Ở bất kỳ thời đại nào, con người cũng chú trọng vào “thành tích”. Họ cho đó là thước đo giá trị của mọi người như việc chinh phục đỉnh Everest hay kiếm hàng triệu đô la khi còn trẻ, đi vòng quanh thế giới ở tuổi 30 và an nhàn với sự nghiệp tình yêu ở tuổi ngoài 40. Với họ đó mới là cuộc đời đáng sống, phải sống khác đi, mạnh hơn nhanh hơn, vì nếu lơ là xã hội sẽ đào thải những người sống một cuộc đời tầm thường.
Bộ phim đã len lỏi vào câu hỏi: Thế giới còn chỗ nào dành cho những người chỉ muốn làm tốt nhất những công việc của mình và sống một cuộc đời ý nghĩa của riêng họ?. Cách nhân vật Hirayama đối đãi với mọi thứ xung quanh, từ công việc đến các mối quan hệ xã hội là thông điệp đạo diễn muốn truyền tải đến khán giả về câu chuyện “Hãy sống tốt nhất cuộc đời của mình”.
Sống và làm việc tận tụy
Hirayama (Koji Yakusho) là một cư dân lớn tuổi ngoài 60, làm công việc lau dọn những nhà vệ sinh công cộng ở quận Shibuya thời thượng ở Tokyo. Ông sống một mình trong một căn hộ nhỏ giản dị tại một khu phố lao động. Mỗi ngày của ông đều diễn ra với những thói quen lặp lại đầy mãn nguyện.
Ông thức dậy khi còn tờ mờ sớm, bước lên tầng trên làm vệ sinh cá nhân, ra khu vườn nhỏ chăm sóc cây cối, chụp ảnh chúng mỗi ngày và lưu lại trong những chiếc hộp có ghi ngày tháng bên ngoài. Rồi ông mặc bộ đồ lao động của công nhân vệ sinh, lái xe đi làm.
Trên đường đi, ông mở những cuốn băng cassette cũ kỹ, thưởng thức những bản nhạc ông yêu thích từ thập niên 1970, 1980 của những nghệ sĩ hay ban nhạc tên tuổi như Lou Reed, The Velvet Underground, The Animals hay Van Morrison…
Khi đến các nhà vệ sinh công cộng, ông làm việc với thái độ tận tâm và kỹ lưỡng. Bữa trưa, ông ra công viên ngồi ăn một mình, nhìn lên những vòm lá xanh đung đưa trước gió cùng những vệt nắng xuyên qua kẽ lá. Buổi chiều, ông trở về nhà, thay quần áo, đạp xe ra phố, ghé một tiệm sách để đổi sách mới hoặc đến một quán bar, một quán ăn, một bờ sông.
Buổi tối, ông trải chiếu nằm ra giữa sàn nhà, bật đèn đọc sách cho đến khi chìm vào giấc ngủ và những cơn mơ - được biểu đạt bằng những hình ảnh đen trắng mờ ảo đậm chất nghệ thuật, tạo vẻ bình yên và tự tại. Rồi ông lại thức dậy và bắt đầu một ngày mới được lặp lại với một nhịp điệu đều đặn như thế. Sự thay đổi của ông mỗi ngày chỉ có thể đến từ cuốn băng hát nhạc khác hay cuốn sách với tựa đề khác.
Bộ phim mang đến cho người xem một cuộc sống ngăn nắp, có tính nghi thức và hơi khổ hạnh nhưng giàu văn hóa, tri thức của một người đàn ông lớn tuổi hoàn toàn hài lòng với cuộc sống giản dị và cô độc của mình. Từ cách ông kỹ lưỡng trong lời ăn tiếng nói đến cách nhìn cuộc sống, cách đối đãi với mọi người khiến người xem có phần thán phục.
Câu chuyện khiến khán giả nhận ra rằng, trong xã hội ngày nay có nhiều người dùng đôi mắt để nhìn nhưng không quan sát, đôi tai để nghe nhưng không lắng đọng, đôi môi để nói chứ không phải lời hay ý đẹp hay đôi tay chạm nhưng không thể cảm và đầu lưỡi để nếm chứ không tận hưởng hết những thứ họ ăn.
