Banh Trung Thu Windsor

Khi mỗi trái tim người Việt luôn có cờ đỏ sao vàng

Ngày Quốc khánh 2/9, lá cờ Việt Nam không chỉ tung bay trên từng nóc nhà người dân Việt từ thành thị đến nông thôn, từ thành phố đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo mà còn “phủ đỏ” mạng xã hội vì một tình yêu chung lớn lao, ấy là tình yêu đất nước.

“Tôi yêu tổ quốc tôi” không chỉ là một trào lưu nhất thời mà thể hiện sâu sắc sức mạnh đoàn kết và tự hào dân tộc bất diệt của người Việt. Nhờ vậy, cứ mỗi dịp 2/9, lá quốc kỳ treo sẵn trong trái tim lại được phất cao thể hiện một tình yêu truyền đời, ăn sâu vào máu thịt mỗi người dân Việt.

Tháng 8/2024, mạng xã hội xuất hiện “trend” biến mỗi nóc nhà thành một lá cờ tổ quốc. Trào lưu bắt đầu từ câu chuyện truyền cảm hứng của chàng trai Lê Quang Vũ (29 tuổi) ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi xây xong căn nhà tặng bố mẹ, Vũ thấy mái lợp tôn đỏ liền nảy ra ý tưởng vẽ ngôi sao vàng 5 cánh lên trên mái tạo thành hình lá cờ Tổ quốc diện tích 150m2.

Khi mỗi trái tim người Việt luôn có cờ đỏ sao vàng - Ảnh 1.

Sau khi hoàn thành lá cờ, Vũ quay video và đăng lên mạng xã hội, hút 2,8 triệu lượt xem cùng hơn 100.000 lượt yêu thích và rất nhiều bình luận trong thời gian ngắn. Vũ bày tỏ: “Mong muốn duy nhất của tôi là lan tỏa được tình yêu quê hương đất nước đến với cộng đồng và chứng tỏ lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam là bất diệt". Sau một đêm, rất đông người hưởng ứng việc "treo" lá cờ lên nóc nhà để thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và chào mừng ngày Quốc khánh 2/9.

Khi mỗi trái tim người Việt luôn có cờ đỏ sao vàng - Ảnh 2.

Dù được nhận định khi hưởng ứng cần nghiên cứu kỹ từ màu sắc, kích cỡ, vị trí của lá cờ, để tạo thành một phong trào có chiều sâu, trang nghiêm, thể hiện nhiều giá trị. Tuy nhiên, không thể phủ nhận trào lưu này đã chứng minh sức mạnh dân tộc Việt Nam, lòng yêu nước của người Việt như một ngọn lửa tiềm tàng chỉ cần một hơi thổi khẽ, “một cái chạm” là bùng lên mạnh mẽ. 

Trong mỗi người dân Việt dường như luôn có một lá quốc kỳ treo trong tim, vì vậy khởi phát từ một câu chuyện truyền cảm hứng đã lan rộng và chạm đến trái tim của hàng triệu người dân Việt. 

Khi mỗi trái tim người Việt luôn có cờ đỏ sao vàng - Ảnh 3.

Tiếp theo đó, phong trào “phủ đỏ” bằng cờ đỏ sao vàng lan rộng mạng xã hội. Hàng loạt người dùng facebook, TikTok đăng tải các nội dung thể hiện tinh thần dân tộc và tình yêu Tổ quốc thông qua mẫu hiệu ứng đặc biệt lan tỏa hình ảnh lá Quốc kỳ Việt Nam. 

Trong dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, giới trẻ "check in" cùng hình ảnh lá cờ Việt Nam ở mọi khuôn hình đầy ý nghĩa từ quán cafe, ly trà sữa, món ăn, gánh hàng hoa, trang phục… để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, khẳng định tình yêu quê hương đất nước luôn hiện hữu. Đó không chỉ là niềm tự hào dân tộc, mà còn là lòng trân quý giá trị lịch sử vẻ vang dân tộc, sự kết nối qua nhiều thế hệ bằng một tình yêu chung vĩ đại là tình yêu đất nước. 

