Thi tập Đường ta đi của nhà giáo, nhà thơ Đặng Phúc Minh: gồm 20 bài thơ và 5 bài nhận định, đánh giá của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu về thơ của Đặng Phúc Minh. Điều đặc biệt Đường ta đi là tập sách song ngữ, được dịch giả Mai Hương dịch sang tiếng Anh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tập thơ có sự lan tỏa, đến gần với bạn đọc nước ngoài yêu thích văn chương Việt Nam.
Đường ta đi, hình ảnh con đường mang tính biểu tượng. Con người đi trên con đường để khẳng định mình, để bày tỏ những khát vọng, những ước mơ, đích đến... Không gian con đường đã quy định tư thế con người. Con người trong thơ Đặng Phúc Minh luôn trong tư thế vận động và hướng về phía trước. Và “Đường ta đi” không hề bằng phẳng, bình lặng mà sẽ gặp nhiều gian nan, nhiều gấp khúc, ngã rẽ... mới có thể đến được bến bờ bình yên và hạnh phúc.
Mở đầu tập thơ là lời đề từ: Công cha/ Nghĩa mẹ/ Ơn thầy/ Nguyện xin dâng hiến/ dựng xây cuộc đời. Tiếp đến là bài thơ khẳng định niềm tin yêu với cuộc sống, khi ý thức được thiên chức cao cả của con người, ý thức được sự hiện hữu của bản thân trên cõi đời này. Vâng! Xin sống với niềm tin ngời sáng/ Với tình yêu trải rộng muôn phương/ Đến cuộc đời như buổi sáng mùa xuân/ Từng ngây ngất chất cao thơ bất tận
Đặc trưng của thơ là hàm súc, cô đọng. Thơ tác động đến người đọc bằng sự nhận thức cuộc sống với những liên tưởng, tưởng tượng phong phú. Thơ là một thông báo thẩm mỹ đặc biệt, được tổ chức và tư duy bởi hệ thi pháp của một ngôn ngữ cụ thể, để đem lại cho người đọc những rung cảm thẩm mỹ bất ngờ.
Vì thế, tập thơ Đường ta đi được xem như là cái gốc, là ý tưởng phác thảo, gợi mở ra những vấn đề có ý nghĩa đối với cuộc sống. Đó cũng là cơ sở để Đặng Phúc Minh triển khai 10 tập văn xuôi dựa trên nền tảng, ý tưởng, nội dung cốt lõi từ tập thơ này.
Đặng Phúc Minh cho rằng: “Nếu xem Đường ta đi là cái khung nhà thì 10 tập văn xuôi là xi măng, gạch, đá, vôi vữa... để làm cho ngôi nhà hoàn thiện”. Ở đó tập trung và đi sâu làm rõ, rồi đưa ra những ý kiến, những nhận định về tình yêu, cuộc sống, về thế sự, về Đạo và Đời trong mối quan hệ đa chiều.
Đi vào cuộc đời thì phải dấn thân, phải dựng xây. Con đường để đạt giá trị người, giá trị sống tốt đẹp chính là con đường đến với hạnh phúc đích thực.
Đi tới là công trình tạo dựng con người, một công trình vô cùng đặc biệt. Vì thế, ở Đi tới 1 và Đi tới 2, nhà thơ Đặng Phúc Minh tạo dựng một cuộc đối thoại giữa nam và nữ, giữa Mặt trời và loài người, giữa khối óc và trái tim. Đó là mơ ước của bản thân mình và cũng là của tất cả mọi người về cuộc đời. Một cuộc đời trọn vẹn và có ý nghĩa nhất có thể. Bởi theo nhà thơ Đặng Phúc Minh tạo hóa đã sinh ra vạn vật, con người hiện hữu trên cõi trần thế đó đã là điều hạnh phúc. Hạnh phúc hơn nếu con người sống có lý tưởng, biết dâng hiến và sống hết mình vì cuộc sống, vì tình yêu. Bởi mỗi người chỉ có một lần sinh ra, già đi và sẽ về cõi. Không ai có thể sống đời đời kiếp ở chốn trần gian này.
Sở dĩ nhà thơ tạo ra cuộc nói chuyện giữa người nam và người nữ, giữa anh và em là để cho cuộc trò chuyện thêm cởi mở, thân tình. Sự miệt mài đập không ngừng nghỉ của trái tim đã trở thành niềm tin, trở thành biểu tượng đẹp cho sự hy sinh và dâng hiến.
