Côn Đảo là một quần đảo nằm ở phía Đông Nam, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách TP. HCM khoảng 230 km. Quay ngược dòng lịch sử, mảnh đất này từng được biết đến là địa ngục trần gian với nhà tù Côn Đảo khét tiếng một thời. Ngày nay, hòn đảo này trở thành thiên đường nghỉ dưỡng. Đó là những bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp cùng hệ thống rừng nguyên sinh và nhiều sinh vật quý hiếm. Nào, hãy cùng bắt đầu hành trình đến Côn Đảo nhé!
Côn Đảo – Từ “địa ngục” đến “thiên đường”
Lần đầu đặt chân đến Côn Đảo, bạn nên thỏa sức vẫy vùng bên làn nước trong xanh của bãi Lò Vôi. Nếu yêu thích cảm giác mạnh, bạn hãy tham gia hoạt động lặn biển để ngắm những dải san hô xinh đẹp ở hòn Tài. Hoặc bạn cũng có thể chọn ngồi trên tàu đáy kính để chiêm ngưỡng rạn san hô kỳ thú dưới đáy biển. Sau đó, bạn hãy dành thời gian để tìm về những giá trị xưa cũ. Đó là 5 cụm di tích gồm Bảo tàng Côn Đảo, Dinh chúa đảo, Di tích nhà tù Phú Hải, Di tích chuồng cọp Pháp và Di tích chuồng cọp Mỹ.
Mỗi khi chiều xuống, đừng quên trải nghiệm ngắm hoàng hôn trên bãi Đầm Trầu bạn nhé! Vẻ đẹp của nơi đây không chỉ nằm ở bãi biển xanh ngát, mênh mông, mà còn ở những tảng đá với nhiều hình thù khác nhau trên bãi biển. Chắc hẳn đây sẽ là một trong những trải nghiệm lãng mạn tại chuyếnhành trình đến Côn Đảo của bạn đấy!
Mùa vích đẻ trứng
Điểm nhấn độc đáo được nhiều người yêu thích trong hành trình đến Côn Đảo là ngắm vích đẻ trứng. Vích là một loại rùa biển quý hiếm nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Tại Côn Đảo có tới 14 bãi để vích đẻ trứng như hòn Tài, hòn Bảy Cạnh, hòn Tre… Trong đó, hòn Bảy Cạnh là nơi chiếm tới 90% số lượng rùa biển đẻ trứng.
Vích đẻ trứng như thế nào?
Thông thường, mùa sinh sản của loài vật này sẽ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10. Cao điểm rơi vào tháng 7 và tháng 8. Vích thường đẻ vào ban đêm. Dưới ánh đèn của nhân viên kiểm lâm, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc sinh nở của vích. Để đẻ trứng, vích mẹ sẽ chọn một khu vực cát mịn gần các lùm cây rồi dùng hai chân trước của mình để đào 1 chiếc tổ khá sâu.
Sau đó, chúng sẽ bắt đầu “thả” từng quả trứng tròn, trắng và nhỏ như bóng bàn rơi xuống lỗ. Khi đã hoàn tất công việc của mình, chúng sẽ tiếp tục dùng chân trước lấp cát xung quanh ổ để xóa dấu vết. Theo lời của hướng dẫn viên, mỗi con vích có thể đẻ khoảng 80 trứng. Nhưng một vài con đặc biệt có thể đẻ lên đến 200 trứng.
Cân bằng giới tính cho vích
Khi vích mẹ rời đi, các nhân viên kiểm lâm lấy trứng đem về ấp nhân tạo cho vích con. Việc này chính là để cân bằng “giới tính”. Theo nhân viên kiểm lâm chia sẻ, vích là loài vật có thể điều chỉnh được con đực hay con cái nhờ tác động của ánh sáng và nhiệt độ khi ấp. Sau khi trải nghiệm khoảnh khắc thiêng liêng của loài vích, bạn hãy dành thời gian tham quan hồ ấp trứng. Lúc này, bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy từng chú rùa con đang gắng sức chui ra khỏi vỏ trứng để bò về phía biển.
Hành trình đến Côn Đảo qua ẩm thực
Không chỉ nổi tiếng với các món như cua mặt trăng, cá mú đỏ, cá nhám, mắm nhum và tôm hùm đỏ,… Côn Đảo còn có một món ngon “nhức nách” khác là ốc vú nàng. Ốc vú nàng có hình dạng chóp nhọn nên chúng cũng có tên gọi khác là ốc nón. Tại Côn Đảo, ốc vú nàng xuất hiện quanh năm, nhưng nhiều nhất là những ngày trăng tròn giữa tháng.
Cách thông dụng để chế biến ốc vú nàng là luộc, hấp và làm gỏi. Nhưng cách chế biến ngon nhất vẫn là nướng. Khi ốc được nướng chín, người bán sẽ đập vỏ ốc vào đá để thịt ốc bong ra. Lúc này, bạn sẽ dễ dàng gỡ lấy thịt chấm cùng muối tiêu, chanh và ớt. Hành trình đến Côn Đảo sẽ tuyệt vời hơn khi được thưởng thức miếng thịt ốc nướng giòn sần sật. Xen lẫn vị cay nồng của ớt và vị chua của chanh.
Đến Côn Đảo bằng cách nào?
Đường bay đến Côn Đảo luôn “cháy vé” nên bạn cần đặt chỗ trước cả chuyến đi lẫn về. 2 hãng khai thác đường bay thẳng cho hành trình đến Côn Đảo là Vietnam Airlines và Bamboo Airways. Các chuyến bay sẽ xuất phát từ TP. HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Vinh và Đà Nẵng. Thời gian bay từ TP. HCM đến Côn Đảo sẽ mất khoảng 45 phút/lượt.
Để tiết kiệm chi phí hơn, bạn có thể chọn đi tàu thủy và tàu cao tốc. Tàu sẽ mất khoảng 12 tiếng và bạn cần có mặt tại Vũng Tàu để đi từ cảng Cát Lở. Giá vé một chiều cho người lớn khoảng 300.000 đồng và trẻ em là 200.000 đồng. Nếu đi tàu cao tốc, bạn cần tới cảng Cầu Đá. Hành trình đến Côn Đảo này mất nửa ngày. Mức giá từ 660.000 – 700.000 đồng mỗi chiều.
Lưu ý khi trải nghiệm vích đẻ trứng
Để đặt chân đến hòn Bảy Cạnh, bạn cần xin giấy phép tại vườn quốc gia trên đảo lớn Côn Sơn. Giấy phép này xin không mất phí nhưng sẽ có số lượng hạn chế. Vào ban ngày sẽ là 48 người và 24 người vào ban đêm.
Khi có giấy phép, bạn tiếp tục thuê tàu với giá 1.500.000 đồng, cả đi và về sẽ mất tầm 45 phút. Khi tàu cập bến hòn Bảy Cạnh, bạn hãy đi men theo con đường mòn ven rừng ngập mặn khoảng 700m để đến Trạm Kiểm lâm khu vực.
Khi xem vích đẻ trứng, hãy giữ yên tĩnh và tránh chiếu ánh sáng vào mắt hay tổ rùa mà không có sự cho phép của kiểm lâm. Hành động này sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sinh sản của rùa mẹ.
Hoạt động xem vích chỉ xảy ra vào ban đêm và thường diễn ra từ 12 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Bạn cần nắm rõ giờ giấc để không bỏ lỡ.