Là người cầm bút, tôi chưa bao giờ có sự đam mê hay hào hứng khi đi xem hoa hậu, dù chỉ một lần (nếu có đi cũng chỉ là tính chất của nghề hay lời mời gọi, rủ rê và cả sự tôn trọng). Và tôi cũng chưa một lần nhắc (không dám nói lbàn) về đề tài hoa hậu trên trang mạng xã hội hay truyền thông và cũng chưa bao giờ nghĩ rằng hôm nay sẽ viết về nó.
Tôi biết, không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều người khi nói, khi bàn đến ‘hoa hậu’ thì trề môi, ngán ngẩm. Thậm chí khi nhắc tên vài hoa hậu thì nhiều người còn không biết (trong đó có người trong nghề như tôi). Nhiều câu nói vô hồn vẫn thường thốt ra đại loại như “hoa hậu à”, “không nghe tên”, “sao không biết”, “hoa hậu gì thế”...
Nhiều người không biết cũng đúng khi Việt Nam có quá nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức hàng năm. Nhà nhà, người người, ngành ngành đổ xô đi thi hoa hậu.
Bản chất các cuộc thi hoa hậu không xấu. Nhưng chính những tiêu cực “lộ thiên” ở chỗ thí sinh đi thi phải đóng tiền, bỏ tiền mua danh hiệu, rồi chỉ thi có một lần là thôi, rồi nhờ cái mác hoa hâu để tiến thân, kiếm tiền bằng mọi giá để có người phải ví von: “xưa bạch tuyết vì xinh đẹp nhất nên bị dì ghẻ giết. Nên từ khi xuất hiện cái gương có biết bao cuộc chiến sắc đẹp đã ra đời.”. Và rồi người ta không tìm ra được tiêu chí như mẫu số chung đành bảo nhau “cái đẹp không phải đôi má người thiếu nữ mà ở con mắt kẻ si tình”. Vì thế, từng có nhiều ý kiến cho rằng nên giảm bớt các cuộc thi hoa hậu để đỡ loạn danh hiệu, để không còn thấy thực trạng “ra ngõ gặp hoa hậu”. Bởi suy cho cùng các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam hiện nay hầu hết (không phải tất cả) do các công ty giải trí tổ chức đã xin phép (mà thực tế là việc cấp phép các cuộc thi hoa hậu Chính phủ đã phân cấp rõ ràng về các địa phương) nên người chiến thắng một cuộc thi đó chưa thể đại diện cho nhan sắc Việt Nam.
Nhưng theo tôi, có một thực tế là khi ngày càng có nhiều cuộc thi hoa hậu thì chứng tỏ xã hội còn quan tâm. Hãy để nó “tự sinh, tự diệt”, hãy để xã hội (công chúng) cảm nhận và đánh giá một cách công tâm. Bởi bản chất của một cuộc thi hoa hậu rất được hoan nghênh. Bởi khi nó tôn vinh cái đẹp của phụ nữ không chỉ về vóc dáng, hình thể bên ngoài mà còn cả vẻ đẹp tâm hồn bên trong, có kiến thức, trình độ và sự hiểu biết. Hơn nữa, thông qua cuộc thi đó, dù hoa hậu hay á hậu bước ra từ cuộc thi đó ít hay nhiều cũng có những đóng góp tích cực trong việc lan tỏa, truyền cảm hứng, thông điệp “sống đẹp, sống có ích” với nhiều hoạt động xã hội – từ thiện - cộng đồng và còn đại diện cho tài sắc của người phụ nữ Việt Nam trên các đấu trường nhan sắc quốc tế.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trên thực tế (ở mặt nào đó), thành công của các cuộc thi hoa hậu đến đâu, được dư luận ghi nhận hay thừa nhận như thế nào phụ thuộc phần lớn vào đơn vị tổ chức với cách thức tổ chức chuyên nghiệp, sự công tâm của ban giám khảo, hành trình nỗ lực qua từng ngày của thí sinh. Nói cách khác, sức sống của cuộc thi hoa hậu phụ thuộc hết vào đơn vị tổ chức (chính là ban tổ chức). Điều này minh chứng cho sức sống bền bỉ của nhiều cuộc thi nhan sắc được trông đợi như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam (Miss Grand Vietnam), Hoa hậu Trái đất Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Sinh viên Việt Nam...
Với riêng tôi, dù nói không mê nhưng nơi nào có dấu chân của các nàng hậu là nơi đó có tôi luôn dõi theo và thầm mỉm cười với đời rằng “ít ra hoa hậu cũng có ích”. Trong mắt tôi, những cái tên như Hà Kiều Anh, Giáng My, Nguyễn Thúc Thùy Tiên, H’Hen Niê, Nguyễn Phương Khánh, Lương Thùy Linh, Trần Tiểu Vy, Lê Nguyễn Bảo Ngọc, Phan Thị Ngọc Diễm, Nguyễn Thanh Hà... vẫn ấn tượng bởi những thành tích, vinh quang, tự hào dân tộc mà các bạn đã mang về cho Tổ quốc hay những việc làm hết sức ý nghĩa và vô cùng thiết thực cho đời, cho cộng đồng. Tôi đã nhìn thấy, hành trình sau đăng quang, mỗi nơi, từng vùng đất mà các bạn đã đi qua luôn đầy ắp những nụ cười em thơ/người già – người nghèo/khuyết tật, luôn xanh thẳm những cánh đồng, sáng bừng từng thôn bản/hải đảo xa xôi... Còn nhiều, nhiều lắm, kể sao cho xiết!
