Những ngày qua, “ATM gạo” (“máy phát gạo”) là cụm từ được xuất hiện dày trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đây là cách làm sáng tạo và nhân văn trong thời điểm Việt Nam đang thực hiện “giãn cách xã hội” vì dịch Covid-19, hàng triệu người lao động tạm thời thất nghiệp.
...Rồi từ khi có máy phát gạo tự động ra đời, những người nghèo, người thất nghiệp vẫn được đảm bảo đủ lương thực bất chấp chật vật về kinh tế mà bản thân mỗi người đang gặp phải.
Không để bà con khó khăn bị bỏ lại phía sau…
“Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác” – Một lời nhắc nhẹ cho những ai đến nhận gạo như thể nghĩa cử “nhường cơm sẻ áo” của những tấm lòng nhắn gửi.
Anh Tống Công Thắng, một nhà hảo tâm, vừa đưa tay chỉ dòng chữ trên tấm bảng “ATM gạo tự động cho người nghèo” vừa vui mừng nói: “Tự nhiên làm được cái này (góp gạo) cho bà con nghèo lòng phấn chấn hẳn lên. Hơn cả cảm giác mình lập được một “chiến tích” lẫy lừng nào đó. Nhìn người nghèo hồ hởi đến từ sớm xếp hàng nhận gạo mà hạnh phúc. Mong đó sẽ phần nào đó động viên, khích lệ, không để họ bị bỏ lại phía sau…”
Người dân vui mừng khi trên địa bàn xã có một "ATM gạo từ thiện".
Với địa bàn rộng lớn, phần lớn là dân nhập cư, sống chủ yếu bằng nghề lao động chân tay, nên dịch Covid-19, xã Vĩnh Lộc B là địa phương của Thành phố chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề. Nên chính sách an sinh xã hội luôn được các cấp từ thôn, xóm đến xã quan tâm hơn bao giờ hết.
Từ tinh thần “Không để bà còn khó khăn bị bỏ lại phía sau…” trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kéo theo bao hệ luỵ, chính quyền xã Vĩnh Lộc B luôn trăn trở tìm cách “gỡ khó” cho bà con. Một trong những hướng đi là học tập mô hình “ATM gạo” từ thiện của anh anh Hoàng Tuấn Anh vừa đưa vào hoạt động tại quận Tân Phú (TP.HCM) được lòng người nghèo.
Theo ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, từ định hướng của xã và sự kết nối của nhiều cá nhân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã, xã đã bàn bạc, lên kế hoạch đặt trước UBND xã máy phát gạo tự động hỗ trợ cho bà con nghèo trên địa bàn xã trong mùa dịch. Máy phát gạo này được sự đồng hành hỗ trợ của anh Hoàng Tuấn Anh và các nhà hảo tâm. Từ khi lên ý tưởng, kết nối đến khi chính thức đưa vào vận hành chỉ vọn vẹn cho 5 ngày.
Những "túi gạo nghĩa tình" đã phần nào sẻ chia sự khó khăn trong mùa dịch này với người dân nghèo
Cũng theo bà Bích Trâm, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, xã cũng đã cố gắng vận động các đơn vị, cơ quan đóng trên địa bàn cùng đồng hành với xã để giúp đỡ người dân. Nay "ATM gạo" đưa vào hoạt động đã giúp đỡ người dân khó khăn rất nhiều cho người nghèo, khó khăn. Dự kiến mỗi ngày xã sẽ phát khoảng 3 tấn gạo cho người dân. Tiêu chí của xã là không để bà con khó khăn bị bỏ lại phía sau.
Tính đến sáng 14/4, xã Vĩnh Lộc đã tiếp nhận được khoảng 70 tấn gạo từ nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp gửi về để cung ứng gạo cho bà con nghèo trong mùa dịch này. Xã cũng luôn đón nhận những tấm lòng đóng góp của các nhà hảo tâm gần xa.
