Độc thoại sen, ngay tên tập thơ đã gây ấn tượng cho người đọc bởi sự ám gợi. Liên tưởng giữa hoa và người ở nhiều phương diện và góc độ. Sen - loài hoa mà bao đời nay gắn bó và quá đỗi gần gũi thân thuộc với mỗi con dân nước Việt. Hoa sen và tên tác giả “Liên” (trong tiếng Hán liên là sen) càng gây sự chú ý. Độc thoại sen có nghĩa là sen nói một mình, nói với chính mình. Nhưng có khi đó là sự đối thoại giữa sen và tôi (Liên).
Bằng vốn văn hóa, sự hiểu biết của mình, nhà thơ đã phát huy cao độ sự liên tưởng trong thơ. Chị đem đến cho bạn đọc những bài thơ đậm chất trữ tình. Ở Độc thoại sen, nhà thơ Lê Phương Liên đã khéo léo chuyển tải những thông điệp về cuộc sống, con người và tình yêu dưới cái nhìn của một người đàn bà đa cảm, rất mực tinh tế và giàu nữ tính.
"Tập sách thơ Độc thoại sen của Lê Phương Liên"
Mở đầu tập thơ là bài Tôi và sen, nhà thơ đã khái lược những phẩm tính, đặc điểm của loài hoa này. Đến khổ cuối, Lê Phương Liên nhấn mạnh: Sen và tôi/ tôi và sen/ vượt lên định kiến, thói quen sình lầy/ trong như gió/ nhẹ như mây/ thơm/ trên bầu ngực ánh sáng. Một sự liên tưởng rất ý nghĩa! Phải chăng chị luôn có sự đối sánh giữa loài hoa tên sen và “tôi”. Ở đó có những nét tương đồng, những phẩm tính đáng quý biết vượt lên trên hoàn cảnh, định kiến để cùng hướng về ánh sáng, hướng về cái đẹp, cái thanh cao trong cuộc đời.
Lê Phương Liên bộc bạch, giãi bày cái tôi bản thể trong dòng cảm xúc rất mực chân thành, hồn hậu. Chị không ngần ngại tự thuật về bản thân. Nhà thơ đi sâu vào khám phá cái tôi đời tư với những góc độ, khía cạnh khác nhau của tâm hồn. Trạng thái tình cảm ấy của Lê Phương Liên được dồn nén, hun đúc trong những bài thơ mang ám ảnh tâm hồn (Tôi và sen, Với em, Ngày em sinh, Heo may nhớ, sắc ... không, Dù sen đã tàn, Em – người đàn bà...).
Mẹ em sinh em từ đồng làng, từ gió mây cây cỏ/ đánh thức em là lưỡi liềm cắt rốn bà dành mùa gặt/ tháng năm/ tiếng khóc ngằn ngặt, hằn vết bầm bắp ngô củ sắn/ đêm ngắn, ngày dài, mẹ nựng nịu bầu sữa non chắt/ từ bát cơm thơm mùi mắm cáy
.........
Mẹ đặt tên em loài hoa sinh ra từ bùn sâu nước lặng/ cay đắng ngọt bùi vẫn thẳng dáng trắng trong/ giọt sương long lanh, con ve sầu rút ruột hoan ca/ chờ mùa vải chín/ em yêu giấc mơ/ yêu câu thơ viết dở trên trang giấy học trò/ yêu một thời khốn khó/ gió lùa qua phên liếp từng đêm...
Em lớn lên/ qua bao mùa nước nổi chìm mênh mông bão lũ/ vẫn nhớ mình sinh từ đồng làng, từ gió mấy cây cỏ/ dẫu chiếc liềm cắt rốn ngày xưa đã theo bà vào/ cổ tích vời xa...
