Hoa hậu Diệu Thúy và hành trình 10 năm gieo tình thương cho người nghèo

Nhuận Phẩm
Con tàu đi được nửa đường thì trời đổ lạnh. Lúc đó, quê nghèo, chúng tôi làm gì có vô tuyến, sách báo để biết thời tiết ngày mai ở Hà Nội thế nào. Sáng sớm nay, 1 giờ, tôi và mẹ ra bến sông, tôi vẫn còn mặc nguyên chiếc áo cộc tay.

Miệng tôi bắt đầu run cầm cập, 2 môi đập vào nhau liên tục như 2 thanh đá. Mẹ đứng cạnh, cũng bắt đầu run, “ráng lên con, vài tiếng nữa tới thôi” - bà động viên bằng mớ âm thanh không rõ ràng. Mười mấy người trên tàu, giờ ai cũng sắp chết cóng. Tôi không còn thở được nữa, tim nhói lên từng cơn.

Tất cả chúng tôi đều không biết phải khóc hay cầu cứu cho tình cảnh đáng thương ấy nữa. Nửa đêm, con tàu vẫn tiến về Hà Nội.

Ở phía cuối tàu thủy, chỗ ống nhả khói, một luồng khí đen toả ra. Tôi nghĩ nó sẽ có khí ấm, liền lấy hết sức, kéo tay mẹ bước theo. Mùi dầu khói ngai ngái khiến tôi ngạt thở, nhưng đó là nơi duy nhất trên tàu còn ấm. Tôi thở chậm, quàng qua người mẹ và bắt đầu lấy lại chút nhựa sống.

Lúc sau, vài đứa con gái khác cũng đến chỗ tôi. Tất cả chụm đầu, ôm choàng vào nhau thành một vòng tròn khép kín, hơi ấm truyền qua những kẽ áo khiến tất cả thấy mình vẫn sống.

Qua đêm, trời đổ lạnh hơn nữa…

Đó là lần đầu tiên tôi biết sống chết đang rình rập chúng tôi từ cái nghề “đi buôn” này như thế nào!

Năm 10 tuổi tôi đi buôn

Quê tôi ở Vĩnh Phúc. Hồi đó, ngày xưa mà, lúc đất nước vừa giải phóng nên nhà ai cũng nghèo cả. Ba tôi thì làm thợ may, mẹ thì đi buôn ngược xuôi ở Hà Nội.

Cứ mỗi buổi học, tôi và mẹ lại vào nhà người quen trong làng, thu mua đủ thứ quà quê, từ thịt lợn, con gà đến trái táo, trái ổi, bồ kết,… Mấy thứ quà quê ở đây rẻ bèo, nhưng với người Hà Nội lại là thứ của ngon vật lạ.

Thứ 6, sau buổi học cuối cùng, tôi cùng mẹ lên bến Việt Trì đi Hà Nội. Chúng tôi đóng gói tất cả hàng hoá, đạp chiếc xe đạp chở ra tàu. Hai mẹ con vác hàng lên toa, quăng xe vô trong rồi cứ nằm lên đống lá chè, mệt lừ.

Hồi đó, mẹ giao tôi tôi một nhiệm vụ quan trọng là giữ bọc tiền, thứ tài sản duy nhất của 2 mẹ con. Tôi sợ lắm, mấy ngày đầu đi tàu, cả đêm không dám chợp mắt. Tôi lấy bao ni-lông quấn 3-4 lớp, rồi sùi một sợi dây treo tòn ten trước cổ như sợi dây chuyền suốt cả chuyến đi.

Trên tàu, ngoài mẹ con tôi, còn thêm nhiều tốp dân buôn ở làng khác nữa. Chúng tranh hàng hoá, địa bàn nên choảng nhau như cơm bữa. Ban đầu là cãi cộ, rồi mấy tên thanh niên xông vào đánh, đập, có khi ôm cả người lẫn hàng quăng xuống mé sông để thị uy. Lần nào gặp chuyện, mẹ và tôi cũng chỉ biết thụt đầu xuống đít ghế, trốn trong sợ hãi.

Sau này, trên tàu lập thêm đội Khánh Trắng, vừa lo chuyện bốc vác, vừa bảo kê. Mỗi lần đi, chúng tôi phải đóng ít bạc, thế là xong chuyện, khỏi sợ trộm cắp, choảng nhau nữa.

Nhưng không phải vì thế mà nguy hiểm thôi rình rập. Hồi đó, cả làng chưa có TV, báo đài nên chúng tôi hầu như không biết gì về tình hình thời tiết! Nửa đêm, 1h sáng, mẹ con tôi lên tàu. Đi được một đoạn về Hà Nội thì trời đổ lạnh. Mẹ ôm tôi run bần bật cả đêm.