Niêm yết Danh sách ủng hộ máy phát gạo tự động xã Vĩnh Lộc B
Lan toả, kết nối vì cộng đồng
Mô hình máy phát gạo tự động đã thực sự có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Nhiều tấm lòng từ mọi miền đất nước đã đồng hành, sẻ chia “cuộc sống” của mình đến những người kém may mắn hơn.
Với xã Vĩnh Lộc B, sức ảnh hưởng lớn của hành động đẹp này là sự đồng tâm, đồng lòng đầy khẩn trương, tâm huyết của chính quyền xã, nhà hảo tâm. Chỉ vỏn vẹn 5 ngày, từ suy nghĩ đến hành động, sáng ngày 13/4, máy phát gạo tự động đầu tiên vùng ngoại ô TP.HCM đã được vận hành trước niềm hân hoan, hóng chờ, vui mừng khôn xiết của chính quyền, nhà hảo tâm và người dân xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh).
Tuy là máy phát gạo tự động và được đặt trước UBND xã, gồm 3 cửa xả gạo để phục vụ người dân; nhưng khi người dân đến nhận gạo được lực lượng đoàn thanh niên và dân quân tự vệ hướng dẫn cách xếp hàng cách 2 mét nhận gạo, không bỏ sót. Mỗi người khi đến đây chỉ cần nhấn nút là sẽ nhận được khoảng 1,5kg gạo đem về.Ngoài ra, điểm phát cũng bố trí sẵn nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang và bao ni lông đựng gạo.
Máy phát gạo tự động xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) vừa được đưa vào hoạt động vài giờ, thì tại Quận 12 cũng gấp rút hoàn thành và nhiều mô hình thiện nguyện khác “nở hoa” để giúp đỡ người khó khăn vì dịch Covid-19.
Từ quận Tân Phú, huyện Bình Chánh, các địa phương khác trong Thành phố cũng đang nung nấu mô hình cao đẹp này, xem với các hoạt động nghĩa tình khác như trợ cấp tiền, tặng quà, suất cơm, quần áo, nhu yếu phẩm thiết yếu khác đang được dư luận ủng hộ.
Sau TP.HCM, hàng chục điểm phát gạo miễn phí cho người nghèo được mở ở Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Bình Thuận, Đắk Lắk, Cà Mau..., tiếp nối tấm lòng đùm bọc nhau, sẻ chia trong gian khó của người Việt Nam.
Xã Vĩnh Lộc B vận động người dân hiến đất mở rộng đường
Sau khi UBMTTQ Việt Nam TP.HCM phát động cuộc vận động người dân hiến đất mở đường, xã Vĩnh Lộc B đã tiến hành rà soát các tuyến đường trong khu dân cư cũng như các tuyến đường hẻm có chiều rộng hẹp, đã xuống cấp trên địa bàn xã.
Khi có được danh sách, chính quyền xã phối hợp cùng với trưởng ấp và các đoàn thể cơ sở mời người dân lên để họp vận động người dân hiến đất, đóng góp thêm kinh phí để mở rộng đường nhằm mang lại một "bộ mặt mới" cho các tuyến đường, con hẻm.
Con hẻm có chiều rộng lên tới 5 mét được tráng nhựa khang trang ở tổ 2, ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh được người dân xung quanh hiến hàng ngàn mét vuông đất để nâng cấp mở rộng và đóng góp hàng trăm triệu đồng để tráng nhựa lại mặt đường.
Một số hộ dân như ông Tống Công Thắng đồng ý hiến hơn 700m2 đất, ông Nguyễn Tố Hữu hiến 1.028m2 đất, ông Trần Văn Bé hiến hơn 400m2 đất để làm đường nối dài tổ 1-2 ra đường Võ Văn Vân.
Lê Nhật Nam
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/chuyen-chua-biet-ve-may-phat-gao-tu-dong-nghia-tinh-tai-xa-vinh-loc-b-a962.html