Đã nhiều lần tôi đặt bút xuống định viết về Mai, đứa em gái luôn xem những người bên cạnh mình là điều quan trọng hơn cả. Nhưng khi đặt bút viết tôi lại nghĩ không biết phải viết về em như thế nào, viết về gia cảnh, về nghị lực và những việc em làm có đủ sức để lan tỏa đến cộng đồng hay không? Sau bao lần đắn đo, tôi quyết định phải viết về đứa em gái của mình. Viết về em tôi sẽ bắt đầu từ đâu? Từ những bất hạnh khổ ải của đứa trẻ mồ côi cha sớm phải bươn chải vào đời hay từ cái đêm mưa gió dượng bỏ đi lúc mẹ tôi bụng mang dạ chửa. Khi ấy tôi còn phải thi hành án hai năm vì tội trộm cắp tài sản. Không thể đau với nỗi đau của mẹ. Không được khóc cùng đứa em gái tội nghiệp. Sưng cả đôi mắt mà họ hàng nào có ai mảy may thương xót. Biết làm sao được khi người đàn bà góa bụa năm nào đã bỏ ngoài tai mọi lời khuyên ngăn mà bước đi cùng một người đàn ông trẻ đẹp. Sau nhiều năm ròng bặt vô âm tín giờ vác ba lô bụng trở về quê hương. Không biết xấu hổ đã đành còn khóc lóc mà kể lể điều chi.
Cuộc sống vốn dĩ đã không màu hồng giờ lại chất chồng nghiệt ngã. Nhưng đôi lúc nó sẽ lại thay đổi nhờ vào một khoảnh khắc. Với Mai đó là khoảnh khắc chỉ vì không có tiền mẹ phải dứt ruột bồng em trao tay người khác. Chỉ vì thấp cổ bé họng mà cam chịu tủi hổ đắng cay cùng những lời dèm pha ác ý: "Cái loại không chồng mà chửa, cái hạng tới con mình còn đem bán, cái thứ đó sống làm gì...". Khoảnh khắc đó đã tác động tích cực tới tư duy non nớt của một đứa trẻ: “Người ta nghĩ mẹ mình không đáng sống thì mình càng phải sống cho đáng vì mẹ...”. Với suy nghĩ ấy, mười năm qua em đã hi sinh vì gia đình để ngày hôm nay mấy mẹ con đàng hoàng đứng trên nghịch cảnh.
Đó cũng là mong ước của tôi suốt một thời trai trẻ. Bởi cái nghèo luôn làm con người ta cảm thấy thua thiệt. Ba tôi mất sớm bỏ lại mẹ và sáu anh chị em tôi với bao nhiêu nỗi nhọc nhằn. Anh hai chị ba lần lượt rời bỏ mẹ đi xây tổ ấm. Chẳng còn quan tâm đoái hoài gì đến tụi tôi. Mỗi năm muốn giữ anh chị ở lại đến sáng mùng hai Tết còn không được nữa là huống chi. Bản thân tôi chọn vào đời thay vì theo học bởi những khuôn khổ lễ giáo làm tôi chán chường. Tôi mơ tưởng về một vùng đất tự do mà thỏa mãn ước mơ của mình. Tôi quyết đi để kiếm thật nhiều tiền. Để không ai được khinh thường mẹ như đã từng khinh thường cha, để chứng minh rằng học chỉ thành người chứ không thể thành người giàu được. Và rồi sai lầm nối tiếp sai lầm, tham vọng quá lớn khiến tôi đánh mất chính. Và rồi hối hận cứ thế chất chồng theo năm tháng. Nửa cuộc đời bất chấp kiếm thật nhiều tiền cho tới khi bất giác vì câu hỏi của Mai: "Tiền nhiều để làm gì vậy anh?"
Bởi lẽ con người không đơn thuần lớn lên chỉ bằng cơm bánh. Có những thứ chẳng thể mua hay được quay lại bằng tiền. Song hiện tại phụ giúp gì được gia đình là tôi luôn sẵn lòng để phần nào thấy lương tâm mình nhẹ nhõm, dẫu biết tội bất hiếu này chẳng cách chi toàn xá.
Ai nói rằng sẽ ở vậy nuôi dạy sáu anh em tôi thành người. Ai đã hứa với cha một lòng báo hiếu mẹ, lo cho Mai, Mỹ ăn học tới nơi tới chốn. Đêm ba đi mưa gió dữ dội lắm. Thảo nào lời chưa dứt đã vỡ vụn, trôi theo dòng nước máng.
