Một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 là rửa tay bằng xà phòng nhưng nếu xà phòng và nước không có sẵn, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo nên sử dụng nước rửa tay có cồn chứa ít nhất 60% ethanol (còn được gọi là cồn etylic). Chính vì vậy, trong thời đại dịch, các sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn dạng gel hay xịt, cùng với khẩu trang, đã trở thành vật bất ly thân của rất nhều người.
Tuy nhiên FDA đã từng nhiều lần đưa ra cảnh báo với người tiêu dùng về tác hại của các sản phẩm nước sát khuẩn tay không đảm bảo chất lượng, trong đó có chứa cồn methanol. Trước đó, trong tháng 6/2020, đã có 16 trường hợp được báo cáo ở bang Arizona, Mỹ phải nhập viện do ngộ độc methanol sau khi uống phải nước sát khuẩn tay. Tính đến nay, cơ quan này đã ra quyết định thu hồi hơn 150 sản phẩm sát khuẩn tay không đảm bảo tiêu chuẩn.
Và mới đây, các sản phẩm bị thu hồi gồm năm lô xà phòng thơm, nến thơm của công ty Scentsational Soaps & Candles, Inc. và ba lô nước xịt rửa tay kháng khuẩn của Ulta Beauty Collection. Những sản phẩm này sau khi tiến hành thử nghiệm cho thấy có sự hiện diện của methanol (cồn gỗ), benzen và acetaldehyde. Các sản phẩm này được phân phối thông qua các cửa hàng bán lẻ của Ulta Beauty, TJ Maxx và Marshalls. Việc thu hồi đang được tiến hành dưới sự giám sát của FDA.
Mối nguy hại khi sử dụng sản phẩm chứa methanol
Theo FDA, có nhiều loại cồn, nhưng chỉ cồn etylic và cồn isopropyl (còn được gọi là 2-propanol) là những loại cồn được chấp nhận trong nước rửa tay diệt khuẩn. Các loại cồn khác, bao gồm methanol và 1-propanol, không được chấp thuận vì chúng có thể gây độc hại cho người.
Cồn ethanol là một trong những thành phần chính của dung dịch rửa tay khô, giúp việc sát khuẩn nhanh và tiện lợi. Nhưng việc dùng cồn methanol hay cồn metylic, còn được gọi là cồn gỗ vào thành phần dung dịch thay cho ethanol sẽ gây tác dụng ngược, thậm chí nguy hiểm cho người dùng. Sau khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde. Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic - acid kiến, thành phần chính của nọc kiến. Quá trình oxy hóa xảy ra nhanh chóng khiến acid formic tích tụ trong huyết thanh và gây độc. Tuy nồng độ methanol trong các sản phẩm dung dịch rửa tay không quá lớn, tuy nhiên nếu sử dụng về lâu dài cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trên thị trường, cồn methanol trong nước rửa tay rất khó để nhận biết. Vì vậy, người tiêu dùng cần tìm nguồn mua bảo đảm, kiểm tra xem sản phẩm có giấy chứng nhận đầy đủ trước khi đưa vào lưu hành.