HỘI AN - LÀNG NGHỀ LÊN SỐ

Ngày 31/5/2024, Toạ đàm “Hội An - Làng nghề lên số” là cơ hội thảo luận, đề xuất giải pháp, cung cấp kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tối ưu chuỗi giá trị làng nghề, hỗ trợ các làng nghề phát triển bền vững.

aac14f5f-b9be-4d6d-9527-5ed126cedcba-1717068429.jpeg
Tọa đàm: "Hội An - Làng nghề lên số" ngày 31/5/2024

Lịch sử hình thành và phát triển của đô thị - thương cảng Hội An có ý nghĩa quyết định đến diện mạo di sản văn hóa đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc đặc trưng. Chính nền tảng văn hóa, kết hợp với điều kiện tự nhiên, con người là tiền đề để phát triển Hội An bền vững. Khu phố cổ Hội An là di tích đặc biệt của quốc gia, được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào năm 1999. Với những giá trị nổi bật về di sản văn hóa, Hội An là một trong những địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển các lĩnh vực văn hóa sáng tạo gắn với phát triển du lịch và nhiều ngành dịch vụ, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Với bề dày lịch sử và nền tảng văn hoá đã góp phần làm cho Hội An có những giá trị độc đáo về văn hóa. Di sản văn hóa thế giới Hội An có lợi thế là nơi hội tụ của hơn 50 nghề thủ công, truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, tranh tre dừa nước Cẩm Thanh, nghề đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm, nghề làm đèn lồng, may mặc, thêu thủ công…. Nhiều thế hệ cư dân Hội An rất năng động, sáng tạo, biết khai thác từng tấc đất phù sa, bãi cát cho đến tiềm năng trên rừng, dưới biển, hải đảo… Tất cả tạo nên bức tranh kinh tế, ngành nghề sản xuất ở Hội An phong phú, đa dạng. Ngoài kế thừa những gì vốn có, cộng đồng cư dân Hội An còn sáng tạo, hình thành các nghề thủ công nhằm đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống. Ban đầu, đa phần các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp. Bởi vì đa phần thợ thủ công cũng là nông dân, các ngành nghề ra đời phục vụ cho đời sống thường ngày của họ. Từ khoảng thế kỷ 17, khi khi việc giao lưu, buôn bán tại cảng thị Hội An cực thịnh, các làng nghề thủ công cũng phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của một cảng thị quốc tế và xuất khẩu ra nước ngoài.

Bằng ý chí sinh tồn, sự cần cù chịu khó và sức sáng tạo mãnh liệt, đến nay Hội An đã và đang bảo tồn hơn 50 nghề thủ công truyền thống. Trong đó, các nghề mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, nghề trồng rau Trà Quế đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các nghề như làm đèn lồng, đồ da, may mặc, đan võng từ cây ngô đồng, tạo hình, chế biến, sáng tạo các sản phẩm độc đáo từ đất sét, tre, củi lũ, bẹ dừa, gốc cây, các vật liệu tái chế hay từ rác thải… là những biểu hiện cho sự sáng tạo bền bỉ của con người Hội An.

Chiến lược phát triển văn hóa nói chung và sáng tạo văn hóa trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian đã được triển khai tốt ở Hội An trong thời gian qua là nhờ vào sự thay đổi trong nhận thức của chính quyền và toàn thể nhân dân thành phố Hội An; trong đó chính quyền có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng môi trường, liên kết và khơi thông các nguồn lực, ưu đãi đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp và người dân thông qua các chính sách phù hợp. Và thật tự hào cho người dân Hội An, Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung, khi ngày 31/10/2023 vừa qua, Ban thư ký Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã xác nhận Hội An là đại diện tiếp theo của Việt Nam chính thức là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian.

Việc Hội An gia nhập Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO là một cột mốc đánh dấu việc bảo tồn và phát triển các làng nghề cần bước sang một giai đoạn mới: Giai đoạn phải hoàn thiện chuỗi giá trị làng nghề. Trong đó, việc tái định vị sản phẩm, học cách kể các câu chuyện – tài  sản của làng nghề để quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ để bán hàng tối ưu, hiệu quả là nhu cầu không thể thiếu. Đây là điều kiện quan trọng để các làng nghề phát triển bền vững.

Chính quyền thành phố Hội An xác định đầu tư ứng dụng công nghệ số trong việc phát triển các làng nghề và nghề thủ công là một mục tiêu quan trọng. Trong bối cảnh đó, Tọa đàm “Hội An- Làng nghề lên số” kết nối các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ thủ công… Qua đó, không chỉ góp phần thấu hiểu và trân trọng giá trị trong hành trình lao động, sáng tạo của các thế hệ cư dân Hội An; mà còn thúc đẩy giải pháp đầu ra cho các sản phẩm của làng nghề truyền thống, tái tạo dòng chảy mới – dòng chảy toàn cầu cho các sản phẩm thủ công mang bản sắc địa phương. Toạ đàm cũng là cơ hội thảo luận, đề xuất giải pháp, cung cấp kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tối ưu chuỗi giá trị làng nghề, hỗ trợ các làng nghề phát triển bền vững.  

952129f7-f66e-466b-a41d-349960772af7-1717075610.jpeg
Chương trình Toạ đàm “Hội An - Làng nghề lên số” sẽ diễn ra tại Quảng trường Sông Hoài Thành phố Hội An (Số 01 Cao Hồng Lãnh) ngày 31/5/2024

 

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/hoi-an-lang-nghe-len-so-a6378.html