Bác sĩ miền đất đỏ bazan

Người ta cho rằng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”? “Lót tay” là việc “khôn” để người bệnh được quan tâm hơn?… Nhưng rất đáng mừng vì trên đời này còn có rất nhiều y, bác sĩ tốt đúng như câu: “lương y như từ mẫu”.

Có phải xã hội càng hiện đại, con người càng trở nên tham lam? Tình người ngày càng trở nên lạnh nhạt? Người ta chỉ sống vì tiền? ... Ở các cơ quan công quyền khi đi làm các thủ tục giấy tờ, người ta cũng thường dùng tiền “bôi trơn” cho các cán bộ, nhân viên  để cho họ xử lý nhanh công việc... Vì thế, nhiều người nghĩ rằng tại các bệnh viện, hẳn là y, bác sĩ thích nhận tiền “lót tay”? Họ cho rằng sau khi các y, bác sĩ nhận tiền đó sẽ chăm sóc bệnh nhân tốt hơn? Người ta cho rằng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”? “Lót tay” là việc “khôn” để người bệnh được quan tâm hơn?… Nhưng rất đáng mừng vì trên đời này còn có rất nhiều y, bác sĩ tốt đúng như câu: “lương y như từ mẫu”. Bài viết của tôi chia sẻ về vị lương y, bác sĩ Trần Nguyễn Thiên Long, phó trưởng khoa CKI khoa Lão của bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai là một người bác sĩ tốt như thế.

bac-si-tran-nguyen-thien-long-ngoai-cung-phia-tay-phai-1638862308.jpg
Bác sĩ Trần Nguyễn Thiên Long (Ngoài cùng phía tay phải). Nguồn: Tác giả

Mùa hè năm 2020, mẹ tôi thường xuyên phải vào viện để điều trị căn bệnh tiểu đường tuýp 2. Sức khỏe của mẹ đôi khi đã trở nên tệ hơn: Nhiều khi bà không bưng bê nổi vì tay bị run rẩy, việc đi đứng cũng khó khăn khi chân bị phù. Và dạ dày của mẹ cũng bị ảnh hưởng, có những lúc nôn thốc nôn tháo sau khi vừa ăn. Thậm chí có thời gian nặng hơn, mẹ tôi phải dùng bỉm và tã lót, dùng nạng để đi đứng, luôn cần người nâng đỡ khi ngồi hay đứng dậy và việc tắm rửa cũng phải phụ thuộc vào người khác…

Khi mẹ tôi lần đầu nhập viện, theo “trào lưu”, dù tôi biết việc tôi làm là không nên nhưng những người hàng xóm khuyên tôi nên “lót tay” cho y, bác sĩ để tránh “nguy cơ” mẹ tôi bị “bỏ lơ” tại bệnh viện, nên tôi vừa đi tìm gặp bác sĩ điều trị của mẹ tôi để hỏi về tình trạng bệnh của mẹ vừa để thực hiện ý định “lót tay” với hi vọng mẹ tôi được chăm sóc và điều trị tốt hơn… Rồi chính cơ duyên ấy, tôi gặp bác sĩ Trần Nguyễn Thiên Long.  Lần đầu tôi gặp bác sĩ Long là vào tháng 7 năm 2020, lúc mẹ tôi mới nhập viện, anh tiếp tôi tại phòng hành chính, nơi có rất nhiều đồng nghiệp của anh. Hôm ấy, tôi đã hỏi anh rất nhiều về tình trạng sức khỏe của mẹ, cả những câu hỏi đặc biệt như: Nếu tôi muốn hiến thận cho mẹ thì mẹ tôi có thể nhận được không - với tình trạng sức khỏe đó vì tôi mong mẹ đi tiểu dễ dàng! Nếu giả sử mẹ tôi là mẹ anh ấy thì anh ấy có để bệnh viện nào đó cắt bỏ quả thận teo của mẹ không? Việc cắt bỏ có cần thiết không? v.v. Tôi đưa ra hàng loạt câu hỏi đến mức cuộc trò chuyện giữa anh và tôi kéo dài tầm 30 phút, vậy mà anh Long đều trả lời tất cả câu hỏi đó với một thái độ từ tốn, nhẹ nhàng. Đến tầm 11 giờ trưa, khi đã đến giờ nghỉ, các đồng nghiệp của anh đều rời khỏi phòng hành chính, tôi rút nhanh phong bì định bỏ vào túi áo blouse trắng của anh thì anh từ chối ngay lập tức và nói từ khi vào nghề, anh không nhận “lót tay” bao giờ… Và kể từ đó, tôi không còn ý định “lót tay” cho bất cứ y, bác sĩ nào nữa khi đưa mẹ đi nhập viện.