Em!/ Anh đã gọi em nhiều lần như thế/ Vẫn ở nguyên trong lồng ngực thân yêu/ Anh thường nói:/ - Nghỉ dùm anh đôi phút/ Cả cuộc đời, đập mãi sao em?/ Cả cuộc đời chỉ biết hiến dâng/ Em bé nhỏ sao kiên cường như thế?/ Muôn nhà máy của loài người đều phải nghỉ/ Chỉ riêng em đập mãi không ngừng/ Đập trăm năm đập suốt đời người/ Anh thương quá!/ Hỡi tim ơi/ Thương quá!/ Đập cho anh/ Mãi mãi cho anh/ Cho loài người/ Cho hạnh phúc nhân gian/ Em sung sướng nên không màng ngơi nghỉ/ Và vui nhất nhìn anh yêu em ngủ/ Ngủ êm đềm gối mộng đẹp bao la/ Gối khắc khoải vì cuộc đời ngang trái/ Gối dở dang như dang dở đời người/ Em dạo hát ngắm bờ môi anh đó/ Anh thân yêu anh có biết hay không? (Đi tới 1).
Ở Đi tới 2, Đặng Phúc Minh lại khéo léo tạo ra một cuộc đối thoại mang thông điệp rất nhân văn. Đó là mối quan hệ, gắn kết mật thiết giữa thế giới tự nhiên với con người. Sự gắn kết ấy đã làm nên một thế giới sinh động, an vui đáng sống.
Mặt Trời hỏi loài người:/ Sao lại bảo ta mọc ở phương Đông/ Và lặn ở phương Tây?/ Ta vẫn ở trong bầu trời tươi sáng/ Trong Thái dương hệ này/ Giữa trùng trùng sao sáng/ Chiếu muôn tia hồng thắm tới nhân gian/ Tỏa hơi ấm cho loài người hạnh phúc/ Giúp cỏ cây hoa lá xanh tươi/ Tạo lương thực cho muôn loài vô tận/ Cho trái chín thơm ngon vị đất trời/ Năng lượng trong ta có hao dần rồi tan biến/ Ta không tiếc và không hề oán thán./.../ Ta đi tới ngày thêm hạnh phúc/ Hết lầm than xóa sạch bất công/ Ta đi tới, ngày thêm tươi sáng/ Dựng thiên đàng ở giữa trần gian.
Đọc thơ Đặng Phúc Minh, bạn đọc nhận ra một hồn thơ tinh tế, giàu chất trí tuệ. Tất cả mọi thứ đều đang vận động trong sự cựa quậy, vươn lên, hướng về phía trước.
Anh hỏi em:/ - Vận tốc nào nhanh nhất?/ Em trả lời/ - Ánh sáng anh ơi/ Ba trăm ngàn ki lô mét một giây/ Gây chấn động kinh hoàng khi ta đến/ Đúng chưa anh/ Anh yêu dấu của em/ Em nói đúng/ Mới một phần nói đúng/ Còn theo anh/ Ánh sáng vẫn chưa nhanh/ Vẫn phải mất một thời gian/ Để lướt hết một không gian/ Từ trái đất đến mặt trời ý ngoài tám phút/ Rồi một vì sao ở gần ta nhất/ Bốn năm ánh sáng có khi hơn thế nữa/ Lại có những vì sao chưa chiếu tới ta/ Tuổi trái đất đã ngoài bốn tỷ/ Cho anh nói phần anh suy nghĩ... (Liên tưởng).
Đặng Phúc Minh sử dụng linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật nhằm gợi ra một nhịp sống đa sắc màu và có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau. Từ những thủ pháp nghệ thuật đó, nhà thơ giãi mã những nỗi niềm ẩn sau bề mặt ngôn ngữ.
Đặng Phúc Minh đã tạo dựng một hình tượng thời gian và không gian đặc biệt trong thơ. Chính điều này tạo cho thế giới nghệ thuật thơ Đặng Phúc Minh có sức gợi mở, liên tưởng phong phú. Sự đan xen và đồng hiện giữa mơ và thực, giữa hiện tại và quá khứ, giữa xa và gần, giữa cái hữu hình và vô hình... tạo nên những dấu ấn tâm trạng và khoảnh khắc neo đậu hồn người.
... Anh yêu quá/ Em ơi!/ Anh yêu quá!/ Yêu con người/ Yêu cuộc sống hôm nay,/ Và yêu mãi mối dây liên tưởng/ Nó đi nhanh hơn ánh sáng em à/ Bằng liên tưởng ta trở về tròn quá khứ/ Bốn ngàn năm lịch sử sáng từng trang/ Bằng liên tưởng ta đến với ngày mai tươi sáng/ Mỗi bước đi phơi phới dựng tương lai/ Bằng liên tưởng, anh đến với em không mất thời gian/ Dù em có bị Đại bàng nào bắt cóc/ Đưa em đi hút bóng cuối chân trời/ Bằng liên tưởng em trở về trong khoảnh khắc/ Hát bên anh ôi khúc hát ban đầu/ Hơn ánh sáng đó là liên tưởng/ Chịu chưa em!/ Em yêu dấu của ta! (Liên tưởng).