(Ngày sinh em)
Em – người đàn bà là một bài thơ được viết ra bằng chính tấm lòng hồn hậu, nhà thơ tự thuật về mình, tự đối diện với mình, tự vấn chính mình về thân phận của một người đàn bà “nửa tỉnh nửa quê”. Chị đã tạo dựng lại khoảng thời gian, không gian đặc biệt của hành trình đời – người để soi tỏ: Em - người đàn bà nửa tỉnh nửa quê/ chân giầy/ chân đất/ muôn lần được, mất/ cất buồn, mở vui/ một thời/ cười trong tiếng nấc/ gió thốc vào giấc ngủ từng đêm.../ người đàn bà đôi lần đơn độc/ Giữa biển đời cao thấp, hèn sang/ vẫn mơ màng/ về một miền thẳm xa không bến đợi./ mênh mông khát vọng cõi vô cùng.../ vẫy vùng trong mơ/ảo huyền trong mộng/ dịu êm...
đi qua bão lốc từng đêm, dừng chân trong chiều/ thăm thẳm/ hát khúc trăng mờ.../ yêu câu thơ/ vằng vặc treo trên cửa sổ/ yêu con số/ mỉm cười đắm mình trên sổ sách từng đêm/ yêu nợ có, đỏ đen bút toán nhiệm màu.../ yêu cuộc tình chẳng đặt thành tên/ chung chiêng đóa hoa không trái/ vấn vít hương yêu tỏa ngát bên thềm...
Nhà thơ Lê Phương Liên
Trên bước đường đời dù có những gập ghềnh, bất trắc xảy ra nhưng Lê Phương Liên là người đàn bà bước vượt lên trên hoàn cảnh để sống, để yêu và làm tròn thiên chức “đàn bà” mà Thượng đế đã ban tặng.
Em - người đàn bà/ vươn lên từ đêm/ đợi nắng!
Thơ Lê Phương Liên nhẹ nhàng, sâu lắng nên dễ đi vào lòng người đọc. Tình yêu, con người, cuộc đời được nhìn qua lăng kính của người đàn bà từng trải. Chị nhìn nhận mọi thứ trong tâm thế chủ động, thậm chí đôi lúc có vẻ dửng dưng. Bởi chị đã tiên đoán sự việc sẽ đem lại cái kết như thế nào.
Khuyết tròn/ trăng/ tự trăng thôi!/ Đêm đầy/ trăng khuyết/ đêm vơi/ trăng tròn/ Khuyết tròn/ đã ngã đầu non/ Bắt đầu/ kết thúc/ mất còn/ tự trăng... (Tự trăng).
Độc thoại sen khá đầy đặn, với 78 bài thơ. Tập sách có sự đầu tư, chăm chút, chọn lựa kỹ hơn so với tập thơ Hoa cỏ may ấn hành trước đó.
Em/ người đàn bà/ mình là nhân vật trữ tình chủ đạo xuất hiện với tần số dày đặc trong Độc thoại sen. Chủ thể trữ tình luôn có khát vọng được giao cảm, được bày tỏ, được thấu hiểu và cả sự kiếm tìm...
Xuân sang rồi, năm nay muộn giêng hai/ Tê tái rét quê mình mùa mạ mới/ Góc vườn xưa chẳng còn ai ngóng đợi/ Con chích chòe lặng lẽ bay ngang...
Trái tim mình như lỗi nhịp thời gian/ Hoa khế nhạt, hoàng hôn chiều bảng lảng/ Khế già rơi trên đầu cây gió thoảng/ Ngỡ tiếng cười, chào gọi tự ngày xưa...
Em trở về, góc vườn nhỏ ngày mưa/ Hoa vẫn tím, hoa muôn đời vẫn tím/ Dây bìm bìm vấn vương lời bịn rịn/ Ai có về thăm khế rụng vườn xưa?
(Hoa khế vườn xưa)
Giữa biển đời mênh mông, nhà thơ luôn khao khát mọi sự bình yên nhưng càng khát khao giao cảm thì chị lại cảm thấy khắc khoải, lo âu.