Lúc đó, tôi nghĩ chúng tôi sẽ chết vì lạnh. Tất cả ngồi trong boong, 2 chân không còn bước đi được nữa.

Đến phút cuối, tôi phát hiện ra cái ống khói. Nghĩ nó sẽ ấm, tôi kéo mẹ cùng bọn con gái cố gắng lếch lại gần. Cả đêm, mười mấy đứa ngồi xoay lại thành vòng tròn, quấn vào nhau như tằm để chia nhau từng hơi ấm ít ỏi.

Giờ nghĩ lại tôi vẫn còn rùng mình cái lạnh xé da xé thịt miền Bắc năm đó. May mắn, qua buổi sáng, trời ấm hơn, chúng tôi thoát chết.

275.000 đồng đi Sài Gòn, giấc mơ đầu tiên tuổi con gái

17 tuổi, qua vài năm đi buôn cùng mẹ, tôi đã có trong tay 50 cây vàng. Lần nào cập bến Hà Nội, hàng chưa kịp xuống thì thương lái đã chỉ mặt mua hết. Tới chợ Đồng Xuân thì túi tiền trên cổ tôi đã nặng như xích.

Về nhà, tôi đi xin ít cây nứa, đục ở giữa, nhét tiền vào rồi gác lên mái nhà, phần khác thì tôi bỏ vào thùng lá chè, ra tiệm đổi nó thành vàng cây… Mỗi lần đứa nhóc như tôi chạy ra tiệm vàng lớn ở Hà Nội đi mua vàng, mấy bà chủ đều nhìn, trố mắt mà ngạc nhiên.

Vậy mà, đến năm 20 tuổi, sau “cú lừa” tình cảm, tôi mất hết tất cả tiền. Mối tình đầu của tôi kết thúc, người ấy đi Nga, chúng tôi không liên lạc với nhau nữa. Nhưng suốt nhiều năm, tôi vẫn khóc mỗi đêm. Không phải vì tôi tiếc số tiền đã mất, tôi chỉ buồn vì người ta nói cả đời yêu tôi, nhưng người ta chẳng bao giờ hiểu những đêm tôi cận kề cái chết trên tàu, mòm mông đạp xe cả tuổi thơ từ Hà Nội về Vĩnh Phúc mỗi lần lỡ chuyến để kiếm từng đồng bạc lẻ. Tôi tiếc một lời hứa mà thôi!

Một thời gian sau, tôi quyết định vào Sài Gòn. Nghe xong, bố mẹ ôm tôi khóc nấc. Hôm sau, tôi ra bến tàu, mua chiếc ghế cứng hết 250 nghìn đồng, cơm vón thành nắm và bắt đầu lên đường.

17 tuổi, một mình ở đất khách quê người, tôi đã bắt đầu cuộc sống lập nghiệp như thế!

Ước mơ đưa ba mẹ và gia đình sang thăm và sinh sống tại Mỹ vì tôi nhớ nhà và muốn mọi người được thấy vẻ đẹp nhiều nơi trên đất Mỹ.

Sau bao nhiêu năm tôi đã thực hiện được ước mơ đó.

Tàu chạy bốn ngày vào đến TPHCM, tôi chỉ còn đúng 15 nghìn trong túi, ngoài trừ mớ cơm nắm, tôi phải ráng nhịn đói, không dám ăn thêm thứ gì để bảo toàn số tiền.

Tới Sài Gòn thì tôi đón xích lô về Cô Giang, xin ở nhờ nhà bác. Hôm sau, bác đi làm thì đã kéo theo tôi ra tiệm phụ buôn bán. Thấy tôi lanh lợi, mua may bán đắt, hôm sau bác giao cho tôi hẳn một chiếc xe đạp. Thế là ngày ngày tôi đạp xe lên Mạc Thị Bưởi (Q.1) đứng bán vàng bạc, đá quý, tối lại lủi thủi về nhà.

Có hôm ông thợ chụp thấy tôi, chạy theo xin chụp tấm ảnh về làm lịch treo trong nhà. Tôi thấy là lạ, hay hay nên đồng ý ngay. Xưa ở quê, tôi đã nổi tiếng xinh đẹp nhất làng. Hồi đó, ngày nào mấy anh trai cũng sang nhà, xếp hàng ngồi đợi từ sáng tới chiếu chỉ để được chiêm ngưỡng dung nhan tôi. Bố tôi có thời gian còn nhốt tôi hẳng trong phòng, không dám cho ai gặp mặt.

Tuổi 17, tôi đẹp như ánh trăng rằm, da trắng, tóc dài tới gót chân, ngày ngày mặc áo bà ba đạp xe đi bán hàng, làm mẫu chụp ảnh.

