Mọi loại cảm xúc đảo lộn trong nội tâm, suy nghĩ của người tự ti cũng trở nên phức tạp, khó có thể tư duy một cách tỉnh táo. Bởi vì muốn tư duy tỉnh táo, cần phải dựa vào sự bình tĩnh để phân tích, nhưng mọi loại cảm xúc đan xen và hỗn loạn, khó có thể giữ được nội tâm bình tĩnh.
Mình là nhất: Tự luyến trực tiếp và tự luyến ngầm
Trong một bữa tiệc họp mặt, có người là nhân vật chính, có người là nhân vật phụ. Nhân vật chính phụ trách kiểm soát không khí của bữa tiệc, nhưng có một số người vì cảm giác tự ti, mà luôn cảm thấy không được thoải mái khi đang tụ tập với bạn bè, không cách nào trở thành nhân vật chính trong bữa tiệc, chỉ có thể làm nhân vật phụ mà thôi.
Mỗi người đều hy vọng mình là nhân vật chính, cho dù là nhân vật phụ cũng sẽ dùng mọi cách để mình leo lên được vị trí nhân vật chính. Có hai phương thức để trở thành nhân vật chính, thứ nhất là thể hiện uy quyền của mình, chứng minh bản thân có thể kiểm soát mọi thứ. Đây là một loại tự luyến trực tiếp, là đặc điểm điển hình của người mắc chứng rối loạn nhân cách tự luyến.
Kiểu người này sẽ không thể nào chịu được cảm giác tự ti trong lòng mình, cho rằng bản thân mình không với giống mọi người, mượn phương thức khoe khoang bản thân để làm nổi bật sự quan trọng của mình. Họ hy vọng người khác nâng mình trong lòng bàn tay, khao khát có được sự công nhận của mọi người, không thể chịu nổi những lời phê bình của người khác.
Nhưng thời gian lâu rồi, họ sẽ bắt đầu khinh thường những người bên cạnh, bởi vì họ cảm thấy chỉ có bản thân mình là quan trọng nhất. Họ thường xuyên xảy ra xung đột với người khác, khiến cho những người bên cạnh từng người một rời đi, đổi hết nhóm bạn bè này đến nhóm bạn bè khác.
Một phương thức khác chính là kiểu người trong lòng âm thầm xem thường người khác. Kiểu người này là người tự luyến ngầm, trong lòng cảm thấy bản thân mình là người đặc biệt, có nghĩa là tự cảm thấy mình rất tốt đẹp. Họ thể hiện ra bên ngoài mình là người khiêm tốn, tiếp xúc với người khác một cách hòa hợp và không có trở ngại, nhìn vào cũng rất thân thiện, nhưng nội tâm của họ lại không phải như vậy, họ thường xuyên phê bình người khác ở trong lòng.
Họ thể hiện khiêm tốn, nhưng lại âm thầm cảm thấy người khác không bằng mình, mình lợi hại hơn người khác.
Cảm giác tự ti quá mức sẽ tạo thành loại tự luyến không lành mạnh này, cho rằng cả thế giới chỉ có mình là quan trọng nhất, khao khát thông qua tiền bạc, danh tiếng, địa vị để trang bị bản thân. Bởi vì chỉ có làm như vậy, người khác mới không xem thường họ. Đây cũng là lý do tại sao những người có cảm giác tự ti mãnh liệt lại bám chấp vào tiền bạc, danh vọng và địa vị sâu nặng đến như vậy.
Những biểu hiện phức tạp…
Người tự ti lúc nào cũng bận rộn, luôn muốn thông qua công việc để chứng minh giá trị của bản thân. Nhiều lúc trông họ giống như người cuồng công việc, không cách nào nghỉ ngơi thật tốt. Cho dù là họ có sự nghỉ ngơi biểu hiện ở mặt hình thức, cũng luôn chú ý đến người bên cạnh xuất sắc hơn mình, tâm lý luôn thấy bất an.
Người mang tâm lý tự ti trong lòng sẽ không cách nào thiết lập mối quan hệ thân mật với bất cứ ai. Bởi vì khi qua lại thân thiết với người khác, đối phương sẽ luôn nhìn thấy ưu điểm và khuyết điểm của bản thân, nhưng nếu thể hiện bản thân ở trước mặt người khác thì lại cảm thấy rất xấu hổ.
Chính vì vậy, những người tự ti sẽ không thể hiện bản thân mình ở trước mặt đối phương, mà sẽ xây dựng mối quan hệ với người khác bằng cách thức lấy lòng và chiều theo mong muốn của đối phương. Làm như vậy sẽ khiến đối phương cảm thấy được xem trọng mà trở nên vui vẻ. Đặc biệt là những người chưa thỏa mãn cảm giác tuổi thơ, đơn phương khao khát được người khác chăm sóc, thì sẽ vô cùng thích mối quan hệ như vậy.
Từ ngoài nhìn vào thì sẽ thấy hai người họ có mối quan hệ rất thân thiết, một người thích chăm sóc người khác, một người thích được chăm sóc. Nhưng trên thực tế, suy nghĩ thật sự trong lòng của người thích chăm sóc người khác chính là: “Ừ! Mình đã làm rất tốt”. Đối với những người tự ti mà nói, họ xem mối quan hệ như vậy là một công việc, giống như đang chấp hành nhiệm vụ.