Nếu một ngày trời không sinh gió/ Thì đá có còn níu giữ tình em/ Biển muộn phiền sóng chẳng dội bờ êm/ Thuyền xa lộng thương dã tràng ngơ ngác...
(Nếu trời không sinh gió)
Cảm thức về thời gian, về những âm thanh kì diệu của cuộc sống được thoát thai từ những giọt buồn.
Hình như gió đã xanh xao/ Hình như nắng đã trốn vào hoàng hôn/ Mắt em vương nửa cánh chuồn/ Chân chim hằn những vết buồn thời gian/ Trên tường tờ lịch hoang mang/ Tiếc năm đã cạn, ngày tàn đã rơi (Bâng khuâng chiều cuối năm).
Phượng cuối mùa vẫn thắm/ Sen giữa hạ vẫn nồng/ Nỗi khắc khoải chờ mong/ Cứ lênh loang mời gọi
Em nghe tiếng ai gọi/ hạ huyền nghiêng tóc phai/ Trăng lụa là vàng tãi/ Một đời chẳng đơn sai... (Tiếng gọi).
Tìm về ký ức một thuở đã qua cũng là hành động tìm lại chính mình. Những khoảnh khắc ấy đã đánh thức bao điều tưởng chừng như quên lãng có dịp bừng ngộ. Đó có thể là sự trở về những năm tháng cũ nơi gác bếp xưa ăm ắp những hình ảnh thân thương, bình dị, mộc mạc chốn quê nhà.
tường bếp mẹ trình đất gan gà, trát rơm ủ bùn/ đặc quánh/ mái rạ nẹp lá dừa kẹp tàu cau bánh tẻ/ tôi nấu cơm bằng lá chuối khô tước ở vườn nhà/ rơm rạ... (Bếp xưa).
Và cũng có thể là nỗi niềm canh cánh, sự trông ngóng, đi tìm lại “người xưa”, “tình xưa”.
Em đi dọc những cơn mê/ qua chín mươi chín bậc cầu thang, đường lên trời/ nhìn vực sâu tự hỏi/ tình yêu, người ở nơi đâu?/ em đi qua nhiều sông và những nhịp cầu/ nhịp nào khao khát cùng em/ em đi qua lầm lũi bon chen/ ánh mắt đàn ông diệu vợi/ ánh mắt đàn bà xa xôi/ ánh mắt nào cho em? (Vơi đầy tháng tư).
Nhà thơ nhìn đời bằng con mắt thực nhưng ngập tràn cảm xúc trữ tình man mác, lắng sâu như muốn níu giữ kỉ niệm thuở nào.
Thu xưa không trở lại/ Người xưa chẳng hồi âm/ Trong hoàng hôn chầm chậm/ Nhớ thương đã nảy mầm... (Lối thu).
Người phụ nữ trong thơ chị tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, dù có những điều không vẹn toàn nhưng họ đã sống đã yêu bằng chính trái tim nhân ái. Nỗi buồn chính là chất xúc tác để người thi sĩ có thể thăng hoa thành những vần thơ hay, soi rọi sâu hơn vào mọi ngõ ngách tâm hồn. Với nhà thơ Lê Phương Liên, chị chủ yếu là “độc thoại” với chính mình. Tôi đi về phía không anh/ Cây cầu không còn ở đấy/ Tôi khóc/ Bàn chân run rẩy/ Thương bầy sin sít mồ côi (Độc hành).
Những nơi chị có dịp đi qua cũng đều để lại trong tâm hồn người đàn bà đa cảm như chị một kỉ niệm nào đó. Vì thế, chị có nhiều những bài thơ ra đời gắn liền với các địa danh: Chiều Tam Bạc, Chiều Quy Nhơn, Hà Nội khát, Thăm đảo Cát, Về chùa Ngô...
Điều đặc biệt trong tập sách, chị có những bài thơ viết về mẹ, về cha, về con rất cảm động. Bởi đó là những tình cảm chân thành, xuất phát từ chính con tim, từ tình yêu thương ruột rà máu mủ. Tình yêu ấy thiêng liêng, sâu nặng và sẽ theo suốt chị trên mỗi bước đường đời.
