Giai thuong quang cao sang tao viet nam 2023

'Du lịch xanh': Xu hướng bền vững hay trào lưu nhất thời của giới trẻ?

Xu hướng "du lịch xanh" đã thực sự phủ sắc màu của mình lên ngành du lịch chưa, hay đây chỉ là hành động trượng nghĩa nhất thời của giới trẻ?

Đối với giới trẻ những năm gần đây, cụm từ "sống xanh", "du lịch xanh" có lẽ không còn xa lạ nữa. Thật ra, khái niệm du lịch xanh đã được nhắc đến từ năm 1980 nhưng mãi đến gần đây mới trở thành xu hướng du lịch được cộng đồng du lịch chú ý. Ngày càng nhiều bạn trẻ biết đến, cũng như hưởng ứng xu hướng này hơn. Bạn có thắc mắc vì sao, phải mất đến gần 40 năm thì những khái niệm về lối sống tích cực và phương thức du lịch có ý nghĩa này mới thật sự nổi bật không? Và liệu rằng chúng ta đang thực sự muốn sống xanh, du lịch xanh hay chỉ đang chạy theo phong trào?

Vậy, du lịch xanh là gì?

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có tính giáo dục môi trường, góp phần bảo tồn và phát triển du lịch bền vững. Nói một cách dễ hiểu, du lịch xanh là phương thức du lịch mà trong đó bạn phải hạn chế tối đa những tác động có hại đến môi trường, văn hóa của nơi mà bạn đặt chân đến; đồng thời gìn giữ, bảo vệ để phát huy tiềm lực du lịch tương lai. Vì vậy, du lịch xanh là "chìa khóa" để phát triển du lịch bền vững. Có thể chúng ta hô hào rằng cộng đồng nên du lịch xanh, nên sống xanh từ bây giờ... nhưng liệu trong tất cả chúng ta, đặc biệt là những thành viên trẻ của cộng đồng đam mê xê dịch - những người có tiếng nói, có sức lan truyền thông điệp, liệu đã thực sự tường tận định nghĩa, bản chất của khái niệm du lịch xanh vừa rồi; cũng như nắm rõ cách thực hiện và hành động nào là cần thiết để chuyến du lịch thật sự được như tên gọi của nó chưa?

Quote 1

Về mức độ "xanh" của du lịch xanh tính tới hiện tại

Mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường được bắt đầu từ khi chúng ta sinh ra đời. Chúng ta sống trong môi trường này, nhưng trước đây con người thường ít dành thời gian nghĩ và quan tâm về nó. Mãi cho đến khi hiện tượng biến đổi khí hậu, thay đổi thời tiết diễn ra ngày một rõ nét và nghiêm trọng, ảnh hưởng và đe dọa trực tiếp lên sự sống của chính con người, chúng ta mới thật sự nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Xu hướng sống xanh, du lịch xanh cũng chỉ vừa được quan tâm và ủng hộ hơn trong thời gian hai năm trở lại, khi khẩu hiệu hạn chế rác thải nhựa được phát động. Nhưng dường như đây cũng chỉ là "khẩu hiệu" - những lời nói suông mà chúng ta truyền cho nhau chứ sư thật sự là hành động thiết thực và lâu bền.

Những bước đầu khả quan

Câu chuyện về rác thải nhựa gây ảnh hưởng xấu và hủy hoại môi trường bị huỷ vốn chẳng còn là câu chuyện mới. Tuy nhiên, đến khi những bức hình gây ám ảnh về chiếc ống hút nhựa kẹt trong cổ những sinh vật biển, chiếc túi nilon trùm kín đầu một chú rùa được tiết lộ thì thông điệp bảo vệ môi trường (trong đó đề cao việc hạn chế rác thải nhựa) mới bắt đầu nóng lên. Kể từ đó, trên các nền tảng mạng xã hội mới dần lan truyền nhiều hơn những hình ảnh, thông điệp ý nghĩa về sống xanh và bảo vệ môi trường. Trong đó, tiêu biểu có thử thách #nostrawchallenge - nói không với ống hút nhựa và #zerowastechallenge - không rác thải được lan tỏa mạnh mẽ.

