Sông nước miền Tây trong thơ Trần Ngọc Phượng

Con người, sông nước miền Tây trở thành nguồn cảm hứng trong thơ Trần Ngọc Phượng. Đó là sự gắn bó giữa một người thơ đa cảm với một vùng đất trù phú, nghĩa tình.

Nhà thơ Trần Ngọc Phượng chia sẻ: “Tôi nhớ hồi còn quàng khăn đỏ hay nghêu ngao bài hát "Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều, miền Nam em xoài thơm, miền Nam em khoai bùi... Lớn lên một chút thì thích bài "Con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi"... Vào miền Nam ở chiến trường miền Đông toàn thấy rừng cao su và đất đỏ. Mãi sau ngày giải phóng mới được về sông nước miền Tây.  Chính tôi cũng có dịp về tổ chức đám cưới cho bạn ở Mỹ Tho, Bến Tre và đưa cả gia đình về chơi miền sông nước Hậu Giang, Cà Mau, An Giang, Hà Tiên... nhậu rượu đế với chuột đồng, cá sặc... Ở đơn vị và cơ quan tôi có rất nhiều cô gái miền Tây của vùng châu thổ Cửu Long. Các cô duyên dáng, hiền lành chân thật và đáng yêu.

Tiếng "dạ" nơi em sao ngọt ngào

Mênh mang sông nước, sóng lao xao

Phù sa cây trái, xanh đồng lúa

Tóc xõa, vai tròn lá nghiêng chao”.

Từ những cảm xúc như thế, nên khi có dịp về miền Tây, nhà thơ Trần Ngọc Phượng đã có chùm thơ viết về vùng đất này. Đó là tình cảm của một người con phương xa luôn có khao khát, ước muốn được đặt chân đến miền Tây sông nước. Và giờ đã thành sự thật. Cảm xúc dâng trào, niềm vui vỡ òa khi tận mắt nhìn thấy cảnh vật, con người, cỏ cây, hoa lá, sông nước mênh mông... Đặc biệt nhất là tính cách, con người ở vùng đất lắm cá, nhiều tôm, bạt ngàn hoa trái này... Có lẽ chính thổ nhưỡng, không gian địa lý đã hình thành nên cốt cách, phong thái con người miền Tây phóng khoáng, hào sảng, vô tư và mến khách đến vô cùng...

Bài thơ Tận cùng Cà Mau, Trần Ngọc Phượng không giấu được những cảm xúc rất thật của mình khi được đến đất mũi Cà Mau. Bài thơ như câu chuyện kể. Câu chuyện ấy thấm đẫm cảm xúc với cách kể, cách tả, cách cảm nhận vừa cụ thể, vừa khái quát. Tất cả đã vẽ nên một Cà Mau với những đặc trưng chung nổi bật ở vùng sông nước nhưng bên cạnh đó còn mang phong vị riêng của một tỉnh cực Nam của Tổ quốc. Trần Ngọc Phượng đã tái hiện rất chân thực và sinh động một Cà Mau thu nhỏ trong bài thơ. Không chỉ nhìn trực diện về mặt địa lý mà nhà thơ còn nhìn ở góc nhìn lịch sử và văn hóa của vùng đất đặc biệt này.

nguyen-ngoc-phuong-1732361884.jpeg
Nhà thơ Trần Ngọc Phượng

Anh về để biết Cà Mau/ Mưa nhiều nắng lắm dãi dầu sức trai/ Phong sương đen sạm hai vai/ Con xuồng lướt sóng như bay giữa dòng/ Ta đi cho đến tận cùng/ Bốn phương trời biển hòa chung mũi tàu/ Chân người bám xuống bùn sâu/ Đước theo cắm rễ đất màu mọc lên/ Thau chua rửa mặn đất phèn/ Để xanh ruộng lúa để chen rừng dừa/ Câu ca mở đất năm xưa/ “Muỗi như sáo thổi...” gió đùa mây bay/ Đã đi đến cuối đất này/ Nhậu cho xả láng không say không về/ Tôm dưới đầm, cá dưới ghe/ Đờn ca vọng cổ bạn bè bốn phương/ Đêm nằm nghe sóng vỗ lưng/ Tưởng như bay bổng bước chân mở đường.

