“Khi không có gì – mình cười hì hì”, tác giả trẻ Đặng Thiên Phong đã tự chọn cho mình những phút an nhiên sau những bộn bề, mệt mỏi đời thường bằng nụ cười nhẹ tênh “hì hì”. Tên cuốn sách cũng chính là thông điệp mà tác giả muốn nhắn gửi về một cuộc sống an nhiên mà ai cũng hằng mong.
Cuốn sách tuy không dài về con chữ, chỉ vỏn vẹn 100 trang viết nội dung nhưng lại được chắt lọc hết thẩy những cung bậc cảm xúc đời thường mà chắc hẳn ai rồi cũng sẽ trải qua; để khi nhìn lại mình, có hờn ghen, có thua thiệt, và cũng có niềm vui, có sung sướng hòa cùng trong nụ cười vỡ òa của hoặc đớn đau hoặc hạnh phúc hoặc cả hai cũng nên!?
24 câu chuyện là 24 hình thái của nụ cười được tác giả Thiên Phong gói ghém trong những trang viết ngắn gọn, súc tích và đầy nghĩa. Mỗi câu chuyện là mỗi một tâm thức của trái tim “thay lời muốn nói”, là mỗi nấc thang nụ cười chân thực ai rồi cũng chắc chắn đi qua.
Tác giả mở đầu nụ cười “ hì hì” bằng cách “xưng “mình” gọi “bạn”. Đó như lời chạm ngõ của cuốn sách về cung cách từ tốn, trang nhã gọi “mình – bạn” trong dặm dài hành trình cuốn sách sẽ mang đến.
Theo tác giả, “mình” là cách gọi thân thương của vợ và cả chồng người miền Nam. Nên khi có ai xưng bạn là “mình” thì chứng tỏ họ rất trân quý với bạn. Từ mình như thể thân từ thuở chí cốt…
Những trang viết của cuốn sách nhỏ này còn mang đến những lời thủ thỉ, tâm tình đáng yêu. Đó có thể chỉ là 2 tiếng “cảm ơn” và “xin lỗi”: Cảm ơn khi ai làm điều gì đó cho bạn; Và xin lỗi khi mình nhỡ mắc sai. Giản đơn vậy mà đôi lúc ta lại quên bẵng đi cái tên một ai: “Xin lỗi, tên bạn là gì?.”.
Hay đó là những phút giây thả phiêu cùng niềm vui, hạnh phúc, lạc quan mà mình xứng đáng có được đủ đầy. Chỉ một hơi thở thật dài, thật sâu để cảm nhận bao thi vị cuộc đời này mang lại, về những “ám ảnh” khó phai về khoảnh khắc ấu thơ của mẹ dậy sớm.
Còn đó bao thói quen thanh xuân một thời đã xa, hoặc còn mấp mé đâu đấy trong những hoài niệm tưởng chừng mới đây, dai dẵng đến nay không dứt. Quên sao được chuyện “Đánh răng bằng tay trái”, “Nhe răng mỗi sáng”, “Tập thể dục”, “Chụp ảnh bằng mắt”, “Làm việc nhà”, hay “Đọc sách mỗi ngày”,…
Những có lẽ, với chính tác giả, điều đọng lại trong mình là tháng năm lớn lên từ tình thương của mẹ, đổi thay từng ngày: từ ngoại hình cho đến phong cách hiển hiện sự trưởng thành,… Cậu bé nhút nhát, quê mùa còn đâu? Hay là chàng trai cá tính, phong nhã?
Đọc cuốn sách, tác giả đem đến những câu chuyện về sự phá cách, bước qua miệng đời và tự khẳng định mình. Nhỏ như chuyện ăn mặc cũng vậy: “Mặc đẹp và mặc kệ người ta nói”. Bởi “mặc đẹp” bất chấp sẽ giúp mỗi chúng ta vượt qua sự tự ti của bản thân về ngoại hình. Kinh nghiệm từ chính tác giả đã chỉ ra rằng, khi làm chủ bản thân về gu ăn mặc thì mỗi người sẽ tự tin hơn về mình: “Hiện tại, mỗi người mình ra đường với những trang phục hạnh phúc nhất, nhiều cảm giác nhất mà mình giữ lại…”
Cuốn sách còn đọng lại là những rung động tự nhiên thâm sâu mà mỗi chúng ta đã có sẵn. Được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong tình yêu thương, chở che của đất mẹ, của quê hương, của gia đình và trên hết là của cha của mẹ...
Là sự tinh tế khi “Quan sát một đứa trẻ”: “Cuốc sống vẫn tiếp diễn một chuỗi dài sinh – tử theo đúng cái quy luật tự nhiên đã được quy định dù muốn hay không.”; rồi nhớ về tháng năm đẹp đẽ ấy, mình của hôm qua cũng sẽ theo suốt cuộc đời để “Nếu tìm hoài chưa thấy một đứa trẻ nào để quan sát cứ nhắn cho mình, mình sẽ đến cho các bạn ngắm mình vì mình cũng là một đứa trẻ mà. Chỉ là hơi to xác chút thôi. Hì hì”
Là cảm xúc bồi hồi khi “Về với đất mẹ”: “Trở về với đất mẹ, trở về với những điều nguyên sơ bên trong mỗi chúng ta, trở về với những giản đơn trong chính những suy nghĩ lời nói, việc làm… Nên muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” – đó không phải là điều hằng mong và tâm niệm của mỗi người hay sao!?
… Để điều mà mỗi người chúng ta nhận được là một con người thực bằng da bằng thịt, một cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, một ý niệm tử tế mà đời ban tặng. Nên phải biết thích nghi với nó, ngoan – hiền chưa hẳn đã hay, phải biết “Điên điên một chút”, “Tương tác với xã hội thay vì mạng xã hội”, chỉ bởi đời “Không có gì” là không thể?
Và rồi, điều không những tác giả Đặng Thiên Phong mà mỗi chúng ta sẽ ngộ ra khi đọc "Khi không có gì – mình cười hì hì” đó là: “Hạnh phúc là tạm thời”.