“Ánh ơi,
Anh hơi lạ lùng là suốt những ngày lên đây anh thường nằm mơ có Ánh. Có Ánh rất yên lành qua những con đường xa lạ của một mùa Hè đã qua mà phượng vẫn còn đỏ ngời. Hình như trời vừa qua một cơn bão lụt nên con đường có vẻ xơ xác. Ánh mặc áo nâu, tóc mềm như mây có cả chiếc nơ màu nâu nhạt cài lên rất huyền hoặc. Anh còn nhớ là suốt con đường đi đó không khí bỗng ấm áp vô cùng. Anh đã trở dậy trong sự trống vắng dai dẳng ở đây” (Trích Thư tình gửi một người - Trịnh Công Sơn).
Tôi đã cuốn vào những dòng chữ này trong một ngày lang thang trên mạng. Thế là tôi lần mò đọc tiếp, dùng sự cố chấp của mình để tìm thêm bức thư khác nữa. Nhưng dù cố gắng chắp vá lại cũng không thể hình dung được một bức tranh hoàn chỉnh, kết quả là những mảnh rời rạc đứt đoạn. Lòng bứt rứt khó chịu, thế là tôi đưa ra quyết định chẳng mấy bất ngờ - đặt mua sách.
Thú thật, lý do chính mà tôi mua Thư tình gửi một người của Trịnh Công Sơn để đọc trọn vẹn lá thư mà người nhạc sĩ gửi cho cô gái Huế mang tên Ngô Vũ Dao Ánh. Tôi muốn hiểu thêm về tình yêu trong đôi mắt người xưa, chỉ đơn giản vậy thôi.
Nhưng nếu mọi chuyện dễ dàng thì trên đời này còn gì thú vị nữa, trên đường gửi về, cuốn sách không may bị thất lạc. Thế là tôi đành bất lực đặt lại lần hai, trong tiếng thở dài và nhen nhóm một chút hi vọng, rằng người giao hàng sẽ đến đúng địa chỉ.
Và thường người ta hay ủi với nhau rằng mọi sự chờ đợi đều có ý nghĩa, tôi thấy đúng thật, nhất là khi cầm trên tay cuốn sách này.
Thư tình gửi một người đặc biệt ở chỗ, trong cuốn sách dày hơn 350 trang này, lồng ghép rất nhiều hình ảnh chụp lại lá thư tình mà Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh từ năm 1964 đến năm 2001. Đó là những nét bút dịu dàng đầy thương nhớ được viết bởi một người đàn ông đang công tác tại vùng cao nguyên lộng gió.
Tôi hình dung qua được căn nhà nằm “chênh vênh ở một triền dốc” - nơi người nhạc sĩ viết lá thư đầu tiên, mường tượng con đường “đầy dốc đất đỏ và những bài cỏ xanh”, “thông đang reo dưới đèo”... Và hơn hết thảy, tôi hiểu được nỗi lòng của người đang yêu: “Anh ước mơ một căn nhà có khói um lên trên đỉnh. Trong đó có một hạnh phúc vừa đủ để người này nương vào người kia”.
Nghiền ngẫm từng câu chữ, tôi cảm nhận một thứ tình yêu triền miên, âm ỉ, nồng cháy nhưng không kém phần tinh tế, lãng mạn. “Anh đang nghĩ đến Ánh vô cùng thương yêu ở đó. Như thế thôi”.
Kỳ lạ là, khi đặt những lá thư trong thời đại ngày nay, tôi lại chẳng hề thấy sến súa hay ủy mị. Cứ ngỡ như đây là thư tình vượt thời gian. Không chỉ là vì chủ nhân của lá thư đã giữ gìn chúng suốt gần nửa thế kỷ mà là vì khi đọc, tôi sẽ đồng điệu theo, sẽ vui, sẽ buồn, sẽ day dứt, sẽ nhớ nhưng da diết.
Mỗi lần lật mở trang giấy, tôi cố gắng đọc chậm rãi như không có gì phải vội vì sách đã nằm trong tay mình rồi. Vậy mà khép lại từng lá thư, tôi lại có cảm giác nuối tiếc và day dứt. Hiếm lắm có một cuốn sách mà mỗi lần mở ra, tôi cứ sợ đọc hết rồi chẳng còn gì để đọc nữa.
Mua Thư tình gửi một người là vì muốn cảm nhận sâu sắc về tình yêu đôi lứa, nhưng rốt cuộc thì điều níu tôi lại với từng trang giấy không chỉ là tình yêu, mà còn là nghĩ suy của một người nghệ sĩ về cuộc đời: “Anh cầu mong cho con người bớt thù hằn nhau. Và tình yêu nảy chồi trên cùng khắp”.
Tác giả: Hải Dương
[haiduong7074@gmail.com]
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/thu-tinh-vuot-thoi-gian-a6274.html