Các thế hệ nghe nhạc khác nhau thế nào?

Bạn có tưởng tượng được rằng đã từng có thời một chiếc đĩa CD có giá $2000?

Năm 1995, các nhà khảo cứu tìm thấy một mảnh sáo bằng xương 60,000 năm tuổi tại Slovenia. Đây là nhạc cụ cổ nhất mà chúng ta khám phá được tính tới thời điểm hiện tại. Nó không trả lời được câu hỏi "âm nhạc được tạo ra từ khi nào", nhưng là một bằng chứng cho việc con người từ lâu đã dùng âm nhạc/âm thanh khác tiếng nói thông thường để giao tiếp trong cộng đồng.

Lịch sử văn hoá được ghi chép lại 5000 năm của chúng ta cũng liên tục ghi nhận sự tồn tại và phát triển của âm nhạc nhưng thuật ngữ "ngành công nghiệp" đi kèm với nó thì chỉ mới được dùng cách đây khoảng 140 năm.

Để trả lời cho câu hỏi "Các thế hệ nghe nhạc khác nhau như thế nào?", bài viết này tóm tắt quá trình phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc thế giới trong mối tương quan với các tiến bộ công nghệ thu và phát nhạc. Bài viết không xét đến sự thay đổi trong sở thích và tiêu chuẩn văn hóa âm nhạc của con người qua thời gian.

1. Máy hát và đĩa than - Lần đầu tiên âm nhạc được "đóng gói"

Năm 1877, nhà khoa học Thomas Edison phát minh ra chiếc máy hát đầu tiên trên thế giới, cho ra đời các khái niệm "thu âm" và "phát nhạc".

Lần đầu tiên âm nhạc tồn tại trong vật chứa hữu hình có thể cầm nắm mang đi và người nghe có thể thưởng thức mà không cần đi xem biểu diễn trực tiếp. Trước đó, người ta chỉ có thể lưu trữ các bản sáng tác bằng cách ghi lại trên giấy các ký hiệu tượng trưng. Nhờ có phát minh mới, âm nhạc được "đóng gói" thành các ống xy lanh có sức chứa khoảng 2 phút.

Nghe nhạc thời Edison Nguồn Don Shall Flickr Thiết bị nghe nhạc thời Edison. Chiếc gramophone cũng có hình dáng gần giống. | Nguồn: Don Shall/ Flickr

Nhưng phải đến 10 năm sau, hành trình “công nghiệp âm nhạc” mới bắt đầu. Đó là khi nhà phát minh người Đức gốc Do Thái Emile Berliner được cấp bằng sáng chế cho chiếc máy quay đĩa “gramophone” (lưu trữ nhạc bằng đĩa dẹp, phẳng thay cho khối hình trụ thời Edison), sau đó thành lập công ty để sản xuất và bán thiết bị này.

Gramophone chính là nguồn gốc của cái tên Grammy - giải thưởng âm nhạc danh giá nhất thế giới được tổ chức hằng năm tại Los Angeles, và cũng là hình ảnh nguyên bản cho thiết kế mô phỏng của chiếc cúp Grammy.

Đĩa than được xem là hình thức thu âm tiêu chuẩn suốt một thời gian dài, nhưng sau dần mất sức hút vì sự ra đời của các chương trình radio miễn phí.

2. Băng cassette - Nghe nhạc khi di chuyển

alt Nhờ băng cassette, âm nhạc có thêm "đôi chân".

Băng cối (open-reel), đã xuất hiện từ năm 1900, nhưng đến khoảng năm 1940, thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ 2, chúng mới được đưa vào sử dụng thực tiễn. Sau đó thì được hãng thu âm RCA của Mỹ làm gọn lại và đặt cái tên mới là “băng cassette” (1958).

Băng cassette rẻ hơn đĩa than, dễ làm sạch và bảo quản, hơn nữa lại nhỏ gọn, dễ cầm theo. Mặc cho các ưu điểm vượt trội đó, chúng chỉ trở nên phổ biến khi Philips, nhà sản xuất điện tử khổng lồ của Hà Lan, vào năm 1964, cho ra mắt chiếc “Compact Cassette” và ký thỏa thuận cấp phép chéo miễn phí với hãng Sony để đưa sản phẩm này trở thành tiêu chuẩn thế giới.