Đi tới 1, Đi tới 2 và Liên tưởng là những bài thơ hay trong tập sách này. Hay bởi nhà thơ Đặng Phúc Minh đã thông qua tình yêu giữa NAM và NỮ để nhân cách hóa nói về ANH và EM bằng tứ thơ lạ, giàu tính nhân bản.
Trong những giá trị mà cuộc sống đặt ra thì hạnh phúc là giá trị cao nhất mà con người đã, đang và sẽ hướng tới. Có nghĩa là hướng đến những giá trị sống, giá trị người tốt đẹp nhất, nhân văn nhân ái nhất. Bởi lối sống của con người sẽ tạo nên giá trị của cuộc sống. Khi con người sống tốt thì sẽ tạo nên giá trị sống đẹp và ngược lại khi con người sống như một sự tồn tại thì cuộc sống trở nên nhàm chán, vô nghĩa... Đường ta đi, là con đường đi tới hạnh phúc, đi đến thiện lương, đi đến những chân trời đầy chim muông, hoa lá, đi đến những ruộng lúa trĩu bông, biển xanh cá bạc chất no thuyền...
Ta muốn viết cho thơ trào ngọn bút/ Cho niềm tin dâng ngút cõi trời cao/ Cho tình yêu trải rộng đến muôn nơi/ Muôn thế hệ hát say lời thương mến/ Để con người thương nhau không bờ bến/ Và hạnh phúc nỗi nhau dài vô tận/ Cho đất cằn muôn nụ, muôn hoa/ Cây khô héo sẽ đâm chồi nẩy lộc/ Từng nhà máy dựng lên từ sa mạc/ Và biển xanh cá bạc chất no thuyền/ Cho ruộng lúa trĩu hạt vàng óng ả/ Từ thác ghềnh tỏa điện khắp muôn nơi/ Kìa em ơi!/ Đường đại học thênh thang chờ em đến/ Để kiến thức loài người/ Được trải dài vút bổng đến muôn sao/ Và em nhé!/ Trường mẫu giáo/ Đẹp như thời thơ ấu/ Thật rộng rãi khang trang và đầy đủ/ Thật huy hoàng lộng lẫy nhất hành tinh/ Đón từng cháu lên ba vào lòng mẹ...
Khát vọng, niềm tin rất đỗi chân thành và thật đáng trân trọng!
Đặng Phúc Minh nhìn thấy những đổi thay của quê nhà, của đất nước trong niềm tin, sự hân hoan, vui sướng: Bừng sáng dậy/ Quê nhà/ Bừng sáng dậy/ Đèn chờ sẵn và người đang thắp sáng/ Lửa yêu thương/ Nóng bỏng đã bùng lên/ Từ nguồn sống ngút ngàn và vô tận/ Đến muôn nơi, sao cứ mãi tràn đầy/ Đến muôn đời sao cứ mãi thanh cao/ Muôn sức sống cùng chung một hướng/ Đẹp tươi thay, sáng hạnh phúc quê nhà (Quê nhà).
Mà khi con người ta hướng đến những giá sống tốt đẹp đồng nghĩa với việc đang dần hoàn thiện về mặt đạo đức và thực hiện các mơ ước, hoài bão, khát vọng sống có ý nghĩa. Nhà thơ Đặng Phúc Minh ý thức sâu sắc rằng, một xã hội văn minh là xã hội mà ở đó mọi khuôn phép, chuẩn mực, lề lối gia phong, đạo nghĩa phải được ưu tiên và coi trọng hơn cả. Bởi nếu không làm được những điều đó sẽ dễ làm con người ta bị tha hóa; sống vì tiền bạc, vật chất mà coi nhẹ tình nghĩa, thậm chí báng bổ, coi khinh, vong ơn bội nghĩa với các bậc tiền nhân, với tổ tiên và ngay cả với đồng loại hiện đang hữu người quanh mình...
Vì thế, nhà thơ luôn dành tình cảm, sự biết ơn sâu sắc đối với mẹ cha, với thầy cô, bạn bè, người thân... bằng những lời thơ trữ tình da diết.
Mẹ ơi!, bài thơ anh viết cho mẹ bằng những lời ứ nghẹn, khi mẹ đã “rời chốn trần gian”. Một người con hiếu nghĩa, nặng tình, thương nhớ mẹ nên những lời thơ đọc lên nghe thật xót xa. Ngày mẹ còn sống, Đặng Phúc đã chăm chút cho mẹ rất cẩn thận. Ngay cả việc anh biết chọn những món ăn mẹ thích để làm mẹ vui khi bà ở vào tuổi xế chiều. Để hôm nay khi mẹ không còn, mỗi lần nhìn những món ăn ấy, nhà thơ lại rưng rưng.