Nhìn lại dòng thời gian thì trước đó, ngày 26/7, hình ảnh "biển người" tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng không chỉ thể hiện lòng tiếc thương một nhà lãnh đạo xuất sắc đặc biệt, mà còn thể hiện một tình yêu đất nước, một sức mạnh đoàn kết dân tộc mạnh mẽ trong mỗi người dân Việt. 

Khi mỗi trái tim người Việt luôn có cờ đỏ sao vàng - Ảnh 4.

Người ta nói rằng Lễ quốc tang đưa tiễn Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là sự ngưỡng mộ, tiếc thương với một nhà lãnh đạo tài hoa mà còn là một chiếc xe hoa chở đầy tình yêu Tổ quốc, một tuyên ngôn mạnh mẽ: “Tôi yêu Việt Nam và tự hào là người Việt Nam”. 

Khi mỗi trái tim người Việt luôn có cờ đỏ sao vàng - Ảnh 4.

Đầu tháng 8, trong gameshow “Anh trai vượt ngàn chông gai”, hai thế hệ nghệ sĩ là NSND Tự Long, Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven có màn biểu diễn tiết mục “Trống cơm” gắn liền với tuổi thơ của nhiều người Việt cùng nhạc cụ dân tộc gây sốt. Màn trình diễn này nhanh chóng lọt vào danh sách âm nhạc thịnh hành trên YouTube, thu hút 4,3 triệu lượt xem sau hai tuần. Lấy cảm hứng từ đó, nhiều bạn trẻ trên TikTok trổ tài cover giai điệu Trống cơm bằng các loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn cò, sáo trúc… 

Khi mỗi trái tim người Việt luôn có cờ đỏ sao vàng - Ảnh 6.

Một bài hát dân ca quen thuộc trên nền nhạc cụ dân tộc được giới trẻ yêu thích và hưởng ứng là một hiện tượng đầy ý nghĩa. Nói rộng ra thì tình yêu với dân ca và nhạc cụ truyền thống là một cách thể hiện tình yêu dân tộc rất rõ ràng và tinh tế. 

Tháng 5/2024, trào lưu vẽ tranh tôn vinh người anh hùng cứu người trong vụ hỏa hoạn nghiêm trọng ở Cầu Giấy, Hà Nội. Hai “anh hùng” mình trần, đứng trên thang gỗ, một tay bám vào thanh sắt cửa sổ, tay còn lại dùng búa tạ liên tục đập tường để giải cứu người mắc kẹt đã là hình ảnh truyền cảm hứng để các hoạ sĩ dùng nét vẽ của mình khắc hoạ lại hình ảnh đẹp đẽ và hào hùng này. Tất cả đều rộn ràng một niềm tự hào chung “đất nước mình ra ngõ gặp anh hùng”. 

Và quay lại dấu mốc trọng đại vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định tự do cho một dân tộc kiên cường và đoàn kết qua thăng trầm, đau thương tạo thành một sức mạnh vĩ đại giành lại độc lập vì mục tiêu hòa bình và hạnh phúc.

Khi mỗi trái tim người Việt luôn có cờ đỏ sao vàng - Ảnh 7.

Và từ đó đến nay ngày lễ Quốc khánh vượt ra ngoài biên giới của một sự kiện lịch sử, để không chỉ là một ngày kỷ niệm, mà còn khơi dậy trong mỗi người Việt niềm tự hào, tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước dân tộc bất diệt.

Không phải lúc nào người Việt cũng nói “Tôi yêu tổ quốc tôi”, cũng không phải chỉ đến ngày Quốc khánh, ngày lễ người ta mới treo cờ. Nhưng mãi mãi sẽ luôn có lá cờ đỏ sao vàng treo trong tim mỗi người để người Việt nói “Tôi yêu Việt Nam” và tự hào gọi nhau là đồng bào, là anh em một nhà. 

(Nguồn: Tổ Quốc)