn 60 doanh nghiệp khởi nghiệp trong cả nước về trưng bày sản phẩm của mình, trong đó có phần dự thi vòng chung kết của 29/225 dự án…

Trong nhiều cuộc trao đổi về khởi nghiệp, người ta hay nhắc đến con số tỷ lệ thất bại thường lên đến 80-90%, thậm chí có người nói 95% trong những năm đầu. Bà gắn bó với CLB khởi nghiệp có thấy con số này không?

Chỗ chúng tôi thấy con số này chưa đúng. Hay là ở đâu, trong các điều kiện, cơ chế nào thì tôi không rõ. Các bạn trẻ tham gia trong CLB Sáng tạo khởi nghiệp của BSA tiến bộ từng ngày. Tôi có thể kể, các bạn khởi nghiệp ở Đồng Tháp được tỉnh quan tâm hỗ trợ rất tốt, mỗi năm có ít nhất 4 lần được tỉnh cho kinh phí đi làm công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Hoặc bạn trẻ Đoàn Ngọc Minh Thùy được hỗ trợ sang tham gia Hội chợ ASEAN – Indian, được Thủ tướng Thái ghé thăm gian hàng tinh dầu của mình trong khu vực Hàng Việt Nam chất lượng cao. Bạn chịu khó sáng tạo sản phẩm mới như bộ tinh dầu làm từ 70 loại gia vị của địa phương cả nước cực đẹp và hương vị đặc biệt tinh tế tẩy sạch không gian cho con người thật thư thái… Bạn Phạm Minh Tiến ở Cần Giờ là một kỹ sư hóa học đã làm ra món mật dừa nước từ cây dừa nước bản địa vốn có rất nhiều ở Cần Giờ và nhiều nơi trong cả nước. Cô giáo Ngô Song Đào ở Bến Tre làm nhang sinh học từ cây quao, là loại cây mọc hoang ở vùng kinh rạch. Nhờ có cô Đào mà cây quao trở thành cây nguyên liệu làm nhang giúp cho đời sống bà con vùng quê được ổn định hơn… Còn nhiều bạn khác nữa. Họ rất chịu khó, ham tìm tòi học hỏi và trưởng thành nhanh chóng.

Xin cảm ơn bà dành thời gian cho cuộc trò chuyện giữa những ngày tất bật cuối năm này!

(Cre: Nguyễn Thị Ngọc Hải/24SốngXanh)