‘Gánh gánh… gồng gồng...’ và chứng nhân lịch sử một đời

Đọc gánh gánh... gồng gồng..., tôi nghẹn ngào trước tuổi đời của người phụ nữ “chín mươi năm” với chuỗi sự kiện đáng ngờ. Từng trang sách hồ như chứa đựng niềm rung cảm thiết tha về một đời, một người.

Cuốn hồi ký xoay ngược thời gian đưa tôi về quá khứ với trang sử ngậm ngùi, và câu hỏi ngỏ “Thế nào là một cuộc đời đáng sống?”

 Tôi gặp gánh gánh... gồng gồng... vào một chiều tháng 3, khi đôi chân dải bước trên phố sách, cuốn hồi ký được thu trọn nơi tầm mắt. Lật dở những trang đầu tiên, nhẩm đi nhẩm lại bài đồng dao quen thuộc thuở bé. 

“Gánh gánh gồng gồng

Gánh sông gánh núi

Gánh củi gánh cành

Ta chạy cho nhanh

Về xây nhà bếp

Nấu nồi cơm nếp

Chia ra năm phần...

Gánh gánh ... gồng gồng...”

 Chiêm nghiệm sâu vào từng trang sách, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước câu chuyện cuộc đời bà Xuân Phượng. Người phụ nữ 95 tuổi dũng cảm kể lại đời mình với mục đích chính ắt là để giải đáp câu hỏi của mẹ sau 44 năm tái ngộ “Con ơi, sao con theo họ làm chi, để gia đình mình ly tán, phải rời quê cha đất tổ con ơi!”. Đồng thời truyền giá trị đến với lớp trẻ mà theo bà “chưa hề biết đến chiến tranh”

anh-du-thi-2-1713855532.jpg
Tác phẩm "Gánh gánh .... Gồng gồng..."

 Bà Xuân Phượng vốn được sinh ra trong một gia đình thân Pháp, ông cụ thân sinh ra bà là người làm cho chính quyền Pháp, thuở còn bé  học ở trường Pháp. Cho đến năm 16 tuổi, khi dần nhận thức được hoàn cảnh gia đình với bối cảnh đất nước, bà quyết định thoát ly gia đình cùng chú theo kháng chiến với nguyện vọng vỏn vẹn bảy chữ “giành lại độc lập cho đất nước”. Tại bến đò Chợ Mai năm ấy, vì sự cố bỏ quên chiếc bơm xe đạp khiến bà và chú không thể gặp lại, đời bà lật sang một trang mới.

 Theo kháng chiến, bà trải qua nhiều ngành nghề khác nhau. Từ một cô thiếu niên tuổi 16 với nhiệm vụ giao những lá cờ Việt Minh, cho đến làm quân y chuyển sang quân giới ban chế tạo thuốc nổ, phiên dịch tiếng Pháp, làm báo rồi bén duyên với nghề phóng viên chiến trường.

 Từng giai đoạn cuộc đời gắn liền với những mốc son lịch sử. Có lẽ khi trải qua tất thảy những xúc cảm thăng trầm của hai cuộc kháng chiến oanh liệt, người phụ nữ “chín mươi năm” đã thu trọn những khoảnh khắc vào nơi nhãn quan của mình, và khắc họa lên những dòng chữ… đáng ngẫm.

 Tôi đã bắt gặp hình ảnh vui mừng của nhân dân khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi “Quân ta chiến thắng rồi! Hôm nay chúng ta đã chiến thắng Điện Biên Phủ! Mọi người chạy ùa ra đường. Vài anh dân công đang thồ gạo bỗng vứt cả sọt và đòn gánh, quay xe tức tốc đạp ngược lại.”

 Tôi cảm nhận được “tiếng cười đan xen cùng tiếng khóc”, quân dân ta vui mừng sau 9 năm chiến tranh khốc liệt, cuối cùng miền Bắc cũng thuộc về nhân dân. Song, ngấn lệ vẫn chực trào trên đôi mắt người ở lại bởi lẽ chiến thắng hôm nay được đánh đổi bằng máu xương của cha ông ta thời trước. Làm sao có thể quên những người anh hùng đã nằm xuống nơi chiến trường, Tô Vĩnh Diện và Nguyễn Văn Chức đã hy sinh thân mình để bảo vệ pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai,…Những người anh hùng đã “quyết tử cho một tổ quốc quyết sinh”.

Tôi ngưỡng mộ vô cùng một “em bé chín tuổi cầm súng” ở Vĩnh Linh  – tên   Phạm Công Đức. Lặng người với dòng chia sẻ của ông Ivens khi đáp trả lời chất vấn của người xem Vĩ tuyến 17 – chiến tranh nhân dân ... “Ai chưa thiếu ăn, chưa đói bụng bao giờ thì không thể nào hiểu được sự hành hạ của cơn đói, nếu như trong một buổi tối an lành, cả nhà anh đang quây quần trong bữa cơm, bỗng có một hay nhiều người xông vào, lần lượt bắn chết từng người, rồi sau đó lại trút bom tàn phá ngôi nhà của anh thì không biết lúc ấy đứa trẻ chín tuổi kia có quyền cầm súng để báo thù hay không? Hãy đi đến những vùng bị tàn phá, bị hủy diệt mới hiểu nổi tại sao người già, đàn ông, đàn bà, từ bé đến lớn ở Vĩnh Linh đều đồng lòng chống lại kẻ xâm lược.”

anh-du-thi-1-1713855576.jpg
Tác giả bài viết bên cuốn sách

 Tôi ngẫm về quá khứ. Liên tưởng những lời văn vẹn nguyên trên trang sách “Mặt trước Dinh Độc Lập ngổn ngang những chiếc xe tăng và rất nhiều bộ đội, quần áo phơi vắt trên các nòng súng, các bụi cây, các hàng rào… Trong lời phát biểu của tướng Trần Văn Trà: Trong cuộc chiến đấu lâu dài này, không có ai là kẻ chiến thắng, ai là kẻ thất bại” . Rồi quay về với thực tại, ngắm nhìn Dinh ngày hôm nay. Ở tuổi 49, Dinh nhắc nhớ tôi về phút huy hoàng của ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhận ra lịch sử vẫn còn mãi trong tim những lớp trẻ, chỉ đợi cơ hội để tỏ ra. 

 Mỗi cuốn sách đều mang trong mình một sứ mệnh riêng, thiên chức của nhà văn tức là tỏ lòng mình chạm tới hồn người đọc. Với tôi gánh gánh… gồng gồng… thực hiện trọn sứ mệnh ấy, đưa người trẻ đến với chiến tranh, cảm với chiến tranh để hiểu ra lẽ “sống trên đời sống cần có một tấm lòng”.

 Tác giả: Đỗ Thị Kim Loan

[haan30104@gmail.com]

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/ganh-ganh-gong-gong-va-chung-nhan-lich-su-mot-doi-a6308.html