Hỗ trợ người dân vùng miền núi tiêu thụ nông sản, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững

Chương trình sẽ bao tiêu nông sản, hoa màu của người dân địa phương, đảm bảo đầu ra, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, gắn với hoạt động xây dựng cộng đồng địa phương.

Ngày 21/2, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cho biết vừa qua tại UBND xã Tr'hy, huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) Hội Khách sạn Đà Nẵng cùng Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Đà Nẵng và Hội Nông dân xã Tr'hy ký kết chương trình hỗ trợ phát triển và tiêu thụ nông sản.

Theo đó, chương trình sẽ bao tiêu nông sản, hoa màu của người dân địa phương, đảm bảo đầu ra, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, gắn với hoạt động xây dựng cộng đồng địa phương.

Hỗ trợ người dân vùng miền núi tiêu thụ nông sản, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1.

Ký kết chương trình hỗ trợ phát triển, tiêu thụ nông sản cho xã Tr’hy (huyện Tây Giang, Quảng Nam).

Ông Trần Văn Ta, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huyện Tây Giang cho biết, xã Tr'hy có lực lượng lao động dồi dào, khí hậu ôn hòa và diện tích canh tác lớn, tuy nhiên người dân địa phương vẫn còn thiếu hụt về kiến thức và kỹ thuật nông nghiệp.

Với nỗ lực giữa các bên, cũng như có sự đồng hành của những doanh nghiệp cung ứng thực phẩm lớn, sẽ có sự cải thiện rõ rệt trong các khâu sản xuất nông nghiệp, bảo quản nông sản sau thu hoạch của bà con, nhằm xây dựng nguồn nông, sạch, ổn định, tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp tại Xã Tr'hy nói riêng, huyện Tây Giang nói chung một cách bền vững.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh cho biết, du lịch xanh và bền vững là xu hướng chung của toàn cầu. Tại Đà Nẵng với hơn 1.300 khách sạn từ 2 sao – 5 sao, chúng ta vẫn còn rất nhiều khía cạnh tiềm năng để phát triển theo định hướng này.

Một trong số đó là phát triển nguồn cung ứng nông sản sạch, ổn định ngay tại địa phương nhằm giúp khách sạn, nhà hàng rút ngắn thời gian nhập hàng từ các nguồn nguyên liệu khác chủ động trong sáng tạo ẩm thực địa phương, phù hợp phục vụ du khách quốc tế.

"Ẩm thực phải gắn liền với câu chuyện văn hóa. Việc sử dụng nguyên liệu, hương liệu xã Tr'hy để quảng bá ẩm thực địa phương Đà Nẵng – Quảng Nam đến du khách trong và ngoài nước, không chỉ nâng cao trải nghiệm ẩm thực của các khách sạn, nhà hàng mà còn góp phần xây dựng giá trị cộng đồng bền vững", ông Quỳnh khẳng định.

Hỗ trợ người dân vùng miền núi tiêu thụ nông sản, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững - Ảnh 2.

Lãnh đạo địa phương giới thiệu cho các đơn vị về xã Tr’hy và các khu vực sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng chia sẻ, chương trình vừa ký kết không chỉ là cam kết đầu ra cho nông sản của bà con địa phương, mà tạo tiền đề, nền tảng phát triển du lịch nông nghiệp bền vững như: chia sẻ kiến thức nông nghiệp, xây dựng khu vực trưng bày nông sản xã Tr'hy (Tây Giang) để giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế, hỗ trợ đào tạo các kiến thức truyền thông, tiếp thị, kinh doanh số đến lực lượng lao động bản địa,… cũng như kết nối với các đơn vị cung ứng, sản xuất thực phẩm để xây dựng các kế hoạch sản xuất nông sản ngay tại địa phương.

Theo ông Andre Pierre Gentzsch, Tổng giám đốc vận hành Quần thể Quốc tế Furama – Ariyana Đà Nẵng, phát triển bền vững là một trong những giá trị phát triển cốt lõi của khu nghỉ dưỡng ẩm thực và di sản Furama Resort Đà Nẵng trong nhiều năm qua.

"Với lễ ký kết biên bản ghi nhớ này, Furama Resort Đà Nẵng tự hào là đơn vị tiên phong, góp phần xây dựng nguồn cung ứng nông sản sạch, ổn định ngay tại địa phương Đà Nẵng – Quảng Nam. Các loại rau màu, nông sản sạch thông qua bàn tay tài hoa của đội ngũ bếp chuyên nghiệp của chúng tôi, những món ngon phục vụ thực khách đến với Furama Resort Đà Nẵng sẽ mang câu chuyện và sẽ thêm phần ý nghĩa", ông Andre Pierre Gentzsch cho biết.

Được biết, xã Tr'hy (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cách trung tâm thành phố Đà Nẵng gần 150km, gần biên giới với nước bạn Lào. Phần lớn người dân địa phương là người dân tộc Cơ Tu với 390 hộ, 1.500 nhân khẩu, nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông sản, với các loại hoa màu, cây dược liệu.