Năm 1979, chiếc máy nghe nhạc cầm tay Walkman của hãng Sony ra mắt công chúng, tạo nên sự bùng nổ trong thị trường băng cassette, đánh dấu bước chuyển mình trong thị trường âm nhạc.

Việc thưởng thức âm nhạc, nhờ có Walkman, đã có thể thực hiện ở mức độ hoàn toàn cá nhân: băng phát nhạc do người dùng tùy chọn, thời gian địa điểm không ràng buộc, và hơn hết chiếc giắc cắm tai nghe tạo nên sự riêng tư tuyệt đối.

3. Đĩa quang (CD) - Nghe nhạc kỹ thuật số

Mối quan hệ hợp tác giữa Philips và Sony còn mang đến một sự thay đổi sâu sắc hơn thế đến thế giới âm nhạc. Năm 1982, họ cho ra mắt chiếc đĩa quang sử dụng công nghệ lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số (digital), thay cho cách ghi âm bằng tín hiệu vật lý (analog) đã tồn tại gần 100 năm từ thời Edison.

Ban đầu hầu hết những người làm trong ngành công nghiệp thu âm đương thời phản đối công bố này của hãng, vì 2 lý do.

Thứ nhất, công nghệ kỹ thuật số mở đường cho việc sao chép đĩa lậu. Thứ hai, quy trình sản xuất đĩa quang đòi hỏi vốn đầu tư lớn để thay đổi từ quy trình sản xuất đĩa than đã có quy củ. Nhưng với những đặc điểm ưu việt về dung lượng, và độ tiện lợi, người tiêu dùng vẫn nồng nhiệt đón nhận sự ra đời của đĩa quang, dù giá sản phẩm bấy giờ lên tới $1000 (tương đương $2230 ngày nay).

Đến năm 1988, doanh số đĩa quang tại Mỹ đã vượt mặt đĩa than, và sau đó là vượt qua cả doanh số băng cassette vào năm 1992. Tính đến năm 2007, có 200 tỷ chiếc CD được bán ra trên toàn thế giới. Với sự xuất hiện của đĩa CD, ngành công nghiệp âm nhạc đạt đến đỉnh cao chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

4. Tệp MP3 - Thời cực thịnh của nhạc lậu

Năm 1993, công nghệ mã hoá và nén âm thanh kỹ thuật số MP3 được giới thiệu đến công chúng. So với kích thước tệp âm thanh chất lượng chuẩn đĩa CD, thì kích thước tệp MP3 được nén chỉ còn lại khoảng 25% đến 5%, bằng cách loại bỏ các âm tố nằm ngoài ngưỡng nghe bình thường của con người.

Nhờ kích thước nhỏ gọn và sự bùng nổ của mạng Internet vào đầu những năm 1990, các tệp MP3 được lan truyền mạnh mẽ trên toàn cầu, bắt nguồn từ mạng lưới ngầm chia sẻ nhạc lậu.

Nền tảng chia sẻ có tiếng giữa thời điểm đó là Napster, ra mắt vào năm 1999, được phát triển bởi 2 sinh viên người Mỹ Shawn Fanning và Sean Parker. Napster cho phép người dùng chia sẻ trực tiếp cho nhau các bài hát khó tìm trên thị trường chính thống (như nhạc xưa, bản thu âm chưa phát hành chính thức,...) không thông qua sự kiểm soát của máy chủ trung gian. Trong một thời gian ngắn, âm nhạc trở thành một sản phẩm cộng đồng, ai cũng có thể dễ dàng sở hữu. Thời kỳ hoàng kim của đĩa quang cũng vì đó mà lụi dần.

Napster cũng phải đóng cửa không lâu sau đó (2001) vì cáo buộc trách nhiệm pháp lý cho hành vi phát tán các sản phẩm vi phạm bản quyền của người dùng. Dù vậy, khoảng thời gian tồn tại ngắn ngủi của Napster lại đủ để tạo ra sự thay đổi lớn trong nhận thức của người dùng và các công ty công nghệ về việc âm nhạc nên được thưởng thức như thế nào.