Cụ thể hơn về những hành động nghĩa hiệp của xu thế du lịch xanh, chúng ta có #Trashtag và #‎ChallengeForChange - những thử thách dọn rác, làm sạch môi trường và địa điểm du lịch, đem lại những kết quả đáng kinh ngạc. Cụ thể vào ngày 5/3/2019, tài khoản Facebook của Byron Román đã khởi động phong trào thách thức dọn rác, tôn tạo lại cảnh quan ở nơi sinh sống hoặc nơi mà anh ấy du lịch. Trong chiến dịch này, Byron Román chủ động làm sạch rác thải những chốn anh đi qua rồi chụp lại bức ảnh “before/after”, sau đó đăng tải lên trang cá nhân của mình nhằm thách thức bạn bè cùng nối tiếp việc làm ý nghĩa này. Bức ảnh Byron Román cùng dòng hashtag #ChallengeForChange (thách thức để thay đổi) đã trở thành làn sóng tích cực trên nhiều diễn đàn, đặc biệt là mạng xã hội Facebook với 87 nghìn like và 290 nghìn lượt chia sẻ.

Quote 2

Không thể phủ nhận sức lan tỏa của hành động trên khi xét riêng tại Việt Nam, nhiều bạn trẻ cũng đã tiên phong thực hiện những buổi dọn sạch tại những địa điểm du lịch nổi tiếng, như bán đảo Sơn Trà, đảo Lý Sơn, Đà Lạt, Nha Trang và nhiều quận ở Hà Nội, TP.HCM. Con đường lên đồi thông, hay chợ Đà Lạt thôi không còn rác, cả những bờ biển đẹp cũng không còn lềnh bềnh những túi nhựa, vỏ chai nữa. Nhìn chung, những thử thách, phong trào làm xanh - sạch - đẹp môi trường nay bước đầu khởi động được chia sẻ, ủng hộ với vô vàn những lượt "thích". Nhưng dần dà, những hình ảnh đẹp, nội dung đẹp của phong trào này lại khiến người ta nghi hoặc về tính chân thực, cũng như là hiệu quả của nó khi tình trạng "rác che mặt cỏ, nhựa kín bờ cát" vẫn nhan nhản tại các điểm du lịch.

Sống xanh/du lịch xanh có đang "chết yểu" tại nước ta?

Đầu năm 2019, nhiều bạn trẻ bắt đầu "kết thân" với những chiếc ống hút tre, ống hút inox thay cho ống hút nhựa khi các thương hiệu đồ uống nổi tiếng như Starbucks, Highlands... dần đưa ra những chương trình khuyến mãi như mang theo ly cá nhân thay vì sử dụng ly nhựa một lần, khi mua đồ uống sẽ được miễn phí upsize nếu bạn tự mang bình cá nhân đến - nhằm giảm số lượng nhựa thải ra môi trường. Thế nhưng, phong trào này cũng chỉ kéo dài được gần hơn nửa năm. Các bạn trẻ dần quay lại với ống hút nhựa quen thuộc và "lười biếng" khi phải mang theo ống hút inox, bình cá nhân mỗi khi mua đồ uống. Có phải chăng, bộ phận này chỉ coi sống xanh là một trào lưu làm đẹp instagram nên họ nghĩ rằng, chỉ cần cắm ống hút tre vào một chiếc cốc nhựa dùng một lần là đã đủ “sống xanh” rồi?

Quote 3 (2)

Đáng buồn là sau những bức ảnh, những lượt thích, những bình luận kêu gọi hưởng ứng phong trào vì môi trường là một bộ phận giới trẻ chưa thật sự nhận ra, hiểu rõ bản chất và lợi ích lâu dài của sống xanh và du lịch xanh mang lại. Họ đơn giản chỉ là không muốn mình lạc hậu với những trào lưu mới mẻ, "có vẻ lớn lao" chứ chưa thật sự quan tâm và mong muốn cải thiện môi trường. Vậy nên trào lưu "nóng, sốt" này sau khi rầm rộ một thời gian rồi lại đâu vào đó khi Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang, các khu du lịch ngập tràn rác sau mùa lễ vẫn lặp lại. Chúng ta không thể đổ vấy lên du khách nước ngoài, du khách lớn tuổi hay những đối tượng du khách khác chưa được tiếp xúc với tư tưởng du lịch xanh, khi một trong số chúng ta - những người trẻ và khẳng định mình yêu du lịch, đã một lần (hoặc hơn) ủng hộ trào lưu này? Vậy, chúng ta đã ủng hộ tới đâu rồi, khi dường như đây vẫn là "khẩu hiệu" - những lời nói suông mà chúng ta truyền cho nhau, chứ chưa thật sự là hành động thiết thực, lâu bền.

