6 Câu hỏi của các bạn trẻ khi chông chênh, mình trả lời thế nào?

Nếu chỉ thấy hơi thích công việc thôi thì có phải mình không thuộc về công việc này? Làm gì để khống chế cảm xúc tiêu cực? Cuộc đời này có ý nghĩa gì?

Cuối năm 2021, mình có bắt đầu một series tên là Bạn hỏi – Hoàng trả lời trên trang Facebook cá nhân. Nguyên nhân là trong một lần vô tình kiểm tra tin nhắn, mình phát hiện ra trong mục spam có rất nhiều câu hỏi của các bạn độc giả gửi về, thú vị mà cũng khó nhằn.

Khi đọc các tin nhắn này, mình như được thấy lại bản thân lúc mới ra trường - nhiều trăn trở, hoang mang. Lúc đó mình đã chủ động gửi email tất cả những người đàn anh đi trước để làm quen, cũng như hỏi han các kinh nghiệm.

Có nhiều email không được hồi đáp, chỉ một số ít được trả lời. Thế nhưng những nỗ lực này với mình đều là sự chủ động học hỏi, tìm kiếm thông tin giá trị để phát triển bản thân.

Thế nên lúc đó mình đã quyết định mở link để các bạn có thể đặt câu hỏi, rồi mình chia sẻ câu trả lời lên Facebook để người khác cũng có thể xem và góp thêm cho câu trả lời tốt hơn. Tiếc là sau khoảng 100 câu (vẫn còn 200 câu), vì nhiều lý do mà mình phải “tạm dừng” series này.

Ở bài viết này mình tổng hợp lại vài câu hỏi thú vị mà mình nghĩ nó sẽ phần nào hữu ích cho các bạn trẻ khi đang cảm thấy chông chênh. Các câu hỏi sẽ trải dài từ công việc đến cuộc sống.

1584676472826-chongchenh-1718249972.jpg

1. Khi chọn ngành, anh có tin rằng nó là vận mệnh đã sắp đặt trước không ạ? Em được nghe nhiều người nói rằng mỗi người sẽ có một vận mệnh riêng và sẽ có ngành phù hợp với vận mệnh đó để phát triển.

Anh nghĩ còn tùy vào niềm tin về cách thế giới vận hành ở mỗi người. Có người tin là mọi thứ đã được an bài, việc ta cần làm chỉ là sống tử tế.

Anh thì lại nghĩ, sẽ có nhiều kịch bản khác nhau tùy vào sự lựa chọn mỗi khi ta đứng giữa giao lộ. Nếu hồi đó anh không chọn theo Thiết kế sản phẩm, có lẽ bây giờ anh đang là nhà văn chuyên nghiệp, hoặc streamer rồi cũng nên.

Ngày trước, mỗi lần về Huế là bà nội lại xem chỉ tay của anh, rồi đưa ra vài lời phán về tương lai. Anh nghe xong chỉ cười, rồi cuối buổi anh lại nắm tay lại và bảo: “Bà thấy không, dù đường chỉ tay có thể hiện cái gì thì nó cũng nằm trong lòng bàn tay của cháu. Nắm lại là thay đổi thôi.”

Thế sao anh lại không tin mọi thứ đều có sẵn vận mệnh? Vì nếu vậy thì buồn lắm, tại sao phải cố gắng làm gì nữa khi luôn chỉ có một kết quả cuối cùng?

Hoagraveng Nguyễn Sẽ buồn lắm nếu cố gắng đến mấy cũng chỉ luôn có một kết quả cuối cùng như "vận mệnh sắp đặt".

2. Nếu như mình chỉ thấy hơi thích công việc thôi, kết quả làm cũng bình thường thì mình có thực sự thuộc về công việc này không ạ?

Chỉ biết được chừng này dữ kiện thì anh không thể trả lời được câu hỏi của em.

Nhưng anh có vài ý như thế này.

Làm gì có ai sinh ra là đã thuộc về một công việc gì đó, cảm giác thuộc về hình thành qua quá trình sống và trưởng thành của người đó.

Làm gì có ai sinh ra đã làm tốt một việc gì đó, chỉ có trải qua khoảng thời gian bền bỉ học tập, thực hành, cải thiện tư duy với nhiều sự tập trung mà thôi.

