Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

Khét với "Mình mắc cạn vào nhau"

Con người trong thơ Khét là hiện thân của nỗi buồn và cô đơn. Đôi lúc bất lực, mệt mỏi, khủng hoảng niềm tin về những ám ảnh về thân phận.

Mình mắc cạn vào nhau là tập thơ thứ 2 của Khét  (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020), tập sách có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn so với tập thơ đầu tay Rồi mình cũng xa lạ nhau. Mình mắc cạn vào nhau cũng đã cho thấy một sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, có ý thức và trách nhiệm với con chữ - đứa con tinh thần mà bản thân anh phải nhọc nhằn “vắt kiệt sức mình” để sản sinh ra nó.

Mình mắc cạn vào nhau gồm 69 bài thơ, chủ yếu được viết theo thể thơ tự do. Mạch cảm xúc xuyên suốt đó là lời tự sự của nhân vật trữ tình về những chặng đường mà anh đã đi qua, đã nếm trải, đã nghe, đã thấy và cả những dự cảm về những điều sắp xảy ra... Tất cả đi vào thơ Khét như một sự trải lòng, đó là những lời gan ruột nhất về cuộc sống, về con người và tình yêu. con 30/ nhểu hột.../ con lại về khóc bên mẹ và giấu cha/ những gian khó cuộc đời/ con tự phụ và tỏ ra giàu có/ kể cả buổi chiều vừa ăn với rau/ 40 tuổi/ con trốn mắt cha làm gì/ những đêm say đến chếnh choáng phố phường/ con đấm ngực tự trách mình bất lực/ giật mình/ lần đầu con biết nhớ... (chiếc lá gieo mầm trên tường bệnh viện).

bia-tap-tho-minh-mac-can-vao-nhau-1620562193.jpg
Bìa tập thơ "Mình mắc cạn vào nhau" của Khét, NXB Hội Nhà văn, 2020


Âm hưởng chính của tập thơ là những giai điệu, thanh âm buồn. Nỗi buồn và cả sự đắng nghẹn của một người trẻ khi tự thức số phận, cuộc đời mình. Quãng đời ấy với bao gập ghềnh, chông gai, vất vả. Đổi lại, người làm thơ có được sự “gan lì”, chịu đựng, chống chọi trước bao biến động và cả những tai ương đang sẵn sàng lăm le dội về mình. 


Khét, quê ở Cà Mau, vùng đất nhiều phù sa, lắm cá tôm, bờ bãi... Mảnh đất ấy đã nuôi dưỡng, chở che anh trưởng thành. Học sư phạm ra trường, Khét trở về quê hương dạy học. Và rồi, số phận không an bài nhưng người ta nghĩ, đời người lại có nhiều ngã rẽ. Khét dạy học chỉ được vài năm, sau đó anh phải rời bục giảng lang bạt lên Sài Gòn, Bình Dương làm đủ nghề để kiếm sống. Có lẽ đây chính là những tháng ngày để cho người trẻ đầy “ngạo nghễ” như Khét nhận ra chân giá trị của cuộc sống này. Xa quê, nỗi nhớ quê, nhớ người thân lại càng da diết. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong sáng tác của mình, anh thường hay nhắc về quê hương, về mẹ, về cha, về em... bằng một tình cảm thân thương, trân quý. Nỗi niềm thương nhớ và hình như ẩn đằng sau đó là mong ước được “tạ lỗi” của một đứa ly hương như anh. Nhà thơ nói với mẹ bằng những lời nghẹn ngào, lạy mẹ: con đã lưu vong. ngày xưa chỗ ướt mẹ nằm/ bây giờ chỗ ướt cay bầm mắt con/ man di qua tháng cô hồn/ mồ côi/ con khấn/ bồn chồn quê xa/ mẹ ra đồng vắng/ bỏ nhà/ chiều nay/ không một chuyến phà qua sông/ mọp quỳ trời đất mênh mông/ lạy mẹ/ con đã lưu vong quê mình.

Con người trong thơ Khét là hiện thân của nỗi buồn và cô đơn. Đôi lúc bất lực, mệt mỏi, khủng hoảng niềm tin về những ám ảnh về thân phận. ta ly hương trong lòng như quán vắng/ mẹ quê xưa/ người bạc tóc/ người ngủ ngoài đồng/ tôi với anh nhìn trầm ngâm/ rồi khóc/ giọt lệ này/ khóc cho mình/ hay khóc cho quê hương? (đồng ly hương).

Người làm thơ hay bên cạnh năng khiếu trời cho còn phải không ngừng học hỏi, phải có vốn sống, sự trải nghiệm. Nếu có đầy đủ và phát huy tốt những yếu tố này thì chắc chắn sẽ có thơ hay. Khét đã phần nào vận dụng được và vì thế bước đầu anh đã có những vần thơ tạo được sức ám gợi đối với người đọc. Trong Mình mắc cạn vào nhau, có một số bài thơ hay (người đàn bà ngồi khâu lại vết thương, mồ côi là gì, vào chùa, mình ơi bão qua rồi, mưa trong mắt mẹ, khi bức tường bất ngờ đổ sập...); có những câu thơ ấn tượng: - mẹ biết con buồn/ nên không ngăn con giang hồ khoác áo/ mẹ chỉ nhìn và nhắn: nhớ về (ở đậu nhà mình).// - đã quá lâu rồi sao tiếng ve kêu còn cấu cào ngày cũ/ em, em ơi đừng lúng liếng môi cười/ bơ vơ quá đỗi giữa thị thành giàn giụa/ lí lịch nào rồi/ cũng hoen/ vài giọt/ lệ rơi (lí lịch thị thành)// - bão xoáy lòng/ phố/ trống trơn/ bật gốc/ em lại xoáy vào anh từng ánh nhìn quặn thắt/ mảnh vụn nào rơi vãi phía xa xôi (mình ơi bão qua rồi)...; một vài hình ảnh độc đáo: người đàn bà ngồi khâu lại vết thương, sông cũng đau vài bữa rồi về, lau mắt quê hương, đồng đã mặn hơn nước mắt nàng, tháng 4 buồn như cỏ...

Mình mắc cạn vào nhau bên cạnh nét gần gũi, mộc mạc, giản dị còn có những điều rất đỗi xa lạ. Bởi Khét đã đưa vào trong thơ của mình những câu chữ và cách lắp ghép theo kiểu tạo ra những ấn tượng thị giác nên đôi lúc gây khó hiểu cho người tiếp nhận.

Mình mắc cạn vào nhau đã cho thấy những khát vọng, ước mơ, suy tư, trăn trở và cả những hoài nghi, bất an của nhà thơ trước cuộc đời. Anh đã vẽ lên khuôn mặt tâm trạng của mình bằng những nỗi buồn, nỗi buồn ấy luôn bủa vây, buồn cả trong tiềm thức lẫn vô thức.