Banh Trung Thu Windsor

Hạnh phúc từ sự cho đi

Khi chúng ta làm cho người khác an vui và hạnh phúc thì bản thân mình cũng được hạnh phúc.

Sống là tìm cầu hạnh phúc, là ước vọng bình yên. Do vậy, trong cuộc sống ai cũng muốn có được niềm vui và hạnh phúc cho bản thân.
Càng đem đến niềm an vui, hạnh phúc cho nhiều người thì bản thân ta càng được hạnh phúc

Có người tìm kiếm niềm vui từ những thú vui vật chất, từ những tiện nghi hiện đại trong cuộc sống. Có người tìm kiếm niềm vui từ những thú chơi tao nhã như chăm cây cảnh, trồng hoa lan, nuôi chim cá… Cũng có người tìm kiếm niềm vui từ việc đọc sách, đánh đàn… Với những người đệ tử Phật, họ có thể tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc từ việc chuyên tâm niệm Phật, tọa thiền hoặc tụng kinh, lễ Phật… Mỗi người một vẻ, tùy theo sở thích, cá tính và điều kiện hoàn cảnh mà họ có cách tìm kiếm niềm vui riêng. Chính vì phương thức tìm kiếm niềm vui khác nhau nên tính chất của niềm vui ấy cũng không giống nhau, có những niềm vui tạm bợ, có những niềm vui lâu dài, có niềm vui nặng nề và cũng có những niềm vui siêu thoát.

Trong nhiều cách thức để tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống, có một cách thức mà mọi người đều có thể làm được, đó là sự cho đi, sự ban tặng hay có thể gọi là bố thí, cúng dường. Tuy có thể gọi dưới nhiều danh từ khác nhau tùy theo đối tượng, hoàn cảnh, cách thức, nhưng việc làm này đều có chung một ý nghĩa là đem những thứ thuộc sở hữu của mình, những thứ mà cá nhân mình có đến cho người khác. Khi chúng ta cho đi như thế là chúng ta đã thắng được lòng ích kỷ của mình, chúng ta nghĩ đến người khác, muốn giúp đỡ người khác, muốn đem niềm vui và hạnh phúc đến cho người khác. Khi chúng ta cho đi, chúng ta không nghĩ rằng mình cho đi như thế để tìm niềm vui và hạnh phúc nhưng niềm vui và hạnh phúc vẫn đến với mình, không tìm cầu cũng tự nhiên đến.

Đừng nghĩ rằng chúng ta phải giàu có, phải dồi dào về vật chất thì mới có thể cho đi và khi đó mới có được niềm vui và hạnh phúc từ sự cho đi ấy. Dù chúng ta nghèo khó, thiếu thốn đến đâu, miễn còn là một con người sống trong cuộc đời này thì chúng ta vẫn có nhiều “tài sản” để cho đi, vẫn đang sở hữu nhiều thứ để có thể cho đi và những thứ đó vẫn đem lại lợi ích, an vui và hạnh phúc cho người khác nếu chúng ta biết cách cho và biết cho đúng người, đúng lúc.

Thứ mà chúng ta cho đi ở đây không nhất thiết phải là vật chất, tiền bạc mà có thể đấy là những “tài sản” tinh thần, tài sản phi vật chất của cá nhân chúng ta. Anh là người học giỏi, anh có thể dùng tri thức, kinh nghiệm của mình để dạy lại cho người khác, như thế là anh đã cho đi rồi đó. Chị là người nấu ăn, thêu may giỏi, chị có thể chỉ bày cho người khác nấu ăn, may thêu, làm việc đó là chị đang cho đi đấy.

Hoặc giả như các bậc làm cha làm mẹ, vì bận công việc nên hiếm khi dành thời gian để vui đùa với con, quan tâm hỏi han đến việc học của con, đến đời sống tinh thần của con, một hôm cha mẹ quyết định gác lại những công việc cá nhân, dành thời gian cả buổi tối để vui đùa với con, để quan tâm đến việc học của con, hỏi han đến đời sống nội tâm của con, như thế là cha mẹ đang thực tập cho đi rồi.

Hoặc đơn giản như khi ngồi trong phòng, bạn thấy bên ngoài có một em bé đang khóc đợi mẹ về, vì mẹ của em bé đi làm suốt ngày, bé ở nhà một mình suốt ngày nên buồn, lo sợ và nhớ mẹ. Lúc đó bạn cho em bé ấy vào phòng mình chơi, hỏi thăm và vui đùa với em để em yên tâm, quên đi nỗi buồn, nỗi sợ. Như thế là bạn đã cho đi đó, bạn đã cho đi sự riêng tư, thời gian của cá nhân mình để trò chuyện, đem đến sự an tâm và niềm vui cho bé.