Một thời gian sau, mấy ông bầu show còn mời tôi tham gia diễn thời trang, đi ca. Cứ sáng đi làm, tối tôi lại lẻn theo nghề diễn. Sống dưới ánh đén, tôi thấy được là chính mình. Dù thú thực thời gian đó, tôi chẳng kiếm được mấy đồng từ nghề nghệ thuật cả.

Nước Mỹ, nước mắt, và lời hứa “Sau này con về, sẽ đưa ba mẹ sang ăn đồ Mỹ một lần…”

Không bao lâu, bố biết chuyện tôi đi diễn. Một tối, ông gọi điện vào, nói: “Thôi, con thích làm việc này thì để khi thành đạt, còn giờ con nên lo cho các em”. Tôi chỉ “dạ” một tiếng, nhưng thầm hiểu ý bố muốn gì.

Tôi bỏ nghiệp diễn từ đó. Nhiều lúc nghĩ lại vẫn tiếc nuối chứ. Nhưng lúc đó mọi thứ không cho phép, nên tôi đành chấp nhận.

Đi làm thêm một thời gian, gom góp đủ tiền thì tôi quyết định đăng ký sang Mỹ du học. Hồi đó, nghe dự định này, cả nhà ai cũng trố mắt sửng sốt. Chỉ có mẹ là im lặng chấp thuận. Buổi tối, trước hôm tôi bay, tôi ôm mẹ trên giường, “Con qua đó kiếm đủ tiền, về sẽ đưa bố mẹ sang chơi…”. Nói xong, mẹ khóc.

Ở Mỹ, tôi sáng đi học, tối đi làm. Đi làm rất nhiều công việc khác nhau, có khi làm việc đến 16 tiếng trong 1 ngày,… Có hôm ngồi ăn ổ bánh mì Tây, tôi khóc nức nở. Một mình ở đất khách, tôi nhớ gia đình da diết. Hồi đó khó có điện thoại để gọi về nói chuyện với bố mẹ, cứ mỗi lần nhớ, tôi lại ôm mặt khóc giữa đường.

Ở được lâu mau thì tôi kiếm mối mua hàng hoá từ Mỹ vận chuyển về chợ Bến Thành. Bạn tin không? Năm 21 tuổi, tôi lại lần nữa là đầu mối giao thương cho khắp cái chợ Bến Thành. Ngược lại, ở Việt Nam, tôi nhờ người thân mua đồ ăn, quần áo Việt, đánh cả container đem sang Mỹ bán cho bà con Việt Kiều. Chẳng mấy chốc, tôi đã có một tí vốn cỏn con để sống khoẻ tại Mỹ.

8 năm sau, tôi gọi về: “Sang Mỹ chơi với con một chuyến”, bố mẹ khóc. Sang năm, tôi đưa gia đình sang Mỹ thật. Lần đầu bố mẹ ăn món Tây, đi thăm thú đỉnh Hollywood, đến Las Vegas mà tôi từng mong muốn ông bà một lần chạm tới, mẹ tôi vui không tả siết. Đó là lời hứa đầu tiên tôi thực hiện được với bố mẹ.

Qua năm, tôi trở về Việt Nam, tiếp tục phát triển nghề kinh doanh.

Có một sự thật, cuộc đời tôi thì khổ đấy, đau thương, trầy da tróc vảy đấy. Nhưng có lẽ, chính cái bi ai ấy đã rèn luyện cho tôi ý chí sắt đá. Đến bây giờ, 15 năm đứng trên thương trường, có ngày trong người không còn một đồng nào, bị lừa, gục ngã rồi bật khóc… nhưng tôi chưa một lần bỏ cuộc.

Tôi làm mẹ ở tuổi 20

Năm 20 tuổi, tôi quyết định nhận nuôi đứa trẻ đầu tiên. Lúc đó, có nhiều người bảo tôi thích lo chuyện bao đồng. Tôi chỉ thấy vui vì đứa trẻ ấy.

Mỗi ngày, vừa kiếm tiền bên ngoài, vừa giặt giũ, nấu ăn, chăm sóc con, nói thật khoảng thời gian ấy rất vất vả. Nhưng nhìn con cười, lớn lên mỗi ngày, tôi lại vui trong lòng.

Đến nay, 20 năm, tôi đã có 16 đứa con. Mỗi đứa mỗi tính, mỗi hoàn cảnh, đứa thì được nhận nuôi từ lúc mới lọt lòng,… Tôi nuôi dạy, có bao nhiêu tiền đều đầu tư cho con qua Mỹ học hành.