Ít có thứ gì thuộc và ta mãi mãi, nhất là về công việc vẫn có những người bắt đầu sự nghiệp mới năm 40-50, nên đừng quá áp lực với cái gọi là “sự nghiệp cả đời”.

Chúc em sáng tỏ.

3. Em đang có một tình huống khó khăn là sếp em thì rất khó tính, hay nói mấy lời khó nghe lắm, nhưng đúng là có những cái em học được nhiều từ sếp. Anh có bao giờ ở trong trường hợp này chưa ạ? Anh sẽ làm thế nào?

Mấy ông sếp của anh cũng quái gở lắm em:

  • Ông thì suốt ngày bắt anh tham khảo design người khác, chê design anh bằng những lời rất tổn thương kiểu như “design em nhìn dơ dơ”...
  • Ông thì là bác sĩ tâm lý quân đội, dăm ba tuần lại lôi anh ra test tâm lý xem có vấn đề gì không, có bảo đảm công việc hay không.
  • Ông thì câu cửa miệng là “đó là vấn đề của mày, tao chỉ biết là mày không xong việc thôi”.

Hồi đó thì anh không nghĩ ngợi nhiều lắm đâu, chỉ chăm chăm vào làm thật nhiều, cái gì cũng nghe. Lời chê mà học được gì từ đó thì cũng nghe, lời khen mà có thêm ý gì đó để sửa chữa thì cũng sửa. Nhưng bây giờ thì chắc là anh đã có thể trả lời được cho em câu này.

Anh nghĩ, bản chất của mỗi quyết định mình đưa ra trong cuộc sống này đều là “sự đánh đổi”. Trước mỗi lần đưa ra lựa chọn, là đang đánh giá xem đâu là thứ mình đang cần hơn trong thời điểm này.

Như vậy, nếu ở trong trường hợp của em anh sẽ xem thử “chi phí cảm xúc” mình phải trả cho những lời khó nghe của sếp có thấp hơn “chi phí kinh nghiệm” mà mình nhận được khi làm việc chung với người đó hay không.

Tìm cách để giảm “chi phí cảm xúc” xuống cách bằng việc hiểu được đặc điểm này, học cách chọn lọc những điều nên nghe và những điều nên quên.

Và đừng quên để đưa ra những sự lựa chọn tốt hơn, hãy hiểu được thang giá trị hiện tại mình đang như thế nào, đâu sẽ là những giá trị cá nhân cốt lõi em hướng tới khi đưa ra quyết định.

4. Làm thế nào để khống chế những cảm xúc tiêu cực ạ?

Em có nghĩ, nếu một ngày chúng ta có thể học được cách khống chế cảm xúc, có thể lúc đó chúng ta không còn là con người nữa không?

Anh nghĩ, mọi thứ đều cần phải có 2 mặt để giữ cho nó ở trạng thái cân bằng. Vì thế, khi ta có thể khống chế - theo như anh đang hiểu là tìm được cách để triệt tiêu đi các cảm xúc tiêu cực, có thể sẽ khiến ta mất luôn khả năng cảm nhận những cảm xúc tích cực.

Anh cho rằng, chúng ta không cần khống chế cảm xúc, và cũng không nên nhìn nhận một cảm xúc gì đó theo định vị: tiêu cực - tích cực. Thay vì vậy, ta học cách nhận biết thứ cảm xúc đang khiến ta cảm thấy không thoải mái, và những tình huống ta thường phát sinh cảm xúc đấy.

Sau một thời gian, thứ ta có thể khống chế chính là hành vi khi đang có những cảm xúc không thoải mái này hiện diện.

Nếu đang nói chuyện với người khác mà không thoải mái? Hãy im lặng và xin phép đi vào nhà vệ sinh rửa mặt.

Nếu đang tức giận với người vừa chen hàng trước mình? Hãy hít thật sâu, nhắc nhở họ nhẹ nhàng, hoặc nghĩ rằng họ đang trong tình huống mà nhường thêm một tí cũng không sao.

Nếu đang cảm thấy buồn vì nhiều thứ không như mong đợi? Hãy tìm đến những thói quen mình dễ dàng kiểm soát, ví dụ như: rủ thằng em chơi game dở ẹc bán hành cho hắn.

Ta không cần, cũng không nên khống chế cảm xúc. Ta nên điều chỉnh hành vi phù hợp để tránh gây ra những sai lầm đáng tiếc.

Chúc em giàu cảm xúc.