Với vị thế là một người con trong gia đình, bạn có thể thực tập cho đi bằng cách dành thời gian vui chơi, tụ tập với bạn bè, dành thời gian chơi game trên điện thoại, tám chuyện với bạn bè trên internet để quan tâm, chăm sóc cha mẹ, làm thay cho cha mẹ những công việc gia đình. Với tư cách là một người bạn, khi bạn mình có chuyện buồn, chúng ta sắp xếp công việc để dành thời gian trò chuyện, tâm sự với bạn mình, lắng nghe bạn mình chia sẻ và đưa ra những lời khuyên hợp lý giúp bạn vơi bớt nỗi buồn, vượt qua sự chán nản, thất vọng, như thế là chúng ta cũng đã cho đi rồi.

Khi bạn đi đường, thấy có nhành gai nằm giữa đường, bạn cúi xuống nhặt lấy và bỏ vào nơi phù hợp, thấy bà cụ đang run rẩy đi qua dường, bạn dừng xe lại và đến dắt bà cụ qua đường, thấy cô lao công đang ì ạch đẩy chiếc xe rác lên dốc, bạn đến phụ với cô ấy để đẩy xe rác lên… như thế là bạn đang cho đi đấy.

Có vô vàn cách thức để thực tập việc cho đi, chúng ta có thể cho đi từ những việc rất đơn giản trong cuộc sống, nếu chúng ta biết tận dụng cơ hội thì chúng ta có thể đem đến niềm vui và hạnh phúc cho rất nhiều người xung quanh ta, những người ta tiếp xúc và gặp gỡ. Và khi chúng ta đem đến niềm vui, hạnh phúc cho người khác, nhìn người khác hạnh phúc thì chúng ta cũng hạnh phúc theo. Đấy là chưa kể đến việc mình đối xử tốt với người khác thì người ta cũng đối xử tốt với mình, mình làm việc phước thiện thì sẽ gặt hái được quả thiện lành.

Ngay cả khi chúng ta cho dùng vật chất, tiền bạc để cho người khác thì cũng không nhất thiết phải có tiền trăm, tiền triệu mới cho được. Đôi khi chỉ cần vài nghìn đồng cũng đủ để chúng ta cho người khác, đủ để chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi đem đến hạnh phúc, an vui cho người khác. Chẳng hạn như khi gặp một người đi đường mà xe máy bị hết xăng và trong túi họ không có một đồng nào vì quên mang theo ví tiền, chúng ta cho họ một ít tiền để đổ xăng cũng đủ để giúp họ bớt vất vả vì phải dắt xe đi bộ. Hoặc khi gặp một ông lão ăn xin đang khát nước mà trong túi ông không có một xu dính túi, ông xin nước cũng không ai cho, chúng ta bỏ ra vài nghìn để mua cho ông lão một chai nước suối cũng đủ để ông lão cảm thấy hạnh phúc, ấm áp. Nếu chúng ta có khả năng thì có thể cho người khác được nhiều hơn, làm được nhiều việc phước thiện lớn lao hơn. Tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình mà chúng ta cho đi, chúng ta đem lại niềm vui, lợi ích cho người khác bằng tất cả tấm lòng chân thành và thương yêu của mình.

Như vậy, dù chúng ta là ai đi nữa, chúng ta giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ cũng đều có những thứ “đáng giá” để có thể cho đi, đều có những “tài sản” đủ để đem lại niềm an vui, hạnh phúc cho người khác trong những tình huống, hoàn cảnh nhất định. Sự cho đi ở đây không đặt nặng về giá trị vật chất mà quan trọng là về phương diện tinh thần, quan trọng là ở tấm lòng của chúng ta. Dân gian thường nói “Của cho không bằng cách cho” là vậy! Chỉ cần chúng ta có tấm lòng biết quan tâm, thương yêu và giúp đỡ người khác, muốn đem đến niềm an vui, hạnh phúc cho người khác, sống vì người khác thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tình huống nào chúng ta cũng có thể thực tập cho đi.

Khi chúng ta làm cho người khác an vui và hạnh phúc thì bản thân mình cũng được hạnh phúc. Điều đặc biệt, hạnh phúc từ sự cho đi ấy là một niềm hạnh phúc nhẹ nhàng, thanh cao. Càng đem đến niềm an vui, hạnh phúc cho nhiều người thì bản thân ta càng được hạnh phúc. Khi cho đi như thế, chúng ta mất đi không bao nhiêu mà nhận lại thì rất là nhiều. Khi biết cho đi, chúng ta sẽ có được sự bình an, hạnh phúc trong lòng, tâm từ bi trong ta sẽ ngày được lớn mạnh thêm, chúng ta sẽ được phước báo thiện lành, và đặc biệt là chúng ta sẽ được nhiều người quý mến, yêu thương. Nếu ai cũng biết cho đi thì sẽ tạo ra một xã hội thanh bình, hòa hợp và mọi người biết thương yêu, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Hãy biết cho đi để cuộc sống của chúng ta thêm ý nghĩa. Hãy biết cho đi để mọi người thân thiện với nhau hơ