Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Không 10 điểm thì đừng về nhà

Ngày xưa hồi còn học tiểu học, mình nhớ có lần thấy một bạn nhỏ mặt mũi tái xanh bước ra cổng trường. Mẹ bạn nhỏ thay vì hỏi rằng "Hôm nay con học có mệt không" lại hỏi "Nãy kiểm tra sao rồi, bao nhiêu điểm?". Mình chắc chắn trong cuộc đời này, không chỉ bạn nhỏ đó, mà mình và các bạn, ai cũng từng trải qua.

Cũng có lần, mình trông thấy một ông bố ném cặp sách của đứa con xuống đất trước bao nhiêu cặp mắt của mọi người vì thằng nhỏ 7 điểm. "Người ta ai cũng 10 điểm, còn mày điểm như vầy thì đừng có về nhà! Nghỉ học đi!"

khong-10-diem-thi-dung-ve-nha-1650065157.jpeg
Ảnh minh họa

10 điểm để làm gì? Đó là câu hỏi mà chắc chắn nhiều học sinh (từng có mình) đã tự hỏi. Để vui lòng cha mẹ? Để đứng nhất lớp? Để điểm trong học bạ đẹp hơn? Nhưng sau tất cả, có ai tự hỏi mình hạnh phúc với con 10 đó chưa? Hay tất cả chỉ là vì chúng ta được dạy rằng phải "điểm 10 mới là con ngoan trò giỏi". Những đứa trẻ cứ thế đơn độc trên hành trình đi tìm những điểm 10 và chưa từng một ai dạy chúng rằng chúng hãy làm thật tốt những điều chúng giỏi. Và cũng chưa từng có ai ngồi lắng nghe chúng nói rằng hôm nay con mệt lắm, đừng đi học thêm được không?

Chúng ta thường nghe câu: "Trẻ con mỗi ăn với học, áp lực cái gì?" Ước gì trở lại tuổi trẻ, mình sẽ nói: "Người lớn mỗi ăn với làm, áp lực cái gì?" Chúng ta quên rằng thế giới trong trường học là một xã hội thu nhỏ, nơi đó lũ trẻ cũng phải bỏ sức để kiếm từng con điểm như cách người lớn kiếm tiền, nhọc não để điểm cao như cách chúng ta hoàn thành KPI. Trẻ con cũng có những lời chê trách la mắng hệt như sếp phàn nàn chúng ta, học không giỏi là có nguy cơ đuổi học như cách nhân sự bảo rằng không hoàn thành KPI là đuổi việc. Bạn áp lực vì công việc chất đống mà sếp vẫn giao thêm task mới, thế còn lũ trẻ chắc bình thản và tự tin khi bài vở dồn nén học thêm học bớt đến tận 2-3H sáng? Về bản chất, đi học và đi làm đều giống nhau, chỉ là quy mô và hình thức khác nhau. Vậy tại sao chỉ người lớn được quyền có áp lực?

Thế hệ nào cũng từng trải qua nhưng khi trưởng thành lại quên rằng ngày xưa mình từng ước sẽ không làm như thế với con mình. Trẻ con cũng là con người, không phải búp bê, hơn thế nữa, chúng là những con người dễ tổn thương nhất. Cây non còn không chịu nổi gió, huống gì là trẻ con.

Hãy là điểm 9, thậm chí là điểm 5 nếu các em thấy không cần thiết. Hãy để điểm 10 cho những điều các em thực sự đam mê. Và người lớn à, hãy lắng nghe trẻ con, không vì điều gì, chỉ vì chúng ta cũng từng là những đứa trẻ cô độc tự khóc một mình. Và vì chúng ta không muốn có thêm bất kì mất mát nào nữa!