Đọc bài Lam chiều nhớ mẹ, người đọc bắt gặp tình cảm của đứa con gái khi nghĩ về mẹ, nhớ về mẹ của những năm tháng “ngày xưa”. Đứa con ấy nhớ như in ngày mình lên xe hoa về nhà chồng, mẹ đã khóc cùng với đó là những lời dặn dò của người mẹ về phận gái làm dâu ở quê chồng nơi phố xa. Người con gái của mẹ đã trở thành con nhà người ta. Đứa con gái về nhà chồng phần vì công việc, con cái mà ít có dịp về thăm cha mẹ đẻ. Và rồi, nỗi nhớ cứ miên man, “buồn đầy, vui vơi”, con thi thoảng mới có dịp về lại thăm nhà. Đọc những câu thơ chị viết, làm nước mắt tôi rơm rớm vì cảm động: ngày rằm vu lan bao mùa cũ mới/ con bây giờ thành “con người ta”/ nhớ mẹ, thương cha thi thoảng ghé về/ quay quắt triền đê/ cải vàng trổ miền thăm thẳm/ bên mộ cha, sương trắng ngập đồng
Đò chiều gầy nhẳng hoàng hôn/ lam chiều loang những bồn chồn nhớ thương...
Tình yêu mẹ đã dành cho con là thứ tình yêu không tính toán, không gì có thể đo đếm được.
Lặng thầm giấu mặt vào đêm/ Ầu ơ hoa cải ru mềm răm
Gầy dâu thương rút ruột tằm/ Thúng ba, mẹt bảy mẹ chằm ngày xuân
Dầu hao, hoa bấc cạn dần/ Niềm con, nỗi mẹ hóa thân một đời
Nhốt buồn/ vui đến tả tơi/ Tơ sen/ kết bện một nhời đinh ninh
(Với mẹ)
Với Lê Phương Liên, hình ảnh sen thanh khiết như chính tâm hồn của mình
Những vui buồn, cay đắng thuở nào bên mẹ, giờ lần lượt trỗi dậy và đi vào thơ như một sự trải lòng: đêm bên mẹ nhớ mùa xưa cũ/ vàng lá tiễn thu, mịt mù đông lại/ áo bông chần, tươm tướp đường khâu/ ngọn đèn dầu, gầy guộc leo lét/ ô cửa đầu đời, rung mở giấc mơ non/ gió còn son/ thổi qua mùa không đợi/ chân trời nào cũng rạng rỡ màu mây/ mẹ dắt con đi dọc tháng ngày.../ đi dọc đắng cay/ mầm thơ con nhú lên từ lời ru mẹ hát/ từ cánh đồng ngút ngát mạ non/ từ lối mòn hoa cối xay nở muộn/ từ cánh thư cha loang lổ khói bom thù.../ chim cuốc gọi hè khắc khoải bờ ao...
đường đời chênh chao/ lá tre mòn ngõ vắng/ thư tình mẹ giấu đêm trăng/ thập thững con đi từng bước vào đời/ mẹ thì xa mà chân trời rộng quá/ con tự biết dừng/ ngả rẽ về đâu...
Đêm nay/ giấc ngủ thật sâu/ con cuộn tròn trong vòng tay mẹ/ mặc ngoài kia trời rét đậm/ tờ lịch trên tường,/ thắm như một nhành hoa...
(Đêm cuối năm bên mẹ)
Tình mẫu tử vốn là đề tài quen thuộc trong thi ca, song tứ thơ của Lê Phương Liên vẫn đem lại cho người đọc những ấn tượng và sự xúc động.
