“Sao bây giờ nhiều thế con nhỉ?”
Đó là lời mẹ tôi bất giác nói ra, trong một cuộc gọi điện thoại mà chúng tôi hay kể về những mẩu chuyện thường ngày. Tôi giật mình khi mẹ nói thế rồi vội vàng giải thích: không phải “bê-đê nhiều hơn” như mẹ nghĩ đâu. Bầu không khí cởi mở và tự do hơn của Sài Gòn có lẽ đã giúp nhiều người dám thể hiện mình hơn.
Tôi biết khi tôi nói suông như thế, mẹ sẽ khó hình dung, vì chính tôi cũng đã từng nghĩ trong đầu câu nói kia khi mới chuyển đến thành phố này. Phải gặp gỡ, làm bạn và may mắn được họ chia sẻ, tôi mới biết LGBT+ không phải là những chữ cái khô khan, phức tạp, hay luôn phải là điều gì đó “màu mè, quá lố” như ở những gánh hát lô tô.
Ngay chính trong những buổi ăn trưa tại Vietcetera, tôi đã có những cuộc trò chuyện ngắn nhưng vừa đủ để hiểu thế giới này đa dạng đến nhường nào.
1. Không phải gay là thích mặc đầm váy
Con trai mà đeo ngọc trai, mặc đồ hoa, đeo bông tai dài, để tóc dài là không bình thường. Đàn ông mà dáng người mảnh khảnh, cử chỉ mềm mại thường là gay. Con gái mà đi đứng, ăn nói như đàn ông chắc là les.
Đây là những dòng code được lập trình trong hệ điều hành chiếc gaydar của nhiều người, trong đó từng có tôi.
Mọi thứ thay đổi cho đến khi tôi gặp Lâm, một đồng nghiệp mà người khác gọi là “chuẩn men.” Nếu không có người quen nói ra, không một ai mảy may nghĩ rằng anh là người đồng tính. Anh cũng không cố che giấu danh tính của mình, hay cố “gồng” như những lời to nhỏ xung quanh.
Lâm kể khi còn bé anh cũng từng trải qua giai đoạn tò mò về những món đầm váy hay phấn son của mẹ. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở tò mò. Anh không có thôi thúc được chuyển giới thành nữ. Anh yêu cơ thể nam tính của mình, và anh thích nam giới. Tất cả chỉ có vậy.
Trải nghiệm này tôi cũng gặp tương tự ở Khánh. Cô không thích phong cách quá yểu điệu thục nữ, nhưng vẫn để tóc dài, ăn nói nhẹ nhàng và thích nữ. Càng gặp nhiều trường hợp như vậy tôi càng tin chiếc gaydar của mình nên được cất xó.
Dù ít thường gặp hơn, nhưng Khánh cũng nói với tôi rằng trong cộng đồng còn có những trường hợp là nam chuyển giới thành nữ, nhưng vẫn thích nữ, và ngược lại. Đó là khi giới tính sinh học, bản dạng giới và xu hướng tính dục khác nhau, tách biệt hoàn toàn khỏi khuôn mẫu truyền thống.
Sự tách biệt về giới tính, bản dạng giới và xu hướng tính dục bên trong một cơ thể đã được khắc hoạ trong bộ phim Life as a Girl của đài NHK (2018).
Nếu thật sự muốn biết về ai đó, thay vì liên tục phân tích cách họ đi đứng, ăn mặc, có lẽ hỏi trực tiếp một cách lịch sự sẽ là phương án phù hợp nhất.
2. Không phải lesbian cứ mặc đồ giống nam giới là muốn được gọi bằng anh
Khi ngoại hình, cử chỉ, hành động không thể quyết định giới tính của một người, thì chính nó cũng không thể nói lên được nhu cầu định danh của một người.
Nếu bạn là người dị tính và cảm thấy không thoải mái lắm khi ai đó “chào anh” rồi liên tục “anh abc anh xyz” thay vì “chào chị,” và ngược lại, thì người đồng tính hay chuyển giới cũng vậy.
“Mình hay mặc áo thun, quần jeans kiểu boyfriend, nhưng vì vậy mà ai đó gọi mình là anh thì cũng có chút giật mình.” — Lam, 23 tuổi
“Nhiều người tự dưng gọi mình là bà luôn. Mình biết đó đôi khi chỉ là lời bộc phát vì hai người trở nên thân mật. Nhưng dù là gay thì mình vẫn là nam giới và muốn được xem là nam.
