Khi “Linh Miêu” tác phẩm của đạo diễn Lưu Thành Luân ấn định ngày ra rạp 22/11/2024, thì tác phẩm “Nhà Gia Tiên” dự kiến ra mắt tháng 12/2024.
Với tác phẩm "Nhà Gia Tiên", đạo diễn Huỳnh Lập lấy chất liệu văn hóa thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt Nam từ bao đời nay. Bức Cửu Huyền Thất Tổ thường xuất hiện trong không gian thờ cúng như bàn thờ gia tiên hay nhà thờ tổ để tỏ lòng kính trọng và nhớ ơn ông bà, tổ tiên.
Còn ở phim "Linh Miêu" sẽ tái hiện lại làng nghề lâu đời ở Huế là xưởng khảm sành sứ (có nguồn gốc trong dân gian và đến thế kỷ XVII), đây là loại hình nghệ thuật độc đáo và trở thành nét văn hóa đặc trưng trong cung đình Huế.
“Linh Miêu” lấy cảm hứng từ thời kỳ chuyển giao thoát khỏi chế độ thuộc địa, đi vào những câu chuyện linh dị dân gian để kể về câu chuyện liên quan đến cuộc sống, lòng người và cài cắm các thông điệp về nhân quả cùng cốt lõi trong mối quan hệ gia đình, nhưng tác phẩm kinh dị mới nhất của đạo diễn Lưu Thành Luân còn đi sâu hơn vào văn hóa truyền thống của Huế. “Tôi nghĩ đây cũng là một yếu tố thú vị ở lần trở lại này để bắt nguồn cho tất cả những bí ẩn, những hiện tượng tâm linh trong toàn bộ mạch truyện”.
Trong Linh Miêu, xưởng khảm sành sứ là nghề chính của cả gia đình Dương Phúc và cũng là nơi nảy sinh cho những cái kỳ bí hiện hữu. Và nghệ thuật khảm sành cũng chính chất liệu văn hóa chủ đạo được ê-kíp tập trung khai thác.Xuất xứ trong dân gian và đến thế kỷ XVII, nghề khảm sành sứ trở thành nghệ thuật trang trí trong cung đình Huế.
Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân xứ Huế, những mảnh vỡ sành sứ lại trở thành những dấu son tráng lệ cho các công trình tuyệt tác, đưa nét đẹp nghệ thuật của Huế lên một tầm cao mới. Men khảm sành sứ được thực hiện theo nguyên tắc m dương Ngũ hành hòa hợp. Để từ đó, nghệ thuật khảm sành sứ lại trở thành hồn cốt cho vẻ đẹp của những lăng tẩm, đền đài và các ngôi mộ táng. Để từ nét đẹp dân gian trở thành làng nghề, biến hóa nên nghệ thuật trang trí cung đình thì việc chọn men khảm sành sứ không thể tùy tiện.
Nói về việc đưa văn hóa Huế từ những năm 1960 vào “Linh Miêu”, nhà sản xuất Mai Bảo Ngọc hào hứng chia sẻ: “Theo tôi, làm phim là một cách thức để truyền tải một thông điệp nhân văn, một quan điểm xã hội, câu chuyện về con người hoặc một nét đẹp văn hóa truyền thống đến khán giả đại chúng. Sự bắt nguồn của việc khai thác các đề tài kinh dị mang màu sắc dân gian cũng xuất phát từ ý tưởng đó. Thế nên, anh em chúng tôi đều muốn mượn “Linh Miêu” để phần nào đó gửi gắm sự tồn tại và vẻ đẹp của văn hóa Huế, cụ thể là nghệ thuật khảm sành giúp người xem có thể cảm nhận hành trình từ nét đẹp dân gian trở thành làng nghề, biến hóa nên nghệ thuật trang trí cung đình đáng tự hào của người dân xứ Huế”.
SkyT
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/thi-truong-phim-viet-cuoi-nam-2024-he-lo-hai-tac-pham-lay-chat-lieu-tam-linh-mang-dam-van-hoa-viet-a6405.html