Thế giới hoài niệm trong thơ Ngọc Tình ở bài thơ Về làng là thế giới của tình yêu quê hương da diết. Tình yêu và sự gắn bó với Làng trở thành thứ tình cảm thiêng liêng mà nhà thơ mang theo trong suốt hành trình của đời mình. Rời Hà Nam - quê mẹ ngót nghét đã gần nửa thế kỉ nhưng bao nhiêu ký ức về làng vẫn vẹn nguyên. Để rồi có dịp trở về, việc đầu tiên là chị đi chân đất ra đồng. Nhà thơ tìm về cánh đồng, đi bằng chân đất như là sự tái sinh về tinh thần trong một không gian đầy ấm áp của sự che chở, bao dung. Hình ảnh bình dị “đi chân không”/ chân đất nhưng lại gợi ra biết bao suy ngẫm và sự liên tưởng của bạn đọc về việc này. Có lẽ tuổi thơ khổ nghèo, cánh đồng là bạn, là nơi gửi gắm bao nỗi niềm trăn trở suy tư. Cánh đồng không chỉ là không gian đầy ắp kỷ niệm của trẻ thơ mà còn là nơi để bao nhiêu lớp người ở làng gắn bó, đồng hành cùng nó. Cánh đồng hàm chứa những giá trị tinh thần sâu sắc, khiến cho mỗi người phải trân trọng, nâng niu. Vì thế, nhà thơ trở về làng, việc đầu tiên là vội chạy ra đồng bằng chân đất, giẫm cỏ dưới chân và cảm nhận được sự hạnh phúc ngập tràn.
Làng cũ ơi!
Tôi lại về làng
Đi ra đồng bằng đôi chân không
Cỏ dưới chân
Hạnh phúc
Tiếng gọi làng cất lên nghe da diết, đó là tiếng gọi từ trong thẳm sâu con tim của những người xa quê hương bản quán. Cùng với đó là nỗi “sợ” làng không còn làng nữa. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã mang nhiều khởi sắc nhất là ở những vùng nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những hệ lụy phát sinh từ sự hiện đại đó. Nhất là bản sắc văn hóa, những gì vốn gần gũi, thân thuộc, trở thành biểu tượng của làng đã dần bị mất/ xóa sổ...
Làng ơi, làng ơi
Hỡi những người xa quê
Tôi chỉ sợ làng không còn làng nữa
Rơm phơi đường làng không còn
Hương hoa cau bay đi đâu?
Nỗi nhớ ấy được khơi dậy từ quá khứ. Một quá khứ êm đềm, ấm áp: tuổi thơ và thời thiếu nữ sống bên mẹ cha, gia đình, quê hương. Truyền thống văn hóa và những hình ảnh quen thuộc của quê nhà đã ăn sâu vào tiềm thức. Để rồi khi chị lấy chồng xa quê thì nỗi nhớ mẹ cha, quê nhà ngày càng thêm dày lên theo năm tháng.
Mấy mươi năm xa quê là mấy mươi năm nhà thơ luôn ngóng trông về quê mẹ. Vì thế, có dịp trở về, nhà thơ vui mừng khôn xiết.
Tiếng gọi Làng cũ ơi nghe da diết, thân thương đến vô cùng. Trong tiếng gọi ấy dường như có sự nấc nghẹn của chủ thể trữ tình. Trong dòng hồi tưởng về Làng lần lượt hiện lên: cánh đồng, rơm phơi đường làng, hương hoa cau, hương bồ kết, tiếng gọi đò ở bến sông... Tất cả những hình ảnh đó đã khắc sâu vào trong ký ức và nhà thơ đã bất tử hóa với thời gian.
Dù không nhắc đến hình ảnh của mẹ, của cha nhưng bạn đọc vẫn hình dung ra được trong dòng suy nghĩ của nhà thơ khi trở về làng thì hình ảnh gia đình luôn chiếm vị trí quan trọng nhất. Bởi đó là sự trở về nguồn cội, trở về nơi đã nuôi dưỡng, tưới tắm cả tuổi thơ ở đó. Hương bồ kết, hương cau được nhắc đến trong bài cũng giúp đọc liên tưởng đến hình ảnh của bà, của mẹ, của chị nấu nồi nước bồ kết gội đầu. Người bà vừa nhai trầu vừa quét rác ở sân vườn bên bóng hoa cau; hoa cau tỏa ngát hương và mẹ đang ngồi bên bậu cửa trông ngóng đứa con xa trở về...
Cuộc sống hiện đại, mọi thứ đổi thay chóng vánh, những kỷ niệm của những năm tháng bình yên, ấm nồng ở quê nhà lại càng trở thành thứ tài sản quý giá không gì có thể đánh đổi. Đang sống ở nơi phố thị, cuộc sống tiện nghi, đủ đầy nhưng con người càng cảm thấy trống trải, cô đơn. Do vậy, Ngọc Tình hướng về làng, nghĩ về làng, tìm về làng để tìm sự chở che, an ủi, vỗ về...
Cảm giác an nhiên, bình dị trở về trong thoáng chốc nhường chỗ cho một thực tế của hiện tại. Làng quê giờ đã thay “áo mới”. Đường làng giờ đã bê tông, việc cày bừa, thu hoạch giờ đã thay bằng máy móc, không còn rạ rơm phơi ở con đường đất vào làng như thuở trước... (cái thuở mà chị rời làng và nhiều năm sau đó nữa). Bên cạnh niềm vui vì quê hương thay da đổi thịt nhưng có điều gì đó làm cho nhà thơ không khỏi ngậm ngùi, nhớ tiếc...
Với một người yêu quê, gắn bó sâu sắc với quê cha đất tổ như thế nên khi xa quê nhà thơ Ngọc Tình luôn mang trong mình một mối lo “làng sẽ không còn nữa” là cũng có cái lý của chị.
Bởi Làng là một thực thể sinh động chứa đựng nhiều giá trị vật chất, văn hóa, tinh thần. Làng gắn liền với bao nhiêu ký ức buồn vui, là nhân chứng cho bao nhiêu vật đổi sao dời.
Làng ơi, làng ơi
Hương bồ kết chỉ còn kỷ niệm
Tóc em không mượt như xưa
Tiếng gọi đò im bặt
Còn tôi muốn khóc
Làng tôi ơi! Làng ơi.
Cuộc sống bình yên, dân dã, quê kiểng thuở nào giờ chỉ còn trong ký ức. Nhà thơ Ngọc Tình liệt kê ra những điều mà chị đã khắc sâu vào tâm thức: hương bồ kết chỉ còn là kỷ niệm, nên tóc em không mượt như xưa; tiếng gọi đò im bặt làm cho nhân vật tôi muốn khóc... Cái tôi gắn bó với quê hương xứ sở như mạch ngầm chảy xuyên suốt trong thơ chị và bài Về làng là một trong số những bài thơ để lại ấn tượng sâu sắc đến độc giả.
Mở đầu bài thơ là tiếng gọi Làng, 2 khổ tiếp cũng là tiếng gọi Làng và kết thúc bài thơ cũng vang lên điệp khúc Làng tôi ơi! Làng ơi. Đó chính là những trăn trở, đối thoại mang bao nỗi ưu tư về con người, thời đại trong từng giây, từng phút, từng ngày, từng tháng, từng năm của chủ thể trữ tình./.
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/ve-lang-cai-toi-nang-long-voi-que-huong-xu-so-a7407.html