Nhưng đấy lại không phải là cuộc sống của một vị tu sĩ lánh đời
Ông vẫn nếm trải mọi cung bậc cảm xúc mà đời thường mang tới. Những cuộc gặp gỡ, trò chuyện với các nhân vật như cô cháu gái và người em gái có vẻ ghẻ lạnh của mình, cho thấy ông từng có một quá khứ bất ổn và một mối quan hệ không hạnh phúc trong gia đình.
Qua cử chỉ khán giả có thể suy đoán ông từng chạy trốn cuộc sống ấy, cho dù bóng ma của quá khứ thi thoảng vẫn đuổi theo ông, ngay cả trong giấc mơ…
Trong một cuộc đối thoại với cô cháu gái tuổi vị thành niên, ông nói rằng thế giới này được tạo ra bởi nhiều thế giới khác nhau. Một số trong đó có sự kết nối, nhưng một số hoàn toàn riêng biệt. Những giọt nước mắt hay sự thổn thức của ông khi người em gái và cháu gái rời đi cho ta thấy người đàn ông luống tuổi ấy chất chứa nhiều nỗi niềm và sự ưu tư trước cuộc sống này.
Một góc nhìn mới trong xã hội có phần giống nhau
Ở xã hội khi hầu hết con người được kết nối công nghệ, đòi hỏi sự cập nhật nhanh chóng và sống với các thiết bị tiện nghi, đối lập sự bình yên mà Hirayama hướng tới mỗi ngày. Có lẽ, bộ phim không chỉ ủng hộ cách nhìn khác về cuộc đời mà còn hướng đến lối sống là chính mình thay vì đấm chiềm vào nguồn quay xã hội: địa vị, tiền tài và danh vọng.
Tác phẩm có lối kể nhẹ nhàng, ít thoại, mô tả quá trình tìm ý nghĩa cuộc sống của người lao động. Nhân vật luôn cảm thấy bình yên, tự tại dù đối mặt nhiều tình huống. Còn người cộng sự - chàng trai Takashi (Tokio Emoto) - luôn đặt câu hỏi tại sao Hirayama phải đi dọn từng ngóc ngách, ông thường im lặng và tập trung công việc.
Với Hirayama, mỗi sự vật, con người hiện diện trên đời đều mang ý nghĩa nào đó. Ở một phân cảnh, khi những người khác phớt lờ ông lão vô gia cư trong công viên, nhân vật chính chăm chú quan sát điệu nhảy của người này. Hay việc ông không để tâm cách người mẹ lấy khăn ướt lau bàn tay cho đứa trẻ, khi thấy ông là nhân viên dọn vệ sinh nắm tay con mình trong nhà vệ sinh để tìm mẹ, Hirayama vẫn vui vẻ lạc quan đón nhận những điều như thế.
Ở trường đoạn Takashi bị hư xe và muốn mượn chiếc ôtô của Hirayama để hẹn hò Aya (Aoi Yamada đóng), ông lưỡng lự, sau đó quyết định chở cả hai đi chơi. Trên chuyến xe ấy, đạo diễn cho thấy quan điểm về tình yêu và lối sống của ba người qua âm nhạc và đối thoại.
Hay Aya khám phá con người Hirayama qua những chiếc băng cassette và nảy sinh tình cảm với ông. Hirayama hạnh phúc khi thấy có người cùng sở thích, nhưng giữ khoảng cách với cô gái vì tôn trọng đồng nghiệp. Còn với Takashi, tình yêu là điều quan trọng nhất và là thứ duy nhất khiến cậu thoát khỏi nỗi cô đơn.
Với Perfect Days, đạo diễn Wim Wenders gợi lên cho người xem những suy ngẫm sâu sắc về việc tìm kiếm những vẻ đẹp bình dị trong thế giới hằng ngày để sống một cuộc đời tự tại nhất có thể.