Trong vòng 10 năm sau đó, thế giới chứng kiến sự phát triển của một loạt các hình thức nghe nhạc xoay quanh bối cảnh mà Napster đã vẽ ra: một nền tảng trực tuyến cho phép người dùng tiếp cận đến nguồn nhạc dễ dàng, họ được lựa chọn và chơi một bài nhạc yêu thích riêng lẻ, thay vì trả phí cho cả một album.

5. iPod/iPhone - Thư viện âm nhạc "bỏ túi"

alt Thời đại tích hợp âm nhạc toàn diện vào đời sống bắt đầu.

Ở thời điểm MP3 đang thịnh hành, vô số các thiết bị nghe nhạc hỗ trợ định dạng này đã được sản xuất trên toàn thế giới, nhưng không có sản phẩm nào nổi bật để được coi là tiêu chuẩn.

Đến năm 2001 thì tình hình biến chuyển. Công ty máy tính cá nhân Apple công bố phần mềm quản lý tập tin nhạc iTunes và sau đó là thiết bị nghe nhạc số iPod. Với dung lượng 5GB, iPod có thể lưu khoảng 1000 tập tin MP3 chất lượng 160kbps. Nếu tính trung bình mỗi bài nhạc có độ dài khoảng 3 phút thì đây là con số khổng lồ trong lịch sử ngành công nghiệp âm nhạc tính tới thời điểm bấy giờ.

Ngoài ra, tính năng “shuffle" - trộn bài cũng là nhân tố góp phần tạo nên sức hút của iPod. Tính năng này đã được phát triển ở nhiều thiết bị đọc CD trước đó nhưng với sức chứa 1000 bài hát của iPod, người dùng có một trải nghiệm hoàn toàn khác: họ thích thú với việc được làm mới danh sách phát nhạc ở mức “không biết là bài nào sẽ phát tiếp theo”, tựa như một chương trình radio được cá nhân hoá.

Năm 2007, chiếc điện thoại iPhone đầu tiên được ra mắt, đánh dấu điểm khởi đầu của xu hướng tích hợp công nghệ vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay. Việc mang theo 2 thiết bị riêng biệt là máy nghe nhạc và điện thoại di động nhanh chóng trở nên lỗi thời.

Với chức năng kết nối Internet của iPhone, người dùng cũng không còn cần dùng đến máy tính để có thể mua nhạc. Dù trước đó đã có một số dòng điện thoại tích hợp chức năng phát nhạc MP3 như Samsung, Nokia, Motorola nhưng chỉ đến thời kỳ của iPhone, các hoạt động liên quan đến âm nhạc như mua nhạc, quản lý danh sách nhạc, và chơi nhạc di động mới được phát triển hoàn chỉnh trên cùng một thiết bị. Từ đây thưởng thức âm nhạc dần trở thành điều tất yếu khi sở hữu một chiếc điện thoại.

Cách thế giới nghe nhạc đã thay đổi hoàn toàn khi bước sang thế kỷ mới. Chưa bao giờ người nghe được tiếp cận đến một nguồn nhạc đa dạng dễ dàng hơn thế.

6. Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến - Thế giới âm nhạc siêu kết nối

Hai năm sau khi iPod ra đời (và Napster bị khai trừ), Apple cho ra mắt cửa hàng đa phương tiện kỹ thuật số iTunes Store, cứu cánh cho ngành công nghiệp thu âm đang lẩn quẩn tìm cách phân phối rộng rãi nhạc bản quyền trong thời đại Internet.

Thật ra sau khi iTunes Store ra mắt, nhiều trang web đăng tải nhạc lậu vẫn còn hoạt động trên thị trường. YouTube, ra mắt vào năm 2005, là một trong số đó. Các nền tảng nội dung do người dùng tạo ra như YouTube được cho nguồn ngọn gây ra sự trì trệ, sụt giảm doanh thu thảm bại của ngành công nghiệp âm nhạc.