Đứng ở lập trường của người được chăm sóc mà nói, sẽ cảm thấy là “mình được yêu thương”. Họ sẽ đắm chìm trong cảm giác được yêu thương và che chở, không phát giác được chân tướng của sự thật. Hai người họ cùng chìm vào trong mối quan hệ giả ảo, cả hai dựa dẫm vào nhau. Loại quan hệ như vậy giống như là hiện tượng ảo ảnh thành phố trên biển vậy, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Hạ thấp người khác để chứng minh bản thân
Những người có nội tâm tự ti khi nhìn thấy người khác hạnh phúc mỹ mãn sẽ cảm thấy ngưỡng mộ và đố kỵ. Bởi vì sự thiếu thốn và tự ti trong lòng, nhìn thấy người khác có, bản thân cũng muốn có, vì vậy, cảm giác tự ti thường xuyên đi cùng với cảm giác ngưỡng mộ và đố kỵ.
Người ngập tràn cảm giác tự ti sẽ không đào bới nội tâm của chính mình, cảm giác những thứ mình sở hữu vốn dĩ không đáng nhắc tới. Nhưng bởi vì không nhìn thấy được sự tốt đẹp trên người mình, luôn muốn tranh giành những thứ người khác có và biến chúng trở thành của mình, dùng phương thức như vậy để chứng minh bản thân mạnh hơn người khác.
Trong lòng của những người tự ti luôn chứa đầy nỗi sợ và sự bất an, luôn sống dè dặt, bất luận là trong công việc hay là tiếp xúc với người khác, đều khó tận hưởng được niềm vui trong đó. Bởi vì ý thức cạnh tranh của họ quá mạnh, luôn muốn thắng người khác.
Họ cũng thường xuyên lo lắng mình sẽ tụt lại phía sau người khác, lo sợ đối thủ cạnh tranh sẽ vượt lên trước mặt mình, họ không dám lười biếng và thả lỏng, vì vậy mà không thể nào nghỉ ngơi đầy đủ, sự tập trung và hiệu suất trong công việc cũng bị giảm sút. Cho dù là như vậy, họ vẫn bỏ ra rất nhiều thời gian cho công việc, vẫn có biểu hiện thành quả nhất định nào đó trong công việc. Tuy rằng phương thức làm việc như vậy có thể sẽ gặp phải trở ngại lớn hơn trong tương lai, bởi vì mục đích cố gắng làm việc của họ là vì muốn thắng người khác.
Trước đây có một học sinh của trường danh tiếng đến tìm tôi để tư vấn tâm lý, vấn đề của cậu học sinh này là vì “thành tích không như mong đợi”. Sau khi tìm hiểu, mới biết là thành tích của cậu ấy là 3.8 điểm. Mặc dù đây đã là số điểm rất cao, nhưng cậu lại vì điểm số không vượt quá 4.0 mà trong lòng vô cùng khó chịu.
Tôi thử tìm hiểu cách học tập của cậu ấy. Mỗi lần chuẩn bị đến kỳ thi, cậu ấy luôn sợ mình quên mất những nội dung đã học trước đây, nên sẽ ôn tập lại một lượt từ đầu đến cuối, quá trình này cứ lặp đi lặp lại. Vì vậy, đối với cậu ấy mà nói, chuẩn bị cho kỳ thi là một chuyện rất mệt mỏi. Cậu ấy đã cố gắng học tập như vậy, nhưng mà vẫn không đạt được hạng nhất, điều này đối với cậu ấy là một đả kích rất lớn. Cậu ấy xem những bạn học có thành tích tốt hơn mình là kẻ thù, cho rằng nếu bản thân muốn thắng được họ, thì phải nghiêm túc học tập hơn nữa. Cho dù thi đậu vào khoa đang hot của một trường danh tiếng, cậu ấy vẫn không thoát được cảm giác tự ti trong lòng mình.
Trong quá trình tư vấn, tôi giúp cậu ấy tìm ra nguồn gốc của cảm giác tự ti. Sự tự ti của cậu ấy không phải do bạn học gây ra, mà nó được hình thành bởi cha của cậu ấy.
Từ nhỏ, cha cậu ấy thường xuyên nói với cậu ấy những lời nói cay nghiệt, trong lời nói luôn mang theo sự xem thường. “Bộ dạng này của con, làm sao có thể thắng được người khác chứ?”, “người khác nghiêm túc như vậy, sao con chỉ có như vậy thôi?”, “còn không học cho đàng hoàng, cha thấy con sau này chuẩn bị bị xã hội đào thải đi!”, hở một chút là trách mắng cậu ấy. Chịu ảnh hưởng của cha mình, cậu ấy luôn cảm thấy mình không thể để thua người khác, nếu thua thì tất cả sẽ kết thúc. Cảm giác tự ti của cậu ấy bắt nguồn từ lời nói bạo lực của cha mình. Mà bây giờ phải thông qua quá trình tư vấn tâm lý để chữa lành vết thương trong lòng của cậu ấy.