Đứng trước mộ cha, nhà thơ quỳ lạy với nỗi buồn khôn tả. Lê Phương Liên gọi đó là “Nỗi buồn không chỗ treo”, chị gọi cha trong tiếng gió, chỉ thấy gió reo và mông lung bốn bề nghĩa trang cỏ dại. Thế là cha đã đi, đã bay về phía đông nơi biển động, đã băng về phía rừng biên cương gió bão... Cha đã về với đồng đội, máu và linh hồn của cha cùng những người đồng chí, đồng đội đã hòa vào hồn thiêng sông núi. Đứng trước mộ cha, nhà thơ không khỏi ngậm ngùi.
Con muốn hét lên: “Hỡi các người đang sống/ Hãy để cha tôi cùng đồng đội ngủ yên/ không tiếc nuối ưu phiền, về những điều họ đã/ hiến dâng!”.
Đi qua những năm tháng thăng trầm, Lê Phương Liên nhận ra rất nhiều điều về lẽ sống, niềm tin. Bài thơ Với con trai, người mẹ đã tâm tình với con bằng tình yêu và sự bao dung của một người mẹ. Những lời mẹ dặn chắc chắn đứa con trai ấy sẽ hiểu, sẽ yêu thương bố mẹ nhiều hơn. Thông cảm cho bố, hiểu cho bố cũng có nghĩa là đứa con trai sẽ hiểu cho những hy sinh thầm lặng của những người lính biên phòng.
Người làm thơ hôm nay, họ không chỉ làm bằng bản năng mà họ còn ý thức được những giá trị đích thực của nghệ thuật – những bài thơ viết ra phải có ý nghĩa đích thực – “là một món ăn tinh thần”, và Lê Phương Liên đã làm được điều ấy. Trước những va đập của cuộc sống, nhà thơ đã trải lòng mình một cách thật nhất, đời nhất. Đó chính là hành trình đi tìm chân lý cuộc đời và gieo mầm cho những khát khao, hy vọng ở phía trước.
Với người khác có thể nghĩ về hạnh phúc là cái gì đó lớn lao nhưng với Lê Phương Liên hạnh phúc chính là những điều bình dị, những thứ gần gũi, luôn đồng hành và hiện hữu quanh ta.
hạnh phúc đôi khi là nỗi đau được xoa dịu/ là bờ vai em cỏ xanh nhu mì/ là bàn tay dịu dàng làm mềm vết thương quá khứ...
hạnh phúc đôi khi là tiếng thở dài/ sự nuối tiếc của bông hoa chuyển mình vào quả...
hạnh phúc kề cận quanh ta/ hạnh phúc ẩn trong điều nhỏ nhặt/ không trang điểm bằng lời nói suông, bằng ngôn từ/ hoa mỹ/ khi anh nắm tay, nhìn sâu vào mắt em thì thầm:/ “hạnh phúc là sẻ chia, là sự hy sinh!”.
(Hạnh phúc)
Con người ở bất cứ thời đại nào cũng đều có chung một mục đích là theo đuổi và đi tìm hạnh phúc. Ai sống trên cõi đời này cũng đều mong cầu hạnh phúc. Cầu mong hạnh phúc và đi tìm hạnh phúc là dấu hiệu nhận biết sự lành mạnh của mỗi con người. Nhà thơ Lê Phương Liên quan niệm hạnh phúc bằng một đúc kết mang tính trải nghiệm: “hạnh phúc là sẻ chia, là sự hy sinh!”.
Tôi tin, Độc thoại sen sẽ là tập sách có ý nghĩa không chỉ với nhà thơ Lê Phương Liên mà nó còn là món quà tinh thần cho người thân, bạn bè và cả những người yêu thích thơ chị. Bởi những gì Lê Phương Liên gửi gắm trong thơ đều dễ đi vào lòng người, đánh thức trong họ những dư âm, những triết lý, chiêm cảm... Đâu đó họ nhận ra bóng dáng mình, bạn bè mình để họ soi chiếu, nghĩ suy và thức nhận./.
Ths. Nguyễn Văn Hòa
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/doc-thoai-sen-va-nhung-noi-niem-sau-kin-cua-nguoi-dan-ba-lam-tho-ten-lien-a740.html