Đối với người mới gặp lần đầu, bạn có thể an toàn gọi họ bằng tên và xưng em, mình. Sau đó một thời gian có thể hỏi trực tiếp đối phương họ muốn được gọi như thế nào.” — Khôi, 30 tuổi
3. Không chỉ có người nằm trên hay nằm dưới
Khác với người dị tính, người đồng tính thường phải phân vai khi lên giường. Trong đó, top là người cho hoặc người nằm trên, dân gian gọi là công. Bottom, hay bot, là người nhận, hoặc người nằm dưới, đam mỹ gọi là thụ.
Dù không phải là người thuộc cộng đồng LGBT+ thì có lẽ bạn cũng đã khá quen thuộc với hai khái niệm này. Thế nhưng thế giới còn đa dạng hơn thế.
Ngoài trên-dưới, còn có vai trò “ở giữa,” tức là người có thể linh hoạt nằm trên hay dưới tuỳ đối tác của mình là ai. Tên tiếng Anh là versatile, gọi tắt là vers.
Và có lẽ nhiều người cũng sẽ bất ngờ khi biết rằng còn có thêm nhiều nhóm khác, như vers bot - vers top, submissive top - dominant top, hay submissive bottom - dominant bottom.
Đã phân loại thì phân loại cho tới. | Nguồn: Reddit/r/furry_irl
Cụ thể, vers bot là người linh hoạt, nhưng vẫn thích vai trò người nhận hơn. Submissive top là người cho, nhưng thích đối tác của mình dẫn dắt, chỉ cho biết phải làm gì để họ thoả mãn. Trong khi đó, dominant top lại hoàn toàn tự “làm chủ cuộc vui.”
Và biết đâu lại còn có thêm nhiều kiểu khác nữa, vì chúng ta chỉ đang cố phân loại một thế giới có hơn 7 tỷ người, mà mỗi người lại là một bản thể riêng biệt.
4. Trên hay dưới đôi khi không do tư thế trên giường quyết định
Nếu trong các mối quan hệ dị tính, tính cách và vai trò của người nam, người nữ đôi khi bị đảo ngược (bạn nữ có thể hơi nam tính và ngược lại), thì trong mối quan hệ đồng tính cũng thế.
Một người thường ngày nghiêm túc, mẫu mực, ra dáng ‘top’ bảo vệ người yêu bao nhiêu, thì có thể khi lên giường họ lại trở nên e thẹn, ngại ngùng kiểu ‘pillow princess’ bấy nhiêu.
“Thậm chí đôi khi trong một mối quan hệ, bọn em còn không phân vai gì hết. Lần nọ đưa người yêu về nhà, mẹ từng tò mò hỏi nhỏ em: Chắc trong hai đứa phải có một đứa là "nam", một đứa là "nữ" chứ hả?
Em hơi giật mình và buồn cười, nhưng cũng hiểu cho mẹ, một người đã vượt rất nhiều định kiến để chấp nhận con người thật của em và giờ đây đang từ từ tìm hiểu về cuộc sống của em.
Tình yêu đôi khi chỉ đơn giản là một phép cộng trừ. Người này thiếu cái này thì người kia bù đắp thêm. Không cần danh xưng quá cụ thể, đường ranh quá rạch ròi.” — Ly, 24 tuổi
Tình yêu đôi khi chỉ đơn giản là một phép cộng trừ.
5. Cộng đồng LGBT+ “sáng tạo, tối ngủ”
Làm việc trong ngành truyền thông giải trí, Đông cảm giác mình như cá gặp nước. Anh chưa come out với gia đình, nhưng anh được bước ra ánh sáng với rất nhiều đồng nghiệp và đối tác công việc là người thuộc cộng đồng LGBT+.
Dù cảm nhận được sự tự do đó trong ngành nghề hiện tại, nhưng anh nói với tôi rằng đôi khi anh sợ người khác đánh giá rằng LGBT+ là những người sáng tạo, duyên dáng, hài hước. Nhất là khi người ta đánh giá cả một cộng đồng chỉ vì vài ba, hay nhiều lắm là chục người có tính cách hướng ngoại tồn tại trong cuộc sống của họ.
Nó vô hình chung tạo áp lực cho những người có tính cách trầm tĩnh hơn và chưa come out trở nên e dè hơn.
“Bạn để ý thấy nhiều LGBT+ làm trong ngành giải trí, truyền thông, makeup làm đẹp? Hay bạn chỉ đang dành nhiều quan tâm hơn cho các ngành nghề này nên thấy LGBT+ ở đó nhiều hơn ở những nơi khác?
Khi chúng ta vẫn chưa biết có bao nhiêu người chưa come out, có thể nói mọi kết luận đều là vội vàng.”
Yêu là yêu thôi.
* Tên của các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.