Sau khi kết thúc liệu trình tư vấn, cậu ấy nói với tôi: “Bác sĩ, đây là lần đầu tiên con cảm thấy tâm lý mình thoải mái như vậy, cảm giác bản thân hình như được giải phóng rồi, cuối cùng có thể thở phào nhẹ nhõm rồi”.
Cuối cùng cậu ấy cũng có thể thở phào nhẹ nhõm, nhưng tâm trạng của tôi thì lại cực kỳ hỗn tạp. Không biết rằng còn có bao nhiêu người giống như cậu học sinh này đang vùng vẫy trong sự cạnh tranh, sau đó hủy hoại cuộc đời của mình.
Càng tự ti, khát vọng càng lớn mạnh
Những người tự ti, trong lòng luôn khao khát được trở nên lớn mạnh, bởi vì họ luôn cảm thấy bản thân mình không bằng người khác.
Trong xã hội hiện đại cạnh tranh khốc liệt, những người tự ti không muốn mình bị tụt lại phía sau người khác, họ luôn sống một dè dặt và run sợ, cảm thấy nếu thua người khác thì sẽ rất mất mặt, khi thua sẽ cảm thấy rất buồn bực. Vì để thắng người khác, có nhiều lúc sẽ không ngại dùng những thủ đoạn xấu xa, để cố làm tình huống trở nên có lợi cho bản thân mình.
Nhưng nếu như cách làm đó không mang lại hiệu quả, họ sẽ cảm thấy xấu hổ mà tức giận, sau đó cãi nhau với đối phương. Bất luận thế nào cũng không muốn thua người khác, ngay cả tranh cãi cũng phải cãi đến thắng mới thôi, ban đầu chỉ là một cãi vã nhỏ, cuối cùng lại phát triển thành cuộc chiến đôi bên không ai nhường ai.
Cách đây không lâu, tôi cũng gặp phải một chuyện tương tự như vậy. Tôi có hai người anh trai và hai người chị gái, mỗi khi đến dịp lễ tết, tuy rằng không gặp được các chị, nhưng tôi luôn tụ tập với các anh trai của mình. Một lần, khi tôi và các anh trai đang cùng nhau chơi bài, chúng tôi đã cãi nhau một trận.
Người cãi nhau với tôi chính là anh cả của tôi. Anh cả tôi lớn hơn tôi rất nhiều tuổi, từ nhỏ anh ấy đã giống như chỗ dựa của tôi, luôn chăm sóc tôi nhiều hơn những anh chị khác, nhưng sau này lớn lên mới phát hiện, thì ra anh cả cũng có mặt yếu đuối của anh ấy.
Khi chơi bài, anh cả luôn thay đổi quy tắc trò chơi, lúc thì như thế này, lúc lại như thế kia. Vì tôi sắp thua rồi, nhịn không được nên tôi cằn nhằn: “Cứ đổi tới đổi lui, thôi khỏi chơi luôn đi!”
Sau khi nghe được câu nói này, anh cả lập tức phản đòn, lớn tiếng trách móc tôi. “Anh đâu có đổi tới đổi lui chứ, không muốn chơi thì cứ nói, sao lại trách người khác hả?”
Hai chúng tôi mỗi người một câu, không ai chịu nhường ai, cuối cùng thành ra một trận cãi vã. Vốn dĩ là một cuộc tụ tập vui vẻ, không khí bỗng chốc trở nên ảm đạm.
Sau khi con trai của anh cả nhìn thấy tình cảnh này, đột nhiên nói một câu, câu nói này giống như đập một gậy vào đầu tôi, khiến tôi bừng tỉnh. “Con cứ tưởng là chỉ có ba mới tức giận thôi, kết quả chú cũng vậy, xem ra đây chắc là di truyền của gia đình rồi!”
Sau khi nghe câu nói này của cháu trai, tôi bắt đầu nghĩ lại quá khứ của gia đình. Bởi vì gia đình nghèo khó, cuộc sống lúc nhỏ của chúng tôi rất khó khăn, mấy anh em chúng tôi thật ra rất tự ti, sự tự ti này luôn lưu giữ trong lòng chúng tôi, chưa từng nhìn thẳng vào nó. Khi chơi bài, sở dĩ không muốn thua đối phương cũng là xuất phát từ cảm giác tự ti. Tuy rằng hiểu được nguyên nhân đằng sau, nhưng vẫn cảm thấy rất buồn.
Chúng tôi đều muốn chứng minh bản thân mạnh mẽ hơn đối phương, anh cả lợi dụng phương thức đưa ra quy tắc trò chơi để thể hiện sự lớn mạnh của bản thân, tôi cũng vì muốn thắng anh cả mình, cảm thấy mình sắp thua rồi, cho nên mới xảy ra xung đột với anh cả.
Đến cuối cùng thành ra tức giận rồi cãi vã, tất cả đều là vì muốn thắng đối phương. Nếu thua sẽ tức giận, bởi vì nếu thua rồi thì sẽ không còn cách nào chứng minh mình mạnh hơn đối phương nữa.