Gian lận thương mại các mặt hàng y tế ngày càng tinh vi

Nhuận Phẩm
Tổng cục QLTT đang tích cực phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra tình trạng kit test nhanh Covid-19 rao bán trên mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Chiều 17/6, tại cuộc họp báo Thường kỳ tháng 5/2021 và 5 tháng đầu năm 2021 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), đã nói về việc hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong mùa dịch.

Theo đó, ông cho biết trong năm 2021, tình trạng gian lận thương mại liên quan đến các mặt hàng y tế như: Khẩu trang, nước rửa tay ngày càng gia tăng. "Đặc biệt, ở đợt bùng phát dịch lần thứ tư vào cuối tháng 5 mới đây, tình trạng gian lận thương mại ngày càng tinh vi và đa dạng hơn", ông đánh giá.

Ông Linh cho biết mới đây, qua kiểm tra, kiểm soát cơ quan chức năng phát hiện được các mặt hàng đang rất nóng trên thị trường như: Kit test nhanh Covid-19. Mặt hàng này chủ yếu xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản qua xách tay thâm nhập về thị trường nội địa.

Mặt hàng kit test nhanh Covid-19 đang được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Ảnh: DMS.

Mặt hàng kit test nhanh Covid-19 đang được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Ảnh: DMS.

"Đối với kit test nhanh Covid-19, tuy số lượng bán ra thị trường còn ít nhưng nếu người dân sử dụng những sản phẩm kém chất lượng sẽ rất nguy hiểm. Do đó, những sản phẩm này phải được Bộ Y tế kiểm nghiệm nguồn gốc, cấp phép mới có hiệu lực", ông nói.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, hiện nay sản phẩm kit test Covid-19 chỉ có một công ty ở Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép sản xuất. Do đó, người tiêu dùng trước khi mua phải kiểm tra kỹ nguồn gốc và tìm hiểu sản phẩm có được Bộ Y tế cấp phép hay không.

Bên cạnh đó, ông Linh cho biết gần đây trên thị trường xuất hiện loại khẩu trang có khả năng chống virus Corona tới 99%, người tiêu dùng cũng cần lưu ý khi mua các loại khẩu trang này.

"Hiện nay, gian lận thương mại điện tử chủ yếu vi phạm trên môi trường thương mại điện tử và các trang mạng xã hội. Phía Tổng cục QLTT vẫn đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để có phương án điều tra xác minh xử lý các mặt hàng này", ông nói.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 13 (Cục QLTT thành phố Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an Quận Cầu Giấy) đã phát hiện 400 hộp dụng cụ xét nghiệm nhãn hiệu Q Standard COVID-19 Ag Home Test do nước ngoài sản xuất không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, chủ xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng.

Trước đó, ngày 3/6, Đội QLTT số 1 cũng phát hiện 29 hộp test nhanh Covid-19 nhãn "Testsealabs Covid-19 Antigen Test Cassetle". Mặt sau vỏ hộp ghi "HANGZHOU TESTSEA BIOTECHNOLOGY CO.LTD CHINA". Tại thời điểm này, chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp và khai nhận đã mua trôi nổi trên Internet.