Theo bạn Dương Tài Trung (sinh viên Đại học Y dược) vừa trở về từ Chiến dịch Dọn rác biển cải tạo cảnh quan bãi biển của ngư dân Mũi Né đầu tháng 7: "Tới nơi, mình nhìn rác mà... hoảng. Đáng nói là rác này lại từ homestay gần đó xả xuống." Điều này cho thấy rằng, những trào lưu trên mạng xã hội một thời ấy vẫn chưa thật sự chạm đến đích cuối cùng - một ý thức dài lâu về lối sống và du lịch xanh.

Chúng ta cần làm gì để du lịch xanh là một "nếp du lịch", chứ không chỉ là xu thế nhất thời?

Những trào lưu (trend) thường được xem là một thú vui xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn và dễ dàng trôi vào quên lãng sau vài tháng, vài tuần. Tuy nhiên, những trào lưu mang ý nghĩa, giá trị với đời sống như du lịch xanh xứng đáng được nuôi dưỡng và phát triển, duy trì. Kỳ thực, bộ phận cố bắt kịp xu hướng, cố "bắt trend" cho bằng bạn bằng bè không hẳn là xấu. Dù đơn thuần chỉ "bám trend" cho vui chăng nữa, chí ít hành động lan tỏa trào lưu để nhiều người biết đến hơn cũng có thể được xem là vô tình đóng góp cho sức lan tỏa của du lịch xanh. Nhưng, sẽ ý nghĩa hơn nhiều khi chúng ta thực sự bắt tay vào thực hiện lối sống xanh như một phần tất yếu. Hãy đưa nó trở thành lối sống và lan truyền lối sống tích cực này cho người khác. Chúng ta - giới trẻ hiện đại, có mạng xã hội với sức lan truyền thông tin khủng khiếp; có Google với tất cả những thông tin, kiến thức cần và đủ cho bạn bắt đầu những chuyến du lịch xanh đúng nghĩa, thì không lý gì lại tự biện bạch rằng chúng ta không có đủ hành trang hay sức mạnh truyền thông để chung tay nuôi sống "du lịch xanh" cả.

Quote 4 (1)

Hãy thực hiện một cách nghiêm túc, biến sự "xanh" này thành lối sống hằng ngày và cả trong du lịch nữa. Đừng chỉ hô hào bằng những lời nói suông mà hãy dành chút ít thời gian tìm hiểu và bạn sẽ thấy được lợi ích của việc sống xanh, du lịch xanh trước hết là có lợi cho chính bản thân bạn - vì môi trường sống luôn ảnh hưởng trực tiếp và có quan hệ mật thiết với mỗi chúng ta. Đây không chỉ là việc làm vì lợi ích cộng đồng cao cả mà bạn vẫn hay nghĩ, mà là hành động thiết thực để bạn "cứu" lấy tương lai của chính mình. Liệu rằng, chúng ta có thể tồn tại khi mà Trái Đất đang thực sự “nóng giận” và môi trường sống thì ngày một xuống cấp - bạn biết câu trả lời mà, đúng không?

Sau đại dịch Covid-19, nền du lịch toàn cần cũng đã chịu nhiều bị tổn thương. Để chung một phần sức nhỏ vào công cuộc phục hồi ngành công nghiệp không khói này, nếu các phương tiện truyền thông là lớp tiên phong, bung tỏa cảm hứng du lịch đến muôn nơi thì du lịch xanh là sức bật hậu phương, nhằm nuôi nấng những gì thuộc về du lịch luôn "thực sự khỏe" - khỏe từ trong ra ngoài. Có như thế thì trong ngày khởi sắc trở lại, nền du lịch mới có thể luôn vững bền, mạnh mẽ vượt qua biến cố trên chặng đường dài về sau.

  •