Tôi bắt gặp Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ của tác giả Đặng Hoàng Giang khi tuổi thơ tôi đã bị bỏ lại rất xa thực tại nhưng bên cạnh tôi có ít nhất hai tuổi thơ khác cần được vun bồi, tưới tẩm. Làm mẹ của hai đứa trẻ đưa tôi vào một thế giới mới lạ đầy ắp niềm vui đồng thời cũng nặng trĩu trách nhiệm. Những chông chênh trên bước đường làm mẹ khiến tôi nhận ra mình chẳng thể nuôi dạy nên những đứa trẻ hạnh phúc khi chính mình không thấu hiểu bản thân. Từ đó, hành trình tìm lại con người bên trong của tôi bắt đầu.
Mở đầu với lời đề tặng hấp dẫn “Tặng những người trẻ đang đi tìm mình và cha mẹ của họ”, vậy là cuốn sách này dành cho tôi rồi.
Xuyên suốt cuốn sách, tác giả đi sâu vào từng câu chuyện của nhiều các nhân khác nhau. Có người còn đang chơi vơi giữa tuổi trẻ, lại có người tạm coi như có một chỗ đứng nhất định trong xã hội. Có người làm con, người làm cha mẹ. Người này dường như đã thả trôi, phó mặc cho số phận đưa đẩy, người kia lại khoác trên mình chiếc áo lấp lánh của thành công. Nhưng điểm chung giữa họ đều là sự cô đơn, trống rỗng. Họ đau đáu về hai chữ “bình an”. Họ giằng xé với bản ngã của chính mình và cả với những người thân yêu nhất.
Các bạn mạnh mẽ nhưng trớ trêu thay sự kiên cường lại được thể hiện qua hình ảnh của “đứa trẻ vẫn đang chống chọi từng ngày để lớn lên thành người tử tế”. Hay ở một câu chuyện khác, bạn phải gồng gánh trách nhiệm cả thể chất lẫn tinh thần ở tuổi đời quá sớm trong một gia đình mà mỗi thành viên đều đóng “nhầm vai”. Câu nói “tôi mong có người dìu dắt nhưng lại phải dìu dắt bố mẹ tôi” đã thực sự xoáy vào tim của một người mẹ trẻ như tôi. Bản thân mình là một người lớn, khi đối mặt với thử thách trong cuộc sống, tôi còn chếnh choáng. Vậy mà những cô cậu đang tuổi hồn nhiên, non nớt còn bị đặt lên vai trọng trách dẫn lối cho bố mẹ. Chúng có thể không gục ngã sao?
Tôi bị cuốn vào những câu chuyện của những con người xa lạ nhưng nghe sao như tôi vẫn gặp hàng ngày. Người đói tình yêu chật vật chẳng thể thổ lộ vì “khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác”. Người được bao bọc quá mức lại chới với “mưu cầu được là bản thân mình”. Các cô cậu cứ lầm lũi, chênh vênh đi về phía trước trong “sự bất an vô bờ bến”. Họ khao khát được yêu thương lành mạnh, đúng mực.
Không dừng lại ở việc khai thác nội tâm của con trẻ, tác giả Đặng Hoàng Giang còn vươn tới những bậc làm cha, làm mẹ. Họ cũng từng làm con, cũng có quá khứ và hành động đối với con cái là tấm gương phản chiếu nội tâm của chính họ.
Họ là nạn nhân - những nạn nhân đáng thương của gia đình và xã hội. Qua lời tâm tình, thủ thì với tác giả, họ lần dở về quá khứ, tìm cách tháo gỡ từng nút thắt. Có người may mắn được thấu cảm, sẻ chia mà từng bước chữa lành cho tâm hồn nứt nẻ của mình và những người xung quanh. Nhưng cũng có những người cứ quẩn quanh trong “cao ốc heo hút” mãi chẳng thể thoát ra. Họ chỉ biết “mong mỏi ánh đèn pha xa xăm của một chiếc xe nào đó đến đón mình về nhà”.
Lối kể chuyện chân thật bằng cách để mỗi nhân vật tự nói lên câu chuyện cá nhân trong Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ là cái nhìn trực diện vào những vấn đề tâm lý của cả một thế hệ người trẻ. Tác giả khai thác những bứt rứt, bế tắc trong suy nghĩ và hành động của mỗi nhân vật mà khi đọc tôi tin rằng rất nhiều người sẽ cảm nhận được cái chạm đến tuổi thơ của chính mình.
Đọc cuốn sách rồi nhắm mắt lại, thả mình vào những mảnh đời ấy, tôi như vỡ ra phần nào về quá khứ. Tôi hiểu mình cần hành động ở hiện tại để ươm mầm cho tương lai.
Tác giả: Phạm Quỳnh Chi
[chioilachi@gmail.com]
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/tim-minh-trong-the-gioi-hau-tuoi-tho-a6304.html