Trùng tu Chùa Cầu Hội An 2024 dưới góc nhìn chuyên gia kiến trúc đô thị

Trên truyền thông đang bùng nổ "gạch đá ném" tới tấp vào Dự án Trùng tu Chùa Cầu Hội An vừa được xây dựng hoàn thành và đang chuẩn bị khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 03/8/2024.

chua-cau-hoi-an-nay-1722266899.jpeg
Theo dư luận, màu sắc mái ngói Chùa Cầu Hội An sau khi được trùng tu khác xa với nguyên bản. Ảnh: T.L

Tôi không có ý định châm thêm xăng dầu vào vòng xoáy đang bùng cháy đó. Chỉ là với vị trí khách quan của một kiến trúc sư - một chuyên gia kiến trúc đô thị với 40 năm hành nghề và đã từng tu nghiệp tại Thụy Điển & Nhật Bản là hai quốc gia tiên tiến có kinh nghiệm về trùng tu di sản kiến Trúc xin trình bày ngắn gọn mấy ý để cộng đồng tham khảo trên hướng suy nghĩ hoàn toàn có tính TÍCH CỰC & XÂY DỰNG:

1.Chùa Cầu Hội An đã được xây dựng từ thế kỷ 17, đến nay đã hơn 400 năm, hư hỏng rất nặng. Việc trùng tu sửa chữa lớn để giữ di sản tồn tại không bị sụp đỗ là việc cần phải làm, và thực tế Hội An chọn phương án "TRÙNG TU HẠ GIẢI" là hoàn toàn chính xác và phù hợp. Trong thực tế, Hội An đã giữ lại cho Chùa Cầu tất cả những cấu kiện, chi tiết còn sử dụng được, và chỉ thay thế những chi tiết bị hư hỏng mục nát mà thôi. Cá nhân tôi đánh giá cao giải pháp kỹ thuật này.

2.Hai thời điểm xây dựng bản  gốc (thế kỷ 17) và trùng tu 2024 cách nhau hơn 400 năm nên nguồn vật liệu xây dựng hoàn toàn khác nhau và có những vật liệu 400 năm trước bây giờ không thể tìm ra vật liệu thay thế giống nguyên bản 100% được. Do vậy, hướng trùng tu bám gần đúng nhất với nguyên bản trong điều kiện có thể nỗ lực làm được là việc mà Hội An đã làm tốt chúng ta cần ghi nhận.

3.Công trình vừa làm xong ở thời điểm tháng 7/2024, các mạch vữa còn mới, sơn vôi còn mới, mái ngói & các họa tiết còn mới. Tất cả cần phải trải qua sự phong hóa theo thời gian bởi sự khắc nghiệt của thời tiết (nắng, mưa, gió bão..) thì công trình mới có được sự "rêu phong", "cũ kỷ" cần thiết. Sẽ rất hoang tưởng nếu đòi hỏi công trình mới trùng tu phải đạt độ cổ kính rêu phong như di tích 400 năm tuổi.

4.Điểm chốt thành công của việc trùng tu Chùa Cầu Hội An là gì? LÀ GIỮ ĐÚNG VỊ TRÍ HIỆN TRẠNG - GIỮ ĐÚNG NGUYÊN BẢN KIẾN TRÚC - GIỮ ĐÚNG NGUYÊN BẢN KẾT CẤU CHỊU LỰC. Và như vậy việc trùng tu Chùa Cầu đã GIỮ ĐÚNG ĐƯỢC GIÁ TRỊ CỐT LÕI về mặt di sản kiến trúc - văn hóa - lịch sử của công trình.

Hãy vui mừng cho Hội An, cho miền Trung, cho Việt Nam đã có thêm một công trình di sản kiến trúc - văn hóa - lịch sử được trùng tu thật sự có chất lượng sẽ bền vững tồn tại trong tương lai. Rồi từ từ, cát bụi thời gian sẽ tự đem đến nét cổ kính rêu phong cho Chùa Cầu!..

KTS.TÔN THẤT LIÊM

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/trung-tu-chua-cau-hoi-an-2024-duoi-goc-nhin-tu-chuyen-gia-kien-truc-do-thi-a6503.html