Một thời đáng nhớ của học sinh Tam Kỳ

Nhuận Phẩm
Tam Kỳ là đô thị lâu đời, gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử vùng đất Quảng Nam. Những ai là “thị dân” Tam Kỳ sẽ chứng kiến từng bước chuyển, dẫu nhỏ nhất, trong đó có dấu ấn một thời đáng nhớ của học sinh Tam Kỳ.

Tháng 7/1962, Quảng Nam bị chia thành Quảng Nam và Quảng Tín. Thị xã Tam Kỳ trở thành tỉnh lỵ của Quảng Tín. Nơi đây có các trường Trung học Trần Cao Vân, Bồ Đề, Nữ Trung học Quảng Tín, Nguyễn Dục, Đức Trí...; tập trung khá đông đảo học sinh trên địa bàn tỉnh đến học tập và cũng như bao thế hệ học sinh, sinh viên miền Nam thời chiến tranh, họ có thừa nhiệt huyết để “dấn thân”.

truongtrancaovanchinhdien-1650325625.jpg
Trường Trung học Trần Cao Vân gắn liền với lịch sử phong trào học sinh - sinh viên miền Nam thời đó. Ảnh: T.L

Trong khi đó, thời gian này, Huế và Đà Nẵng trở thành trung tâm của phong trào học sinh, sinh viên miền Trung đã tác động rất lớn đến suy nghĩ và hướng đi của giới trẻ Tam Kỳ. Từ đây, một thế hệ học sinh Tam Kỳ đã nhanh chóng “xếp bút nghiên”, hòa mình một cách tự nhiên vào dòng chảy của cách mạng, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù.

Đầu năm 1963, ông Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên - Học sinh - Sinh viên giải phóng Trung Trung Bộ cử ông Nguyễn Văn Sơn (Sơn Hải), một trong những người giữ vai trò chủ chốt trong Ban Chấp hành của Hội ở Đà Nẵng vào Tam Kỳ tuyên truyền, vận động, tập hợp đông đảo học sinh các trường trên địa bàn thị xã, hình thành Ban chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên - Học sinh – Sinh viên giải phóng tỉnh Quảng Nam (do Đỗ Hùng Luân làm Tổng thư ký, lấy nhà bà Nguyễn Thị Giáo, một thời gian sau chuyển sang nhà ông Nguyễn Nhã cùng thôn Ngọc Bích của xã Tam Ngọc, Tam Kỳ làm trụ sở của Hội).

Sau khi thành lập, Hội Liên hiệp Thanh niên - Học sinh – Sinh viên giải phóng tỉnh Quảng Nam tổ chức các hoạt động khá bài bản từ việc mua máy đánh chữ làm các tờ báo “Mầm non”, “Đứng đầu gió” để tuyên truyền, học sử dụng vũ khí, nhận và chuyển tin thu thập được từ vùng địch ra vùng ta và ngược lại; khắc con dấu và làm các loại chữ ký, giấy tờ giả..., để tạo điều kiện đi lại thuận lợi, hợp pháp cho cán bộ, đảng viên và giúp thanh niên trốn lính…

Song song với đó, Hội còn tổ chức cho học sinh các trường trung học trên địa bàn Tam Kỳ bãi khóa, vận động bà con tiểu thương bãi thị (6/1963); gửi kiến nghị cho tỉnh trưởng Quảng Tín, yêu cầu không được đàn áp Phật tử (8/1963); tổ chức mitting, kêu gọi quần chúng biểu tình rầm rộ từ ngã ba Nam Ngãi, sau đó lan rộng ra toàn nội ô thị xã và các vùng ven đô, đòi chính quyền địch không được đưa binh lính đi càn quét, bắt bớ, đốt phá nhà cửa, mùa màng và kêu gọi binh lính địch đào ngũ để trở về với nhân dân.

ao-dai-nu-sinh-6-1650325692.jpg
Những nữ sinh miền Nam một thời. Ảnh: T.L

Để ngăn chặn sự phát triển của phong trào thanh niên, học sinh tỉnh Quảng Nam, chiều ngày 28/10/1965, địch tổ chức vây bắt hầu hết những nhân vật chủ chốt của Hội như Đỗ Hùng Luân, Nguyễn Nhung, Nguyễn Quang Vinh..., dẫn đến tổ chức Hội bị tan vỡ. Tin giáo viên và học sinh các trường trên địa bàn thị xã bị địch bắt đã nhanh chóng lan ra các trường trong và ngoài tỉnh, được đài Hà Nội đưa tin, báo chí miền Nam đăng tải, phóng viên hãng AFP, UPI của nước ngoài chụp ảnh, phỏng vấn..., gây nên sự xúc động mãnh liệt trong giới trẻ, góp phần làm thay đổi suy nghĩ và hướng đi của những người còn có tư tưởng lừng chừng. Những thành viên còn lại của Hội chưa bị lộ vẫn âm thầm hoạt động, tập hợp lực lượng, xây dựng cơ sở, chờ thời cơ; một số khác thoát ly lên vùng giải phóng, tham gia lực lượng vũ trang.

