Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Là người Sài Gòn nhưng chưa chắc bạn biết hết tên gọi những địa danh này!

Ở Sài Gòn, những địa danh như Đa Kao, Thị Nghè, Chà Và, Bến Thành, Ngã Tư Hàng Xanh… mà không phải người dân Sài Gòn nào cũng biết rõ bắt nguồn từ đâu và có ý nghĩa như thế nào!

Sài Gòn là miền đất hơn 300 năm tuổi, hiển hiện cho mình những giá trị văn hoá pha lẫn Đông - Tây. Từng con đường, con phố, di tích đều mang tên một ý nghĩa trong đời sống. Thế nhưng bên cạnh đó có những cái tên như Đa Kao, Thị Nghè, Chà Và… mà không phải người dân Sài thành nào cũng biết rõ bắt nguồn từ đâu.

Đa Kao

Đa Kao là địa giới hành chính thuộc Quận 1, quận trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh. Tên gọi Đa Kao bắt nguồn từ “Đất Hộ” (là đất thuộc một hộ, nay là công viên Lê Văn Tám) mà người Pháp phiên âm và đọc chệch thành Đakao (dùng trong sách báo, văn bản thời Pháp thuộc), được phổ biến từ những năm 50 của thế kỷ XX.

Đa Kao vẫn là cái tên gắn liền với Sài thành hoa lệ, cùng với mảnh đất này “thay da đổi thịt”, hội nhập và phát triển từng ngày…

Đường Đinh Tiên Hoàng – Đakao trong thế kỷ XX – Ảnh: Sưu tầm

Bến Nghé

Theo Trịnh Hoài Đức, Bến Nghé trước đây là bến nước tụ họp cho trâu con uống nước, do một tên rất cũ là Kompong Krabey (bến trâu) đã được Việt hóa từ tiếng Khmer. Trong “Phương Đình dư địa chí” xuất bản năm 1900, Nguyễn Văn Siêu đã giải thích tên gọi Bến Nghé là do tương truyền dòng sông này luôn văng vẳng tiếng kêu gầm như trâu rống của những đàn cá sấu, nên được gọi là “nghé” kết hợp với “bến” trong “bến nước”.

Và dù cách lý giải như thế nào, ta vẫn thấy rõ ràng, nơi này đã từng là một địa bàn tập trung sinh sống của thú rừng, nơi sinh trưởng của cỏ cây trù phú… đặc trưng của vùng sông nước phương Nam.

Bến Nghé, cột cờ Thủ Ngữ – Ảnh: sưu tầm

Thị Nghè

Theo Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định thành thông chí” – mục “Trấn Phiên An” – vào năm 1820 thì Thị Nghè là tên gọi dân gian của bà Nguyễn Thị Khánh – người đã có công khai hoang đất và bắc cầu đi lại qua sông cho dân chúng.

Bà Nghè là tên gọi thân mật, kính trọng mà người ta vẫn thường gọi mỗi khi nói về bà, bởi bà là vợ của một người thư ký lúc đương thời và là trưởng nữ của quan Khâm sai Chánh thống Vân Trường Hầu Nguyễn Cửu Vân.

Một góc Thị Nghè vào cuối năm 1968 – Ảnh: Sưu tầm

Bến Thành

Chợ Bến Thành đã có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ gọi là Thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành. Từ đó khu chợ cũng có tên là chợ Bến Thành.

Một góc chợ Bến Thành xưa – Ảnh: sưu tầm

Ngã Tư Hàng Xanh

Là nút giao thông lớn ở cửa ngõ phía Đông của TP. HCM, Hàng Xanh là địa danh rất quen thuộc với người Sài Gòn. Vùng Hàng Xanh, bao gồm một phần địa bàn các phường 24, 25 (quận Bình Thạnh), còn có chợ Hàng Xanh, ngã tư Hàng Xanh.

Theo tìm hiểu của tác giả Nguyễn Thanh Lợi (trong Sài Gòn – Đất và Người) qua nhiều tài liệu cũ, địa danh này viết đúng phải là Hàng Sanh. Theo Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, “Sanh” là thứ cây lớn, nhánh có tua, thuộc loại cây da, lá nhỏ. Ngày trước, dọc theo hai bên đường nay là Bạch Đằng có hai hàng cây sanh, dân thường gọi là Hàng Sanh.

Trong phương ngữ Nam, người ta thường lẫn lộn hai âm đầu “s – x” nên có thể kết luận, Hàng Xanh do biến âm từ Hàng Sanh mà ra.

Ngã tư Hàng Xanh thời xưa – Ảnh: sưu tầm

Cầu Bông

Tên gọi cầu Bông có nhiều giả thuyết đặt ra, tuy nhiên theo nghiên cứu thì vào đời Tả quân Lê Văn Duyệt (1789–1832) đã cho xây một vườn hoa gần cầu, người dân quen thuộc gọi là cầu Hoa. Có ý kiến cho rằng, đến thời vua Thiệu Trị thì các địa danh có yếu tố Hoa như cầu Hoa, chợ Đông Hoa đổi thành cầu Bông, chợ Đông Ba do kỵ húy mẹ vua Thiệu Trị (trị vì từ 1841 – 1847) là bà Hồ Thị Hoa nên người ta phải đổi sang gọi cầu Bông. Bởi lẽ, với người Nam, từ bông là cách gọi khác để chỉ hoa cỏ.

Cầu Bông, một phần lịch sử của Sài Gòn thuở sơ khai – Ảnh: sưu tầm

Chà Và

Chà Và là cách người Việt phát âm chữ Java – tên một hòn đảo ở Indonesia. Chà Và dùng để chỉ người đến từ đảo Java, về sau dùng để gọi tất cả những người có màu da ngăm như Chà Bom Bay (Bombay, Ấn Ðộ), Chà Ma Ní (Manila, Philippines).

Thế mới rõ vì sao khu vực cầu Chà Và từng là phố chợ của người gốc Ấn chuyên bán vải lại được gọi thành Chà Và. Ngoài ra, ở đầu cầu Chà Và về phía Quận 8 có rạp hát Phi Long nổi tiếng, thường xuyên chiếu phim Ấn Độ phục vụ cư dân quanh vùng.

Cầu Chà Và thuở xưa – Ảnh: sưu tầm

Thủ Thiêm

Trước đây, “thủ” là từ gọi tắt của “thủ ngữ”, chức vụ trưởng một thủ, có nhiệm vụ giữ an ninh và thu thuế. Vì khá phổ biến thời trước nên “thủ” đã đi vào một số địa danh hiện nay như Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Ngữ (Sài Gòn), Thủ Thừa (Long An) hay Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Đức, Thiêm, Ngữ, Thừa được cho là tên những viên chức được cử đến cai quản các thủ này và vì giữ chức vụ khá lâu nên tên của họ đã được người dân gắn liền với địa danh.

Nhắc đến tên gọi Thủ Thiêm ở thành phố Hồ Chí Minh, đó không chỉ là một phường hành chính của Quận 2 mà còn là gắn liền với khu đô thị mới, đường hầm vượt sông Sài Gòn hay những trường học, khu chợ…

Quận 1, quận 4 và Thủ Thiêm (quận 2) ngày trước – Ảnh: Sưu tầm

Trôi theo dòng thời gian, những tên gọi ấy là linh hồn của Sài Gòn xưa và cũng là một bộ phận địa giới hành chính không thể tách rời của thành phố Hồ Chí Minh. Những tên gọi này gợi nhớ về những năm tháng xưa cũ, in đậm dấu ấn lịch sử nối liền với hiện tại của mảnh đất Sài thành ngày nay.