bac-si-tran-nguyen-thien-long-cung-cac-dong-nghiep-1638862336.jpg

 Bác sĩ Trần Nguyễn Thiên Long cùng các đồng nghiệp. Nguồn: Tác giả

Bác sĩ Long luôn nhiệt tình và tốt bụng trong việc tư vấn, chăm sóc và điều trị tất cả các bệnh nhân, trong đó có mẹ tôi. Bao lần mẹ tôi nhập viện sau đó, dù có cả những lần anh không phải là bác sĩ điều trị của mẹ tôi nữa, nhưng vì tôi không biết và khi tôi đến thăm mẹ, cứ nghĩ anh là bác sĩ điều trị của mẹ nên tôi lại đi tìm và hỏi anh không ít câu hỏi về bệnh tình và cách điều trị cho mẹ. Dù không phải là người điều trị trực tiếp nhưng anh vẫn luôn trả lời rất ân cần. Nhờ y đức và tấm lòng của bác sĩ Long và những đồng nghiệp của anh đã khiến gia đình tôi đồng lòng, không chuyển tuyến và nhất trí với những gì BS Long tư vấn: các bước điều trị, tiểu phẫu, phẫu thuật... Và để bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai chữa trị cho mẹ tôi.

Tháng 11 năm 2020, sau khi mẹ tôi được tiểu phẫu thông tiểu, một thời gian ngắn sau đó, bác sĩ Long chỉ định mẹ tôi chụp MRI rồi mổ nội soi sỏi niệu quản. Lúc ấy, tôi lo lắm vì muốn chụp MRI thì phải tiêm thuốc cản quang vào người mẹ tôi nhưng mẹ bị tiểu đường biến chứng nên tôi rất sợ... Với lại thời gian ấy, mẹ cũng không ăn uống được nhiều, tôi sợ mẹ thiếu sức, tôi còn sợ khi nghĩ đến có những người trẻ còn sốc thuốc huống chi mẹ bệnh lại lớn tuổi mà phải tiêm thuốc cản quang... Nhưng may thay, mọi việc đều thành công, ca mổ nội soi của mẹ bình an vô sự. Thật vui khi mẹ vẫn tham dự được đám cưới của em trai tôi vào gần cuối tháng 11 năm 2020. Sau đó, từ đầu tháng 1 năm 2021, mẹ tôi được tháo ống thông tiểu hoàn toàn và ngày càng khỏe hơn, dần dần, mẹ tôi tự lập như một người khỏe mạnh bình thường.  Nhìn mẹ tôi ở hiện tại bây giờ, sẽ không ai nghĩ bà đã từng bị biến chứng tiểu đường tuýp 2 và đã từng phải phụ thuộc người khác và các thiết bị hỗ trợ...

Cảm ơn bác sĩ Long và các y, bác sĩ tại khoa Lão của bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai và tôi cũng cảm ơn trời Phật, tổ tiên đã đem đến những phép màu và niềm vui, lòng tin về những điều tốt đẹp, một thế giới diệu kỳ, đầy hy vọng, đầy lạc quan! Tôi tin cuộc đời này còn có vô vàn những điều tốt, người tốt đang hiện hữu quanh mình.

Khoảnh Khắc Đáng Sống là Cuộc thi thường niên do Sống Khỏe Plus – SongKhoePlus.vn tổ chức nhằm lan tỏa, tiếp sức và tôn vinh những hy sinh thầm lặng, những điều bình dị mà cao quý trong cộng đồng.

Năm 2021, Cuộc thi được diễn ra trong điều kiện cả nước đang căng mình chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Thiết nghĩ, đây cũng là khoảnh khắc quý báu để mỗi người có thời gian soi rọi, chiêm nghiệm lại bản thân về những con người tri âm của mình đã qua.

Mọi thông tin chi tiết về cuộc thi mời xem chi tiết TẠI ĐÂY

Trần Thị Thủy (Gia Lai)

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/bac-si-mien-dat-do-bazan-a5125.html