Tháng 7/1970, những hội viên còn lại của Hội tổ chức phát hành tập san “Vỡ mặt nhìn nhau” và sau đó là tập san “Nối vòng tay lớn”, nhằm tiếp tục tuyên truyền và khơi dậy tinh thần yêu nước trong học sinh Quảng Nam. Cùng thời gian này trên địa bàn tỉnh đã thành lập được Ban chấp hành lâm thời Liên đoàn học sinh Quảng Nam, do Nguyễn Văn Long làm Chủ tịch, Trần Đình Hộ làm Tổng thư ký. Ngày 17/9/1971, Đại hội Liên đoàn học sinh Quảng Nam chính thức khai mạc, bên cạnh đại biểu đại diện cho học sinh các trường trong tỉnh; còn có đại biểu đại diện Tổng Hội Sinh viên Huế, Liên đoàn Học sinh Huế, Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng, Tổng hội Sinh viên Vạn Hạnh, Sài Gòn, Cần Thơ...

0e76e4b3-0345-46c6-984a-3682a5154b9d-1650377306.jpeg

Sau Đại hội, Liên đoàn cho ra đời tờ báo “Tiếng gọi học sinh” và nhiều bản tin khác, lên án tội ác của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, vận động HS đấu tranh chống quân sự hóa học đường, chống đôn quân, bắt lính, đòi giảm học phí.... Từ cuối tháng 9/1971, kết nối với phong trào HS-SV Huế, Đà Nẵng, Liên đoàn Học sinh Quảng Nam liên tục tổ chức đấu tranh chống bầu cử độc diễn (3/10) của Nguyễn Văn Thiệu dưới nhiều hình thức như triệt hạ bích chương vận động bầu cử, đốt thẻ cử tri tập thể và hình nộm của Thiệu... Ngày 13/10/1971, Liên đoàn Học sinh Quảng Nam bí mật triệt hạ khẩu hiệu đón tiếp tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, thay bằng khẩu hiệu có nội dung chống Nguyễn Văn Thiệu khi ông ta về làm việc với chính quyền tỉnh Quảng Tín.

Để đối phó với phong trào HS-SV, chính quyền Sài Gòn vừa sử dụng các thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, vừa thẳng tay đàn áp. Ngày 27/12/1971, trong lúc học sinh S trường Trung học Trần Cao Vân đang chuẩn bị cho đêm văn nghệ, địch đưa cảnh sát vào trường bắt 5 học sinh, đồng thời đón lõng bắt luôn 6 học sinh của trường Bồ Đề đang trên đường đi học về, đưa về giam giữ tại Trung tâm cải huấn Quảng Tín. Ngày 03/01/1972, nhận được tin 2 nhân vật cốt cán của Liên đoàn học sinh Quảng Nam là Nguyễn Tân – Chủ tịch và Võ Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch cũng bị địch bắt, lập tức Hội Liên hiệp Thanh niên - Học sinh – Sinh viên giải phóng Trung Trung Bộ đã cử các hội viên dày dạn kinh nghiệm đấu tranh từ Huế và Đà Nẵng vào chi viện cho Liên đoàn Học sinh Quảng Nam, tổ chức đốt xe cảnh sát để cảnh cáo địch, phát động học sinh kéo đến Ty Cảnh sát, nhà riêng Nguyễn Tri Tài - Hiệu trưởng trường Trung học Trần Cao Vân để phản đối hành động bắt người vô cớ của chúng, buộc chính quyền địch phải trả tự do cho các HS bị bắt về lại với học đường. Đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo, đấu trí thắng lợi với tổ chức Cảnh Sinh (tổ chức do địch cài cắm trong các trường học), tẩy chay các cuộc tuyên truyền chống cộng của học viên trường Sĩ quan Đà Lạt...

Từ năm 1973 đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1975), phong trào đấu tranh của giới trẻ Tam Kỳ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, góp phần nêu cao chính nghĩa cuộc đấu tranh yêu nước và cách mạng của nhân dân miền Nam chống Mỹ và tay sai. Đặc biệt, thông qua các hoạt động đấu tranh phong phú, đa dạng và được thử thách, rèn luyện trong môi trường chiến tranh khốc liệt, học sinh Tam Kỳ đã có sự trưởng thành vượt bậc, nhiều người trong số họ sau chiến tranh đã được tổ chức giao nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và tiếp tục có nhiều cống hiến trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước, trở thành niềm tự hào của các thế hệ tuổi trẻ Tam Kỳ hôm nay và mai sau.

*Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả - Thạc sỹ Sử học Phạm Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Học liệu & Hỗ trợ sinh viên, Trường Đại học Quảng Nam.

Phạm Văn Thắng