Trong bối cảnh đó, mô hình dịch vụ phát nhạc trực tuyến thu phí cố định ra đời. Ý tưởng manh nha từ thời Napster cuối cùng đã được hiện thực hoá nhờ những tiến bộ trong mạng truyền thông và các thiết bị công nghệ.

Cái tên nổi bật dẫn dắt thị trường trong mô hình này là Spotify. Công ty được thành lập tại Thuỵ Điển vào năm 2006, bắt đầu cung cấp dịch vụ vào năm 2008, và ra mắt tại thị trường Mỹ năm 2011.

Tương tự như Apple và iPod, Spotify không phải là dịch vụ phát nhạc trực tuyến đầu tiên trên thế giới, trước đó đã có Pandora, Soundcloud và Bandcamp, nhưng vào thời điểm ra mắt, Spotify là điểm đến có chất lượng sản phẩm tốt nhất cho đại chúng. Với mô thức kinh doanh “freemium”, nơi phí bản quyền được tính bằng số lượt phát và người dùng phải trả tiền nếu muốn lưu nhạc về máy, Spotify trở thành kênh phân phối được nhiều hãng thu âm tin tưởng ký hợp đồng.

Thị trường sau đó bắt đầu xuất hiện hàng loạt các nhà cung cấp dịch vụ mới với chất lượng cạnh tranh như Amazon Prime Music, Google Play Music, Apple Music,...

Thị phần của dịch vụ tải nhạc trực tuyến thu hẹp lại. Dịch vụ phát nhạc trực tuyến lên nắm cương thống lĩnh. Người dùng giờ đây có thêm nhiều lựa chọn mới: trả một khoản tiền nhỏ (hoặc thậm chí miễn phí) để nghe bất kỳ bài hát nào, vào bất kỳ thời điểm nào, trên bất kỳ thiết bị nào.

Luật chơi đối với các nghệ sĩ và hãng thu âm cũng vì đó mà thay đổi: ngày trước rất khó để các nghệ sĩ tự đưa sản phẩm rộng rãi đến công chúng. Con đường gần như duy nhất là ký kết với các hãng thu âm lớn. Ngày nay, cơ hội mở đều cho các nghệ sĩ tự do và các hãng thu âm nhỏ nhờ sự tiến bộ trong công nghệ.

Khi số người tham gia thị trường tăng, sự chú ý của người nghe bị phân tán, album không còn là trọng tâm duy nhất trong sản xuất âm nhạc. Số lượng các bản single tăng lên, MV tăng lên, thời lượng bản thu âm giảm xuống. Năm 2016, Hiệp hội Ngành công nghiệp Âm nhạc đã thống kê được rằng người ta có xu hướng chọn nghe các danh sách phát (playlist) nhiều hơn là các album (31% so với 22%).

Có thể thấy, cách làm nhạc, cách nghe nhạc của chúng ta và chiều hướng phát triển của công nghệ cứ thế tác động qua lại lẫn nhau suốt một chiều dài lịch sử.

Kết

Nền công nghiệp âm nhạc đã nhiều lần rung chuyển, sụt xuống rồi lại vươn dậy, từ 2 phút nhạc với chiếc phonograph của Edison tới đế chế nhạc số, nơi Spotify mỗi ngày lại thêm vào thư viện nhạc khổng lồ của mình 40,000 bài hát mới.

Không ai biết chính xác sản phẩm thay đổi thế giới âm nhạc tiếp theo sẽ là gì, nhưng có lẽ nó cũng sẽ không vượt ra khỏi xu hướng "siêu kết nối" đang diễn ra ở các lĩnh vực khác mà công nghệ đang dẫn dắt.

Biết đâu tới một lúc bạn có thể nghe nhạc bằng cách chỉ cần đeo tai nghe vào và tìm bài nhạc phù hợp với mình qua ra lệnh bằng giọng nói, mà không cần kết nối thêm với điện thoại hay máy tính? Biết đâu tới một lúc các buổi concert sẽ có thêm "bữa tiệc" ánh sáng và hình ảnh hoành tráng và cá nhân hoá hơn nhờ AI nhận diện cảm xúc của người tham gia?