5. Em muốn hỏi suy nghĩ của anh về trạng thái “khi một cái xe đang chạy mà bị xẹp lốp” (ý em là xẹp lốp không phải nổ lốp như burn-out) - một kiểu trạng thái như đang làm mọi thứ theo kế hoạch đã đặt ra nhưng không hiểu tại sao lại cảm thấy hụt hẫng, vô định. Lúc đó anh sẽ làm gì ạ?

Chà, một câu hỏi tượng hình thú vị “khi một cái xe đang chạy mà xẹp lốp”.

Anh sẽ dùng hình ảnh này để trả lời em luôn nhé, phương pháp là chia nhỏ ra từng khía cạnh và đặt các câu hỏi phù hợp.

  • Mình đang đi xe gì?

Xe đại diện cho những kỹ năng và thái độ của mình. Việc xẹp lốp đại diện cho những tình huống không mong muốn xảy ra trong cuộc sống.

Nếu đi xe đạp - kỹ năng và thái độ đơn sơ, việc xẹp lốp bắt buộc em phải dừng lại và không dễ dàng giải quyết được vấn đề.

Nếu đi xe máy - kỹ năng và thái độ bình thường, em có thể ráng chạy thêm một đoạn tìm chỗ vá, nhưng rủi ro hư vành bánh xe là khá cao.

Nếu đi xe ô tô - kỹ năng và thái độ tốt, em có đủ điều kiện để gọi hỗ trợ và ngồi thoải mái trong xe chờ mọi việc qua đi. Vậy em muốn và hướng tới xe gì khi tình huống này xảy ra?

  • Mình đang đi trên đường gì?

Đường đại diện cho cách thức, kế hoạch đề ra từ trước.

Nếu đi đường làng - kế hoạch quá an toàn, em sẽ sớm giải quyết được vấn đề của mình, nhưng vẫn chỉ luẩn quẩn trong làng của mình.

Nếu đi đường thường trong thành phố - kế hoạch có chút rủi ro, em cũng sẽ tìm được hướng giải quyết hoặc có cách thức khác thay thế như xe buýt, taxi. Đổi lại thì đó vẫn là thành phố em quen thuộc.

Nếu em đi đường cao tốc giữa các thành phố - hẳn là một kế hoạch mạo hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhưng đích đến của nó là những vùng đất mới, nhiều cơ hội mới.

  • Đích đến của hành trình này là gì?

Đến đây, sẽ là câu hỏi khó với những thứ đang làm, em muốn trải nghiệm quãng đường hay đã biết chính xác địa điểm em muốn đi xe tới?

Nếu là trải nghiệm quãng đường, hãy xem việc xẹp lốp như là một loại trải nghiệm khiến cho hành trình này của em thăng trầm, thú vị hơn. Vui vẻ đối mặt với nó, vượt qua nó, ghi nhận nó, và tiếp tục đi tới.

Nếu đã biết chính xác địa điểm em muốn tới, xẹp lốp thì sao chứ? Hãy tận dụng mọi nguồn lực sẵn có để vượt qua chút khó khăn đó, như: nhờ người khác giúp đỡ, gọi điện thoại cho người thân, hay thậm chí bỏ xe (un-learn những kỹ năng, tư duy cũ kỹ) để tiếp tục đi cho tới khi đến địa điểm cần đến.

Em cũng có thể đổi đích đến khác giữa đường, hay thậm chí khi tới đích rồi, nó lại không phải là địa điểm em thật sự muốn tới như từng nghĩ. Thì cũng có sao đâu? Còn sống, là còn đi, còn sai, còn sửa và còn đến.

Trong cuốn Điều vĩ đại đời thường của tác giả Robin Sharma, có một chương anh rất thích đó là “Chấp nhận rủi ro trong cuộc sống”.

“Niềm vui thật sự sẽ đến khi bạn chấp nhận rủi ro trong cuộc sống để nắm bắt cơ hội. Bạn sẽ khởi đầu với những kinh nghiệm thất bại, nhưng thành công cũng đồng thời viếng thăm bạn. Thất bại chỉ là một phần trong tiến trình bước vào thế giới.”

Hy vọng sự “xẹp lốp” của em qua mau và cảm ơn đã luôn dõi theo những nội dung mà anh viết.