Mẹ mất rồi!/ Con không mua đòn bánh tét miền Nam/ khi qua cầu bến Bắc/ Vợ con thường nhắc:/ “Mẹ thích bánh tét rền, xanh, nhân đậu”/ Mẹ mất rồi!/ Con tôm vàng tươi rói vẫn nằm trơ/ Bạn bè con còn biết/ Mẹ mất rồi!/ Con cá khoai tươi xanh không ai hỏi/ Quả na dai mắt mở ai tìm/ Các cháu thường nhắc/ Bà thích na dai mắt mở/ Hôm nay trăm ngày Mẹ/ Con bàng hoàng đã mất Mẹ, Mẹ ơi!
Điệp khúc: Mẹ mất rồi! vang lên như cắt cứa vào tâm can đứa con trai của mẹ. Mẹ mất rồi cháu con đều thương nhớ, mẹ mất rồi tất cả hóa hư không! Bài thơ không chỉ là tình cảm của riêng nhà thơ dành cho mẹ mà nó còn là lời nhắc nhớ với cháu con phải có sự báo đáp với ông bà, cha mẹ khi mình còn có thể. Nếu không, đến một ngày nào đó sẽ hối tiếc, bởi đã quá muộn màng!
Nhân ngày mừng thọ Cha, Đặng Phúc Minh thể hiện bằng lời chúc đầy cảm động, vui mừng bởi Cha thượng thọ chín mươi tuổi. Việc Cha được thượng thọ như thế có lẽ phần nào nhờ tổ tiên phúc đức cao dày.
Với đức tin, lối sống thiện lương, khao khát và hướng đến sự yên bình, hạnh phúc nên trong bài Hạnh phúc, nhà thơ Đặng Phúc Minh hồ hởi: Núi đồi hãy ở lại/ Biển khơi xin tạm xa/ Bình thường vào cuộc sống/ Hạnh phúc tại lòng ta.
Thơ Đặng Phúc Minh có sức ám ảnh người đọc bởi những câu thơ đậm chất trữ tình với các hình ảnh mang tính biểu tượng. Lời thơ ngọt ngào, trong trẻo, giàu nhạc tính, gợi nhiều liên tưởng sâu sắc. Hòa mình vào thiên nhiên, vũ trụ, đất trời để đối thoại, chất vấn. Từ đó, bộc bạch lòng mình, hồn mình một cách chân thành thật nhất. Thể hiện niềm tin vào tình yêu, vào sức mạnh của con người.
Đặng Phúc Minh là một trong số những người cầm bút có ý thức đào sâu nghiên cứu con người, cuộc đời trong nhiều mối quan hệ đa dạng của đời sống. Vì thế, không chỉ trong thơ mà ở những tác phẩm văn xuôi anh cũng dày công khai thác, tìm hiểu tình yêu, con người, các giá trị văn hóa tinh thần trong dòng chảy chung của thời đại. Đặng Phúc Minh đã đưa ra nhiều những số liệu, luận cứ, luận chứng thuyết phục. Đó chính là những tổng kết, gợi mở, dự báo về các vấn đề cốt lõi về con người và xã hội; về các giá trị văn hóa, đạo đức ở hiện tại và cả ở chiều tương lai.
Đặng Phúc Minh vốn là một nhà giáo tâm huyết với nghề, một người luôn xem giáo dục là cánh cửa lớn để đưa thế hệ trẻ bước vào và thực hiện bao hoài bão, ước mơ của các em. Học không chỉ để cho bản thân mà còn để giúp ích cho đời. Anh cũng là người có nhiều đóng góp đặc biệt cho quá trình xã hội hóa giáo dục ở khu vực miền Tây, góp phần đưa cả trăm các bạn trẻ sang Nhật Bản du học.
Không chỉ đóng góp to lớn trong phong trào khuyến học, khuyến tài; Đặng Phúc Minh còn là cây viết chuyên cần, tích cực, luôn đề xuất những ý tưởng hay, hướng đến những điều nhân văn, nhân ái. Với anh, cứ làm được gì giúp ích được cho đời, cho người thì trong khả năng của bản thân sẽ làm hết sức mình có thể. Ở vào tuổi xế chiều của đời mình, Đặng Phúc Minh trầm tĩnh, lắng lòng và bộc bạch:
“Chỉ xin làm lá xanh
Dám mong chi hoa thắm
Như đời ta mong manh
Dám mong chi xa lắm”.
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/hon-tho-tinh-te-giau-chat-tri-tue-trong-duong-ta-di-a7342.html