Chúng ta có lẽ ít nhiều đã trải qua cảm giác bất lực, đặc biệt trong thời đại dịch COVID-19. Do giãn cách xã hội và các tin xấu liên tục ập đến, chúng ta khó có thể sống một cách“bình thường”. Cho đến hiện tại, đây vẫn là vấn đề không ít người gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.
Và vấn đề lớn nhất của sự bất lực nằm ở chỗ nó có tính ăn mòn. Điều này làm suy giảm khả năng theo đuổi những mục tiêu ý nghĩa, ngay cả khi ta hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất. Hệ quả là ta nhanh chóng rơi vào vòng xoáy lo âu và buồn chán, đi kèm với các cơ chế đối phó kém thích ứng (như ăn uống quá độ).
Vậy làm sao để duy trì khả năng chánh niệm và mức độ tự nhận thức cao?
Một trong các bậc “cha đẻ” của tâm lý học Mỹ là William James từng chia sẻ về vấn đề này trong bài phát biểu tại Đại học Columbia năm 1906. Bài nói tựa đề “Năng lượng của con người” đã làm nên sự nghiệp của ông, và tác động lớn đến tâm lý học ngày nay. Nó thể hiện tầm nhìn của James - người luôn biết cách làm cho triết học phù hợp với trải nghiệm thực tế của con người:
“Chúng ta đều có những ngày vui, và những ngày tâm trạng xuống hố. Nhưng chúng ta đều nhận thức được rằng, ngày nào cũng có một vài nguồn năng lượng đang “ngủ yên” và có thể được đánh thức khi ta gặp “chất xúc tác” hoặc động lực lớn hơn. Rất khó để định nghĩa thế nào là “năng lượng”, nhưng chúng ta đều hiểu rằng. quan trọng là phải kích hoạt được nó lên”.
Chúng ta đều có những ngày “lên voi”, và những ngày “xuống chó”. | Nguồn: Pexels
James cũng mở rộng lập luận của mình rằng: “Hầu hết chúng ta đều cảm thấy mình sống theo kiểu “lập trình” với một mớ bòng bong trên đầu. Nó thể hiện sự rõ ràng trong nhận thức, sự chắc chắn trong lý luận hay sự vững vàng trong quyết định. Thực tế ta chỉ đang sử dụng một phần nhỏ nguồn lực thể chất và tinh thần vốn có của chính mình”.
Vậy làm sao để tối ưu hóa “nguồn lực” thể chất và tinh thần?
Theo quan điểm của James, mấu chốt nằm ở việc củng cố ý chí. Nó giúp ta ngăn chặn hoặc giảm thiểu xu hướng suy nghĩ và hành động một cách thụ động, và giảm thiểu cả mức độ mệt mỏi mà ta vẫn cảm nhận theo thói quen.
Ông khuyến khích các bài tập luyện hàng ngày như yoga, thiền, tập thở và các bài tập tâm linh của Ignatius Loyola. Thực tế James mê yoga đến mức dành một phần lớn trong bài phát biểu để khen ngợi công dụng của nó trong việc “phá vỡ rào cản mà các thói quen đã tạo ra trong tầng lớp sâu tận cùng của ý chí, từ đó đưa vào sử dụng những phần năng lượng bị lãng quên”.
Điều thú vị là James cũng dành lời khen cho An Empire Builder - một tác phẩm của nhà tư tưởng Sydney Olivier miêu tả cách tình yêu lãng mạn “huy động” ý chí con người đến mức tối đa. Theo quan điểm của Olivier, khi kết hợp với lòng vị tha, sức mạnh ý chí có tiềm năng “lèo lái những số phận hữu hình của thế giới” và mang tới “sự giải thoát vô tận”.
James cho rằng yoga, thiền và tập thở có thể kích hoạt những phần năng lượng bị lãng quên trong cơ thể mỗi người. | Nguồn: Pexels
Ví dụ về “sức mạnh ý chí” trong một vài ngữ cảnh cụ thể?
Chẳng hạn trong hoàn cảnh chúng ta tiếp xúc và tiêu thụ tin tức 24/7, khả năng thể hiện tình cảm (bên cạnh việc tập yoga hay các bài tập tâm linh khác) đóng vai trò quan trọng giúp củng cố sức mạnh ý chí.
May mắn là tôi đã nhận thấy điều này diễn ra. Có lẽ đây là một ví dụ về cái được Maslow gọi là “trí khôn tự nhiên” trong bản chất bên trong của con người. Chẳng hạn trong thời kỳ dịch bệnh, nhiều người đã kết nối lại với những người quen cũ. Còn ở hiện tại, người trẻ dần biết cách “detox” khỏi mạng xã hội và tin tức, cho bản thân “me time” khi cần thiết.
Trên thực tế, nhận định của James về tầm quan trọng của sức mạnh ý chí đã gây tiếng vang lớn vào đầu thế kỷ XX. Song với sự phát triển của phân tâm học (psychoanalysis) thời đó, khái niệm “ý chí” nhanh chóng biến mất khỏi tâm lý học và văn hóa phương Tây. Những người theo Sigmund Freud khi đó phản biện rằng, tính cách bị chi phối bởi những thúc đẩy trong vô thức.
Về sau này, các khái niệm “chánh niệm” và “chế độ tự lái” của tiến sĩ Ellen Langer của Đại học Harvard đã đưa khái niệm ý chí trở lại luồng tư duy phổ biến. Có thể nói nếu khi đó James còn sống, chắc chắn ông sẽ tán thành quan điểm của Langer về việc vượt qua “chế độ tự lái” để sống tối ưu hơn, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn của cuộc sống.