Sài Gòn – Những con đường không lối thoát
Tôi là đứa chẳng thể nào thức dậy được vào giấc 4,5 giờ sáng nên chưa bao giờ biết cuộc sống lúc ấy thế nào. Cái tôi biết về Sài Gòn suốt 20 năm trời là những con đường kẹt xe mang tên Cách mạng tháng 8, Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu,… và còn nhiều lắm mà không thể kể hết được. Nhưng đặc trưng Sài Gòn không chỉ thế là đủ. Nếu xuất phát khỏi nhà lúc 6 giờ sáng, bạn có thể vừa nghe nhạc vừa "chill" khắp thành phố rồi đến chỗ làm cũng chả sao, nhưng đồng hồ mà đã điểm 6 giờ 10 rồi mà bạn vẫn thế thì xác định tiền lương cuối tháng giảm kha khá đấy. Sài Gòn là thế 10 phút trước có thể đường vắng tanh, đôi chân ung dung bước, 10 phút sau cuộc đời lại lạc trôi vào tụ điểm kẹt xe nào đấy rồi.
Bữa sáng khoái khẩu của người Sài Gòn
Nhịp sống Sài Gòn vốn dĩ tấp nập, hối hả nhưng lắm lúc lại rất thong dong. Thói quen của người ở đây là bắt đầu ngày mới bằng tách cà phê phin bên đường.Dù có là ông này bà kia hay chỉ là anh công nhân quét rác bên đường đều thích ngồi cà phê bệt. Người ta có thể nhịn ăn sáng nhưng không thể nhịn cà phê, thậm chí thay luôn cho cả bữa sáng. Kiểu uống cà phê của người Sài Gòn là độc nhất, vội cỡ nào thì vội mà phải ngồi nhâm nhi từng ngụm, nói vài ba câu chuyện với đồng nghiệp rồi mới bắt đầu làm việc. Lâu lâu có mấy đứa nhỏ bán báo rong ruổi từ quán nước này sang quán nước khác rao đủ loại tin nóng hổi. Người mua thì không ngừng ồ lên mấy câu đại loại như: "Anh A này ghê ha" , "Chị B này giỏi quá", "xã hội bây giờ loạn quá". Những hình ảnh nhỏ từ quán cà phê cóc đến mấy tờ báo giấy tạo nên Sài Gòn trong mắt người hâm mộ như tôi.
"Vô tư" - thương hiệu người Sài Gòn
Người nơi khác vào Sài Gòn là phải đi uống vài chai. Mặc dù chỉ cần một ly Sài Gòn là đỏ mặt nhưng vui là chính. Chẳng cần thân thiết gì, bạn cũng có thể vô tư mời bia bàn đối diện, thậm chí chỉ cần một cuộc điện thoại là đầy đủ anh em nhậu tới sáng. Tất nhiên là chủ xị sẽ vui vẻ đón tiếp và cũng vui vẻ trả tiền.
Và lâu lâu trên con đường đi làm về, mọi người sẽ dễ bắt gặp cô nhặt ve chai trang điểm bên đương, chú bán vé số hát mấy câu vu vơ nghe chói tai, chị bán nước mía phụ anh bán cơm tấm chạy bàn,… và còn nhiều thứ khác mà có kể đến hết ngày cũng không hết. Họ, chính là những con người tạo nên Sài Gòn.