6. Theo Hoàng, cuộc sống này có ý nghĩa gì khi chúng ta sống hết mình rồi cuối cùng ai cũng phải chết đi?

Một câu hỏi không có câu trả lời đúng, Hoàng sẽ thử trả lời bằng suy nghĩ cá nhân - người chưa chết trong cuộc sống này lần nào.

Trong sách Sapiens: Lược sử loài người của Yuval Noah Harari, tác giả cho rằng thứ khiến cho con người phát triển hơn các giống loài khác là Tư duy trừu tượng. Tư duy này giúp con người đưa ra khái niệm cho những thứ khó giải thích bởi bằng chứng xác thực hay hình ảnh liên tưởng rõ ràng. Ý nghĩa cuộc sống cũng xuất phát từ tuy duy trừu tượng như vậy.

Và bởi vì khái niệm này là trừu tượng, nên ý nghĩa cuộc sống ở mỗi người chúng ta cũng khác nhau. Theo câu hỏi của bạn, thì mình đoán bạn đang có 1 trong 2 cách nghĩ:

  • Liệu cuộc sống này có ý nghĩa không khi cuối cùng ai cũng chết?
  • Hoặc tìm ý nghĩa của cuộc sống này làm gì để rồi cuối cùng cũng chết?

Với mình, chết không phải là điểm cuối hành trình của sự sống - mà nó là một quá trình chuyển giao từ dạng sống vật chất sang một dạng sống khác (sóng điện, linh hồn, thế giới khác,...) cho nên ý nghĩa cuộc sống sẽ không vì cái chết mà bị ảnh hưởng.

Mình cũng không tin vào khái niệm “ý nghĩa vĩ đại” - chỉ một ý nghĩa bất biến cho toàn bộ cuộc sống. Bạn có thể nói “sống hạnh phúc” là một ý nghĩa vĩ đại, nhưng mà hạnh phúc lại là một sự trừu tượng khác, và thay đổi theo từng thời điểm trong cuộc sống.

Cho nên, nếu bạn có thể tìm thấy được ý nghĩa vĩ đại của riêng mình, hãy theo đuổi phát triển và chia sẻ nó với mọi người. Còn nếu bạn chưa nhìn thấy ý nghĩa đó, vậy thì tìm những ý nghĩa nhỏ hơn, ngắn hạn hơn cho mỗi thời điểm trong cuộc sống.

Như mình, ý nghĩa hiện tại là có thể duy trì được đủ điều kiện về kinh tế, sức khỏe, tinh thần để tiếp tục làm những điều mình tin tưởng và tạo giá trị tích cực.

Còn cái chết? Ý nghĩa của nó là luôn nhắc nhở chúng ta đừng lãng phí thời gian vào những điều không thể kiểm soát - như cái chết chẳng hạn.

Hoagraveng Nguyễn "Đi tìm ý nghĩa cuộc sống" cũng là một ý nghĩa của cuộc sống.

Ngoài ra, mình cũng nhận được câu hỏi:

Chia sẻ nhiều thứ như vậy thì bao nhiêu trong đó là Hoàng làm được thật?

Mình đã từng nói về điều trong trong bài viết: Đừng vội tin ngay những thứ mình viết.

Khoảng cách giữa biết một kiến thức và làm được nó là khá xa. Cũng giống như thời đi học, cùng học một lớp, một giáo viên, một chương trình dạy nhưng khi làm bài kiểm tra cũng có những điểm số khác nhau.

Và thực tế thì điểm số cũng không thể khẳng định một ai đó sẽ thành công hay thất bại.

Những thứ đang chia sẻ, nếu là về chuyên môn thì bản thân mình khá tự tin vì chúng toàn bộ đều là những gì mình đúc kết được qua nhiều năm làm việc. Mình viết xuống, vừa là để hệ thống hóa lại kiến thức, vừa là để lưu trữ vì không thể nhớ hết nổi toàn bộ.

Nếu là về tư duy hay quan điểm, nó là những thứ mình đang thực hành, áp dụng với mong muốn một vài khía cạnh của bản thân trở nên tốt hơn. Đây là một hành trình dài, liên tục chứ không phải sẽ làm được ngay ở thời điểm mình biết đến kiến thức đó.

Cuối cùng, người đọc không cần phải tin những thứ mình chia sẻ là đúng đắn duy nhất, hãy đọc như để có thêm một luồng thông tin nữa, tự chọn lọc và điều chỉnh những thông tin này để phù hợp với bạn hơn.