Tiếng thơ Trần Ngọc Phượng ngân lên, cái hồn của làng quê, ruộng đồng, dừa xanh, tôm cá, đờn ca, sóng vỗ... lan tỏa khắp không gian vũ trụ.

Dòng mạch thơ trữ tình của Trần Ngọc Phượng bên cạnh những bài thơ viết về đề tài người lính, chiến trường, thế sự thì anh còn có những bài thơ viết về quê hương, tình yêu thắm đượm, da diết, đậm chất trữ tình.

Từ hình ảnh hoa tím lục bình, nhà thơ lại liên tưởng đến cuộc chuyện trò giữa anh và em trong một khoảng thời gian, không gian đặc biệt. Nhà thơ đã nhập hồn thơ của mình vào chiều sâu văn hóa với bao nhiêu vấn đề về quê hương, thân phận, tình yêu. Ở đó có cả sự đợi chờ, đợi chờ trong vô vọng bởi cảnh lỡ đò - em đã sang ngang...

Em trôi đâu đấy lục bình

Để anh ngồi với một mình hoàng hôn

Tím trời tím cả dòng sông

Phương trời vô định, mênh mông bến bờ

Hoa lục bình trở thành biểu tượng cho sự vô định, nổi trôi và ở đó cũng ngầm ám chỉ thân phận của em? Lời cảm thán đó bộc lộ những sắc thái tình cảm khắc khoải, day dứt và không giấu được sự thảng thốt, lo âu. Cảnh ngộ của em - người con gái trong bài thơ cũng là cảnh ngộ chung của nhiều người con gái khác, vì thế dễ taọ nên sự đồng cảm sâu sắc ở bạn đọc.

Thân em bèo bọt vật vờ

Mười hai bến nước biết chờ đợi ai

Trời cao biển rộng sông dài

Em mang theo cả tháng ngày mộng mơ

Thế giới hình ảnh vừa quen vừa lạ, vừa có gì đó bảng lảng xa vời bởi nó chứa đựng cả hồn người trong đó.

Hỡi người con gái năm xưa/ Rưng rưng trong nắng trong mưa dập dềnh/ Em yêu hoa tím lục bình/ Mảnh mai duyên dáng như hình gái quê// Bên nhau lắc lẻo cầu tre/ Trăng soi xoã bóng, lá che vai gầy/ Anh ơi! đừng hái hoa này/ Để cho bèo dạt nước mây xuôi dòng.

Phải chăng từ lúc tuổi hoa niên đến những ngày tham gia kháng chiến ở chiến trường miền Nam và cả thời gian sau ngày đất nước hòa bình người thơ Trần Ngọc Phượng đã có “tình cảm” đặc biệt với người em gái miền Tây? Và chắc chắc sẽ có nhiều lời hẹn ước. Bởi với anh, miền Tây có điều gì đó rất thân thiết, đượm tình. Vì thế “người tình” ấy vẫn sống mãi trong ký ức của chủ thể trữ tình anh. Cũng có thể Trần Ngọc Phượng đã nhập vai nhân vật trữ tình “anh” một cách tài tình, khéo léo.

Những câu thơ nhẹ như mây khói nhưng chuyển tải và gửi gắm bao điều. Làm cho bạn đọc thổn thức, xốn xang.

Anh về trở lại bến sông/ Em đi lấy chồng vọng tiếng ầu ơ/ Hắt hiu chiều vắng con đò/ Lục bình hoa tím như vừa qua đây (Hoa tím lục bình).

Chủ thể trữ tình anh phấp phỏng đi tìm: tìm em, tìm thời gian đã mất, tình yêu đã tuột khỏi tầm tay... Anh trở lại bến sông xưa nhưng giờ đã có nhiều sự đổi thay quá. 

Không gian bến sông đã được nội tâm hóa trở thành không gian tâm trạng, có khả năng biểu hiện cảm xúc của con người. Tuy có gặp trắc trở nhưng chủ thể trữ tình vẫ luôn hướng về phía trước, hướng về những điều tốt đẹp, bất tử hóa những ký ức cao đẹp của tình yêu...

