Hành trình phát triển "chưa từng có trong lịch sử" của vaccine AstraZeneca

Nếu bạn muốn hiểu rõ về liều vaccine phòng COVID-19 đã và sẽ được tiêm vào cơ thể mình, hãy đọc cuốn sách “Vaxxers: Câu chuyện về cuộc đua phát triển vaccine chống COVID-19 của các nhà khoa học Oxford” của GS Sarah Gilbert và TS Catherine Green.
astra1-1642152675.png
Vaxxers: Câu chuyện về cuộc đua phát triển vaccine chống COVID-19 của các nhà khoa học Oxford

GS Sarah Gilbert là Giáo sư Chuyên ngành Vaccine tại Đại học Oxford và là nhà đồng sáng lập Vaccitech. Bà chuyên nghiên cứu phát triển vaccine phòng bệnh cúm và các tác nhân gây bệnh mới nổi. TS Catherine Green là nhà sinh vật học người Anh tại Trung tâm Di truyền học Người Wellcome tại Đại học Oxford. Đây là 2 nhà khoa học nữ đã đóng góp to lớn vào nhóm nghiên cứu vaccine Oxford AstraZeneca, cho ra đời vaccine phòng COVID-19 chỉ trong 1 năm.

Trong quá khứ, phải mất ít nhất 10 năm để 1 loại vaccine đi từ giai đoạn ý tưởng đến khi có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, với vaccine từng được phát triển trước năm 2020, hầu hết thời gian trôi qua đều dành để chờ đợi.

Nhưng đại dịch COVID-19 không chờ đợi ai. Như Sarah Gilbert chia sẻ: “Virus không quan tâm đến biên giới, niềm tin tôn giáo hay khuynh hướng chính trị”. Sau khi ghi nhận những ca mắc đầu tiên tại Trung Quốc cuối năm 2019, đại dịch đã lan tới châu Âu vào tháng 3/2020, khiến hoạt động kinh tế đình trệ, các quốc gia đóng cửa biên giới, số bệnh nhân tử vong tăng lên hàng ngày.

astra2-1642152723.jpg
Chân dung GS Sarah Gilbert và TS Catherine Green, 2 nhà khoa học đằng sau sự phát triển của AstraZeneca - Ảnh: New Scientist

Ngay cả những nhà khoa học hàng đầu tại Đại học Oxford cũng không ngờ rằng dịch COVID-19 sẽ bùng phát mạnh mẽ và nhanh chóng đến vậy. Dù đã dành nhiều năm để nghiên cứu cách chống lại Bệnh dịch X, họ không hề nghĩ rằng mình sẽ phải tìm cách chống lại 1 đại dịch khi đang ở trong đại dịch đó.

Các nhà phát triển vaccine AstraZeneca có thể cắt bỏ khoảng thời gian chờ đợi, nhanh chóng sản xuất thành công vaccine chỉ trong 1 năm là nhờ 3 yếu tố: Nền tảng khoa học công nghệ đã được thử nghiệm và nghiên cứu trước đó; Tiếp cận được nguồn kinh phí cần thiết; Tiến hành song song những thứ vốn phải thực hiện tuần tự. Đây cũng là kinh nghiệm quý báu cho các nhà khoa học, tổ chức đang nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước.

Công nghệ sản xuất AstraZeneca đã được nhóm nghiên cứu của GS Sarah Gilbert áp dụng vào vaccine phòng Ebola, vaccine phòng MERS trước đây (nhưng chưa được sử dụng rộng rãi). Từ năm 2012, bà đã tham gia nghiên cứu công nghệ nền tảng ChAdOx1, sau này có thể được sử dụng để sản xuất nhiều vaccine khác nhau như vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca.

astra3-1642152776.jpg
Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca/Oxford là vaccine đầu tiên được Bộ Y tế phê duyệt cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch tại Việt Nam. Vaccine có thể lưu trữ lâu dài ở mức nhiệt 2-8 độ C, nhiệt độ của tủ lạnh thông thường, có giá phải chăng.

Với công nghệ này, vaccine được tạo ra từ 1 loại adenovirus (gây bệnh đường tiêu hóa hoặc hô hấp nhẹ) đã bị loại bỏ ít nhất 1 gene nên không còn khả năng nhân lên và lây lan trong cơ thể. Ví dụ, AstraZeneca dựa trên 1 adenovirus tìm thấy trên khỉ. Công nghệ này cũng được áp dụng với vaccine của Johnson & Johnson và Sputnik V.

Vaccine AstraZeneca được phát triển trong 1 năm là thành quả táo bạo của đội ngũ nhà khoa học cũng như các quỹ tài trợ. PGS.TS Lê Văn Truyền – Nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp Dược học đánh giá: “Tôi nghĩ thành công này có thể so sánh với kỳ tích của bác sỹ Alexander Fleming, cha đẻ của thuốc kháng sinh vào những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, đã cứu được nhân loại khỏi các căn bệnh nhiễm khuẩn trong hơn 100 năm qua”.

Cuốn “Vaxxers: Câu chuyện về cuộc đua phát triển vaccine chống COVID-19 của các nhà khoa học Oxford” cung cấp cho người đọc đầy đủ các thông tin: Từ nguồn gốc bệnh dịch COVID-19, công nghệ và quá trình cho ra đời vaccine AstraZeneca đến 1 bệnh dịch Y có thể ập tới trong tương lai. Và đây không phải là cuộc đua giữa các công ty, các nhà khoa học để tìm ra người thắng kẻ thua. Đây là cuộc đua với virus SARS-CoV-2 để ngăn chặn dịch COVID-19.

Dù được chắp bút bởi các chuyên gia hàng đầu về vaccine và sinh vật học, nội dung được thể hiện tương đối dễ hiểu bằng một số liên tưởng thú vị (với người thợ may, thợ làm bánh). Cuốn sách cũng được trình bày với văn phong dí dỏm và khiêm tốn. 2 tác giả còn thấy tiếc nuối vì không được chuẩn bị tốt như đáng ra có thể. Khi dự án nghiên cứu phát triển vaccine được phê duyệt tài trợ, Sarah Gilbert còn không coi đó là một thành công: “Nó giống việc một thảm họa được ngăn chặn hơn”. Họ phát triển vaccine nhanh hơn bởi thời điểm tăm tối giữa đại dịch – thế giới cần vaccine càng sớm càng tốt.

Nếu có thể ra đời sớm hơn, cuốn sách đã là một bằng chứng vững chắc giúp người dân an tâm khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Sarah Gilbert khẳng định, đội ngũ của bà phát triển vaccine qua đầy đủ các giai đoạn, đảm bảo an toàn. Nhưng dù đặt vào bối cảnh 5, 10 năm sau đại dịch, Vaxxers vẫn là câu chuyện phi thường trong lịch sử y học.

Cuốn sách “Vaxxers: Câu chuyện về cuộc đua phát triển vaccine chống COVID-19 của các nhà khoa học Oxford” do MedInsights phát hành.