Để rồi năm nào giỗ cha Mai cũng tíu tít điện cho anh, cho chị mà người thì công lên việc xuống, người than vãn đường xá xa xôi, tiền nong chẳng có. Hơn ai hết Mai hiểu vì sao ngày đó mẹ không giữ được lời hứa lúc cha lìa trần.
Hiện tại hoàn cảnh gia đình đã ổn định song em vẫn không có ý học nghề hay tính chuyện chồng con. Mỗi lần anh chị nhắc tới Mai chỉ cười mà đáp: "Em bán vé số nhỏ giờ chứ có biết chi đâu mà nghề với nghiệp. Chừng khi nào kiếm được ai như cha hẵng hay".
Chỉ là muốn em hiểu tim người vốn hẹp nên chẳng thể nào bao dung quá nhiều thứ chứ chưa hề tôi xem thường công việc của em.
Bởi đó là cái cớ mưu sinh, vì miếng cơm manh áo, lo thuốc thang cho người mẹ già mang trong mình đủ thứ bệnh. Là sách giáo khoa, quần áo mới cho Mỹ sắp vào lớp mười. Dù Mỹ ngoan ngoãn, đứng đầu lớp nhiều năm liền song thi thoảng tôi vẫn nhắc nhớ em điều này. Cuộc đời này sẽ luôn có những điều đáng để em quên nhưng nhất định em không được quên người chị đã đánh đổi cả thanh xuân để giành lại cho em những gì tốt đẹp nhất bằng nỗ lực chân chính, bằng quá khứ bi thương mà không bi lụy, bằng mồ hôi công sức không đi kèm vận may hay sự ban phát của người đời.
Mơ ước đời cha dang dở đã được em gái tôi viết tiếp. Một mái ấm đủ để mấy mẹ con che nắng che mưa, gối đầu thủ thỉ. Ngoài cha ra thì trong nhà chẳng thiếu thứ chi. Nơi chín suối cha có thể mỉm cười rồi.
Để có thể đứng lên từ vũng lầy của số phận chẳng thể đếm nổi bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu vất vả; chẳng biết em đã rong ruổi qua bao nhiêu cung đường và sức lực ở đâu bên trong hình hài hài nhỏ bé ấy. Chẳng buột miệng mà than thở nửa câu, cũng chẳng mưu cầu dẫu đó chỉ là một bữa ăn tròn bụng. Chưa bao giờ em thấy những gì mình làm là đủ. Và rồi hổ thẹn cứ lớn lên trong tâm khảm những người đi trước.
Cuộc sống này vốn dĩ đã chẳng để em được nhàn hạ điều chi. Năm nay dịch bệnh hoành hành. Đồng Nai giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 nên em không đi bán được. Dù nhu yếu phẩm nhà nước cung cấp đều đặn song cuộc sống vẫn còn đó bao điều phải lo âu. Mỗi lần nghe anh hay chị gọi điện kể về những khó khăn mùa dịch là Mai lại trăn trở. Có lần anh Khánh túng quá hỏi mượn tiền mẹ đóng ngân hàng. Tuy chẳng hi vọng nhiều song hôm sau mấy triệu bạc được chuyển vào thẻ. Cả tháng nay tôi gọi điện cho Mai mà thuê bao không liên lạc được. Tôi biết cái điện thoại của em ở đâu và lý do tại sao em gái tôi làm như vậy. Từ trước tới nay chưa bao giờ em sống vì mình phải không Mai?
Và hôm nay tôi gửi đi bài viết này khi cảm xúc về em vẫn còn nguyên vẹn. "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy" và em là một người nữa mà tôi hàm ơn. Một điều dù đã cũ nhưng tôi muốn chia sẻ lại với mọi người qua hình ảnh đứa em gái tội nghiệp: "Điều quan trọng nhất có lẽ là những người đang kề cạnh".
Khoảnh Khắc Đáng Sống là Cuộc thi thường niên do Sống Khỏe Plus – SongKhoePlus.vn tổ chức nhằm lan tỏa, tiếp sức và tôn vinh những hy sinh thầm lặng, những điều bình dị mà cao quý trong cộng đồng.
Năm 2021, Cuộc thi được diễn ra trong điều kiện cả nước đang căng mình chống chọi với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Thiết nghĩ, đây cũng là khoảnh khắc quý báu để mỗi người có thời gian soi rọi, chiêm nghiệm lại bản thân về những con người tri âm của mình đã qua.
Mọi thông tin chi tiết về cuộc thi mời xem chi tiết TẠI ĐÂY
Trần Văn Tiến (Bình Dương)
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/toi-da-co-mot-nguoi-em-nhu-the-a4906.html