Quê hương hiện hữu trong những hình ảnh: kênh rạch chằng chịt, bến sông, con đò, con nước lớn, hoa tím lục bình, cầu tre lắc lẻo, khói đồng, bìm bịp kêu, áo bà ba, tiếng hò ầu ơ, vườn cây, hoa trái...

Vẫn là những hình ảnh quen thuộc của làng quê nhưng Trần Ngọc Phượng đã thổi vào đấy cái hồn, cái tình tạo nên trong lòng bạn đọc những ấn tượng. Những địa danh anh qua, những gì anh thấy, anh cảm nhận đều rất chân thật bởi một tâm hồn trong sáng, một tính cách sôi nổi, mãnh liệt.

Anh đã đến Kinh Cùng, Cái Tắc/ Tìm em đâu giữa chằng chịt rạch kênh/ Ghe nhỏ lướt qua bao Vàm Cống/ Lục bình trôi hoa tím bồng bềnh// Bìm bịp kêu dợn từng con nước/ Từng đoàn ghe chở lúa về thôn/ Tóc em xõa, áo bà ba thon thả/ Khói đồng bay trong nắng hoàng hôn.

Hình ảnh tóc em xõa, áo bà ba thon thả tạo nên nét đẹp duyên dáng của người con gái quê. Đó chính là tín hiệu thẩm mỹ, biểu tượng cho vẻ đẹp truyền thống của người con gái miền Tây. Vẻ đẹp ấy khiến cho biết bao chàng trai thổn thức, trong đó có anh.

Nhà ai thấp thoáng trong vườn trái

Nhớ ngày đầu ta dắt tay nhau

Em hay đùa thách anh ngày cưới

Có dám qua cầu khỉ rước dâu

Quê hương miền Tây sông nước đã lắng đọng đậm sâu trong anh để rồi những câu thơ bật ra một cách tự nhiên, hồn hậu. Làng quê đã thay da đổi thịt từng ngày, đời sống người dân được dần nâng cao. Đó là niềm vui, sự hân hoan vì quê hương khởi sắc!

Bây giờ đường quê em rộng mở/ Trồng cây, nuôi cá dưới ánh đèn/ Con cháu dập dìu ra phố chợ/ Xập xình tiếng nhạc hát thâu đêm.

Về miền Tây, anh không quên ghé thăm những Dượng Năm, Dì Bảy. Điều đặc biệt là món cá nướng trui để uống rượu đế, nghe em hát sáu câu vọng cổ... Đó là những “đặc sản” của miền Tây mà khách phương xa mỗi khi đến đều phải thưởng thức.

Anh ghé qua Dượng Năm, Dì Bảy/ Cá nướng trui, ly rượu đế lai rai/ Nghe em thả vào trong dòng chảy/ Sáu câu chìm nổi nước vơi đầy (Về quê em).

Văn hóa vùng sông nước ẩn sau những câu ca trầm bổng, những giai điệu tình tứ ngọt ngào. Đó là bản sắc, điệu hồn riêng. Ở đó bên cạnh niềm vui còn hiện lên những cảnh đời lam lũ, nhọc nhằn, bươn chải trong cuộc sống mưu sinh. Vùng sông nước mênh mang ấy còn gợi nên nỗi niềm day dứt, nhớ nhung, nhất là cảnh những cô gái đi lấy chồng xa, tình cảm của đứa cháu với bà, với mẹ với cha nghe có gì đó rưng rưng.

Bướm vàng đậu trái mù u*/ Nhớ về quê ngoại, lời ru thủa nào/ Tuổi thơ sóng nước xôn xao/ Lội sông, lượm trái đuổi nhau sau vườn (Mù u quê ngoại).

Con người, sông nước miền Tây trở thành nguồn cảm hứng trong thơ Trần Ngọc Phượng. Đó là sự gắn bó giữa một người thơ đa cảm với một vùng đất trù phú, nghĩa tình. Những bài thơ trữ tình man mác, mang hơi thở của cuộc sống, thoáng chút cô đơn, thoáng chút nuối tiếc, khắc khoải nhưng vẫn trong trẻo đến vô ngần./.

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/song-nuoc-mien-tay-trong-tho-tran-ngoc-phuong-a7350.html