Hôm ấy là chiều mùng Hai Tết có điện thoại của Ba từ quê nhà. Cuộc gọi đến lòng tôi lại bao trăn trở và đau đáu trong niềm níu tiếc khôn nguôi. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi đón Tết xa nhà, mới hiểu hết giá trị của tình thân cao quý giá biết chừng nào.
Tôi nhớ, những ngày mới vào Sài Gòn lập nghiệp. Dăm ngày tôi lại nhận được cuộc gọi của Ba. Mỗi khi có điện thoại quê nhà là lòng con lại thêm lần đau. Lần đầu xa nhà, tôi lại cảm thấy trống vắng, quạnh quẽ trong dòng người tươi tắn xúng xính qua phố. Tôi vẫn cười nhưng dường như gượng hơn giữa không khí Xuân.
Trong điện thoại, giọng Ba vẫn thế, đúng chất người quê, chỉ có điều nay nhẹ và chậm hơn mọi hôm. Trong lời nói, tuy Ba không nói nhưng con thoảng nhận ra từng cái “khịt, khịt” rất nhanh và vội. Ba đã khóc. Những giọt nước mắt nhớ con.
“Con ăn Tết trong đó ren (sao) rồi? Có chi (gì) vui không?... Bà à, cũng vậy thôi, chỉ thiếu con…”. Nhiều lắm, nhưng con không muốn nghe tiếp. Ba đang buồn.
Lời Ba, con lại ngẫm về tấm thân còm cõi này của mình ngần ấy năm vẫn loay hoay chạy trốn thực tại nghiệt ngã trêu ngươi. Những gì con đã và đang có quá nhỏ bé, nhạt nhẽo, hư vô Ba à.
Tôi biết, nay mình đã 35. Không còn sớm cho một đời người. Và cũng quá muộn cho một thời trai trẻ. Nhưng tôi có là gì trong mắt những ai. "Gia sản" tôi có được có lẽ là gì ngoài màu thời gian vất vưởng, vô định và trên hết là gia đình, là Ba.
Từ khi Má mất, tôi đã sớm ngộ ra thời gian không chờ đợi một ai. Tuổi Ba cũng thế. Ba không cần gì nhiều ngoài những bữa cơm đoàn viên, căn nhà ấm cùng, hay giản đơn là từng lời nói, nụ cười, ánh mắt mỗi ngày của con. Nhưng với con, ngay thời điểm này, hơn ai hết, con cần lắm thời gian
Đó chỉ những điểu ước nhỏ nhoi nhưng với con là cả một kỳ vọng, ước mơ. Trong mắt tôi ngày ấy và tận bây giờ, Ba vẫn là người đàn ông "khổng lồ" mà có lẽ suốt đời này tôi không thể và sẽ không nghĩ bao giờ mình đứng trên vai người "khổng lồ" ấy. Ba đã tuyệt vời và vĩ đại trong tôi từ lâu.
35 năm, tôi sống trong vòng tay của gia đình, của Ba. Dù túng thiếu hay kham khổ nhưng Tết nào tôi cũng có cái Tết ấm tươm tất. Những lúc ấy tôi cũng chả hiểu gì là Tết gia đình. Đến khi vắng ngày Tết, tôi mới thấm lắm tình thân.
Trong ký ức cậu con trai khờ khạo của Ba, tôi nhớ sao xuể cảnh chộn rộn ngày giáp Tết. Tôi quên sao đành không khí xúm chùm áng Mùng Một quanh bàn thờ tổ tiên. Rồi, chất 3 chở 4 trên những chiếc xe gắn máy lên nghĩa địa thắp hương “thăm” Má. Và những cảm giác được tận tay trao yêu thương đến lũ cháu sáng Mùng 1. Nhiều lắm, tôi không bao giờ có quyền quên được.
Hôm nay, chiều Tết phương xa, ngồi nhìn phố rộn tiếng nói cười, con cứ ngỡ như mới đây. Ký ức thuở xưa đang ùa về từng hồi mênh man và vô định.
Ăn Tết xa quê, cũng lắm nỗi niềm. Đêm 29 Tết ủ dột. Sáng Mùng 1 trầm tư. Chiều Mùng 2 trằn trọc. Và đâu đấy trong từng mái nhà kia, tiếng gọi Ba thưa Má, cháu õng ẹo mà rân rấn nước. "Ba đang làm gì? Các anh có sang nhà đông hông? Bầy cháu nay ra sao?..."...
Nhưng với tôi ăn Tết phương xa, dẫu vui chưa tròn nhưng vẫn đong đầy yêu thương. Tết năm ấy, đêm giao thừa, tôi theo chân "đón Tết" trong bệnh viện cùng những y bác sĩ và người bệnh. Những câu chuyện ai đấy có gia đình, có tổ ấm, có Ba, có Má, có người thân, nhưng cũng "gác" lại hạnh phúc riêng trong tình chung sứ mệnh.
Và có vì vâỵ, qquê nhà Quảng Nam, Ba cũng yên lòng. Bởi Tôi đang đón Tết vẫn vui khỏe cùng những người thân chưa bao giờ biết Má. Tôi được dành những tình yêu quý như người thân trong nhà. Nhờ vậy mà nỗi nhớ cũng không chồng thêm.
Còn đó nỗi niềm chiều Mùng 2 Tết, Sài Gòn se lạnh đến lạ, lòng lại lâng lâng bao nỗi niềm, bóng Ba, hình Má, dáng ai...nơi quê vẫn dập dìu đến nao lòng!
Thời gian qua đi, kẻ còn, người mất. Nhưng những khoảnh khắc ăn Tết tha hương vẫn còn, đấy là những thứ vô giá, không thể lãng quên, như nhắc tôi về một khoảnh khắc gian khó đã qua. Để hôm nay, tôi nhiều lúc tự dặn lòng hỏi mình: Cuộc đời này ta tự hào, hối tiếc nhất điều gì? Ta đã lãng phí cho những điều vô nghĩa, chỉ biết mải mê chạy đua theo những cám dỗ, hờn ghen, thua thiệt cuộc đời. Mấy ai đã sống đúng nghĩa và trọn vẹn, tận hưởng từng giây phút mà nó trôi qua. Có nhiều người đã nhiều lần bỏ lỡ điều rất đáng nhung nhớ ấy. Đôi khi ngoảnh lại, tìm về khoảnh khắc ấy để chiêm nghiệm, soi rọi lại chính mình, để rồi cảm thấy tiếc nuối, bịn rịn và ray rứt…
Hôm nay Sài Gòn có mưa khiến người ta thêm thổn thức, bởi có cảm xúc nào bằng việc thấy kỷ niệm và câu chuyện của mình trong đó nên chăng?