Vậy mà, sau kết quả người chiến thắng Miss Grand Vietnam 2024 vào tối 03/8, số ít người, không biết là chủ quan hay vô ý và thay vì nghiêm túc, thấu đáo nhìn nhận, đã “kết tội” chưa công tâm, thậm chí còn đòi công bằng cho người mình yêu thích; rồi tiếp đến là những màng phản pháo người trong cuộc, tạo ra những luồng thông tin thất thiệt về Miss Grand Vietnam 2024 trên mạng xã hội và truyền thông. Từ Ban giám khảo, Ban tổ chức, cho đến Thí sinh và cả những người được cho là vô can (như hoa hậu khác, khách mời có mối quan hệ thân với Ban tổ chức) cũng bị đưa lên bàn cân để dân mạng xỉa xói, giật tít, câu view, câu like.
Trước luồng dư luận đó, “buộc” người trong cuộc phải nhiều lần thông tin, chia sẻ, giải thích (theo tôi là có cơ sở, thấu tình đạt lý) nhưng cũng chưa bao giờ nguôi ngoai làn sóng “đòi công lý”. Tệ hại hơn, dân mạng còn “thêm dầu vào lửa”, “xâm nhập” đời tư khi “đào ra” những hình ảnh, thông tin (được cho là hết sức bình thường và trùng lặp ngẫu nhiên) trên mạng để rồi suy diễn, quy chụp, kết tội vô căn cứ nhằm thoả mãn một động cơ chưa trong sáng nào đó.
Đành rằng, đã là cuộc thi hoa hậu thì tiêu chí quan trọng nhất (mà nhiều người nghĩ rằng) vẫn cái đẹp bề nổi “vô tri vô thức” theo cách nhìn cảm tính của mỗi người. Nghĩa là mỗi người có quyền thỏa mãn với cái đẹp riêng. Người thích cái đẹp này, người thích cái đẹp khác, có người lại thích sự dung hòa, tổng thể. Nên để công nhận một người khác đẹp là điều không dễ, huống gì là hoa hậu.
Hơn nữa, bản chất hoa hậu cũng chỉ là một cuộc thi. Mà đã là cuộc thi thì sẽ có luật chơi, sẽ có những cảm nhận mang tính chủ quan của mỗi người về cái đẹp, và dĩ nhiên kết quả cuối cùng vẫn phải có người thắng – kẻ thua. Do đó, ngôi vị cao thấp của một “sân chơi” hoa hậu cũng vậy, không chỉ đơn thuần đánh giá một phần thi hay những gì “show off” mà còn cả một hành trình dài “trưởng thành” hơn qua từng ngày, qua từng phần thi, phải “tôi của ngày hôm nay hơn tôi của ngày hôm qua”, “biến cái chưa có thành có”, “biến cái tốt thành tốt hơn”... Đây chính là một thử thách cho hành trình của một cuộc thi để thí sinh (hoa hậu tương lai) tự hoàn thiện mình, tự giữ gìn vẻ đẹp bên ngoài, bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn của bản thân.
Và dường như, qua sự việc đáng tiếc trên, tôi thiết nghĩ rằng, từ phía Ban tổ chức Miss Grand Vietnam nói riêng và những đơn vị tổ chức thi các cuộc thi sắc đẹp khác nói chung cần xác định vai trò vị trí của mình để có tâm, có tầm, có trách nhiệm và cả có chính kiến, lập trường vững vàng trước những “phán quyết” từ chính mình, từ thái độ cầu thị trước những luồng dư luận trái chiều. Kém theo đó, dư luận – những fan sắc đẹp – trước khi đưa ra ý kiến, quan điểm lên mạng xã hội cần thận trọng trong từng “lời ăn tiếng nói”, trong từ phát ngôn trên tinh thần góp ý tích cực.
Bằng việc “Join” (dù thí sinh hay khán giả) vào cuộc thi thì trong mọi trường hợp, quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về ban tổ chức (cụ thể là ban giám khảo –những người trực tiếp “giúp việc” cho ban tổ chức). Nên việc tuân thủ luật chơi một cách sòng phẳng, có trách nhiệm cũng chính là nghĩa vụ và trách nhiệm của công chúng/fan sắc đẹp nếu không muốn mất đi ý nghĩa, giá trị cao đẹp của một cuộc thi uy tín như Miss Grand, đã từng có một Nguyễn Thúc Thùy Tiên mang vinh quang, niềm tự hào, rạng danh cho Tổ quốc Việt Nam trên đấu trường nhan sắc quốc tế.
Chung quy lại hoa hậu không có gì xấu phải lên án!... Hoa hậu cũng chỉ là danh hiệu... Hoa hậu trong lòng công chúng mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất trên đời!
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/hoa-hau-co-gi-xau-cai-dep-cang-can-su-tu-te-a6542.html