Một dịp tụi nó về Việt Nam, tôi thuê một chiếc xe lớn chở cả bọn đi chơi. Hôm đó, bước xuống xe, mấy bà hàng xóm hỏi: “Cô nho nhỏ mà đẻ con nhiều nhỉ?”, tôi chỉ mỉm cười hạnh phúc.

Có thể 16 đứa con không phải do tôi sinh ra từ bụng, nhưng tôi sinh chúng bằng trái tim. Mà trái tim thì chan chưa máu và tình yêu thương, nên tôi yêu chúng hơn bất kỳ vật quý nào trên đời.

Cái ôm của đứa trẻ câm điếc và hành trình hơn 10 năm kiến tạo tình thương cho người nghèo

“Từ trước đến nay, thiện nguyện thì nhiều rồi, nhưng để đến tận nơi, ôm từng đứa trẻ, thì chắc chỉ có mình cô…”

Giờ đây, nói về hành trình thiện nguyện, tôi không biết nên bắt đầu kể từ đâu. Có lẽ nó đã âm ỉ khi tôi còn rất nhỏ. Hồi đó, bố tôi có bộ đồ sửa xe trước nhà để giúp người bị hỏng xe, bố tôi không lấy tiền. Có hôm, một bà cụ bị lủng lốp dắt ngang qua. Bố không có nhà, nhìn mồ hôi cụ nhễ nhại nên tôi đã đứng ra giúp.

Lúc đó, tôi chút xíu à, cầm cái cây sắt nạy bánh xe còn không nổi. Bơm bánh, tôi phải lấy chiếc ghế kê trên đầu ống bơm, ấn bụng dí xuống cho tới khi căng tròn khí. Sửa xong, bà lão cảm ơn rồi vón đồng tiền lẻ gửi lại, tôi một mực từ chối. Có lẽ ý niệm thiện nguyện của tôi bắt đầu từ lúc đó.

Năm trước, tôi sang Lào, có dịp vào một trường trẻ em câm điếc bẩm sinh. Nhìn tụi nó mắt đứa nào cũng long lanh như nước nhưng cuộc sống thì im lặng như tờ. Chúng dùng ánh mắt, nụ cười và chân tay để chơi đùa với nhau trên những khoảng sân đất.

Bữa đó, giữa hội trường, trong đám đông rộng lớn, một cậu bé chằm chằm nhìn tôi không chớp mắt. Lúc sau, tôi bước xuống, tiến lại gần nó. Như một phản xạ tự nhiên, nó chạy ào tới, dùng tất cả sức mạnh của 2 cánh tay quàng qua cổ, ôm siết lấy tôi. Rồi đám đông nháo nhào lên. Đứa này tranh ôm, đứa kia tranh đòi hôn…Chúng giành nhau để được hưởng từng hơi ấm ít ỏi của sự thiệt thòi như thế. Tôi đứng chết lặng, bật khóc.

Hôm đó, gần Noel, tôi đã trao các thầy giáo ít tiền nhờ mua đồ cho tụi trẻ. Lúc chia tay, tụi con gái lấy giấy vở kết thành cài vòng hoa đeo vào cổ tôi. Vị thầy giáo cúi đầu, nói: “Từ trước đến nay, thiện nguyện thì nhiều rồi, nhưng để đến tận nơi, ôm từng đứa trẻ, thì chắc chỉ có mình cô…”

Chuyến xe trở về Việt Nam hôm ấy, tôi ngồi sau xe, lặng đi và khóc.

Lần khác nữa thì tôi đăng ký đi chăm sóc bệnh nhận ung thư ở bệnh viện K Tân Triều, rồi tặng xe đạp cho tụi con nít nghèo, xây trường học cho trẻ em vùng cao,… Với tôi, mỗi chuyến thiện nguyện, tôi nhận nhiều hơn là cho đi.

Mới đây, dịch Covid-19 bùng lên ở thành phố, tôi đã tham gia phát khẩu trang, gạo, thức ăn cho người nghèo, vô gia cư. Có người nhìn thấy, bảo: “Tuổi này, dịch diếc không lo ở nhà, bảo vệ cho mình mà đi để lây bệnh vào người”. Tôi chỉ cười trừ: “Mình không làm thì ai làm”.

Dịch thì nguy hiểm thật đấy, nhưng ngoài kia có rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn và những đứa trẻ bại não, úng thuỷ, tật nguyền… chúng vẫn sẽ chết đói nếu một ngày không được tiếp tế lương thực. Chúng chưa đủ lớn để hiểu dịch là gì, nhưng chúng không thể nào không khóc nếu chiếc bụng đói. Cứ thế mà tôi lên đường đi làm thôi.

Vì đơn giản, thế giới ngoài kia, rất nhiều người đang cần tới tôi mà!

Nhật Nam