Những con chữ trong cuốn sách Người đua diều nhà văn Khaled Hosseini đã lấy đi của tôi rất nhiều nước mắt mỗi khi lần từng trang viết. Ấn tượng còn lại sau khi đọc không chỉ là những câu văn có hồn, những con chữ giàu cảm xúc với các diễn biến tâm lý, tình tiết vô cùng kịch tích mà ngay ở đó tôi bắt gặp được nỗi buồn của chính mình. Nỗi buồn của một đứa trẻ đã không nhận được sự thấu hiểu của người lớn. Nỗi buồn hiện lên với những giằng xé dữ dội trong thâm tâm của Amir khi người ba của cậu chưa bao giờ bộc lộ tình yêu thương với cậu thành lời. Baba mà cậu yêu quý và ngưỡng mộ không thôi muốn cậu thành một đứa trẻ có đam mê, có sở thích, có sự mạnh mẽ như ý ông. Có thể nói, lý do để đưa câu chuyện đến những tình huống ly kỳ, giằng co trong tư tưởng, và cái xấu xuất hiện trong suy nghĩ, hành động của Amir đều bắt nguồn từ việc Baba chưa bao giờ hiểu cậu.
Tôi thích nhất một đoạn đối thoại giữa chú Rahim Khan khi trao đổi với Baba về Amir: “Trẻ con đâu phải những quyển sách tập tô màu. Anh không phải bôi đầy chúng bằng những màu anh ưa thích”. Nó âm thầm lý giải rằng Amir là một đứa trẻ dù sinh ra và lớn lên trong một gia đình bề thế nhưng đã chịu những tổn thương về tinh thần một cách vô tình bởi những ước mong mà Baba dành cho cậu. Câu nói như một lời cảnh tỉnh, nhắn nhủ đến mọi đấng sinh thành.
Tôi mới vừa sinh con đầu lòng và đang trên chặng đường làm mẹ. Tôi cũng có những nguyện cầu dành cho con gái bé bỏng của mình. Tôi đã lập ra kế hoạch và đặt mục tiêu để đồng hành cùng con khi con bước vào mỗi giai đoạn trên hành trình làm người. Với tôi, nuôi con thì dễ nhưng dạy con nên người thì cần cả một đời. Vậy nên những hình ảnh, câu từ trong trang sách như nhắc nhở chính tôi cần cẩn trọng khi mình đang ở vai trò làm mẹ với vô vàn trách nhiệm. Để hành động, lời nói của bản thân không làm tổn thương tinh thần của con cái, để học cách trao đi yêu thương, để con trẻ không phải gánh gồng ước mơ của mẹ cha. Và cho con tin rằng gia đình luôn là nơi sẵn sàng chào đón, là chốn trở về an yên của con; gia đình sẽ cùng con đi qua mọi nỗi buồn để giông tố đời con được hóa lành trong niềm tin yêu.
Mỗi chương sách trôi qua đều cuốn tôi vào mạch viết gây cấn, hồi hộp và trông ngóng phép màu để những tia hy vọng nhỏ nhoi xuất hiện trong cuộc đời mỗi nhân vật. Tôi đợi một cái kết không có nhiều cái chết bi thương. Tôi mong những con người tử tế, giàu tình thương như chú Rahim Khan và cả Hassan bé bỏng sẽ có một cuộc sống tươi đẹp, được nhìn thấy bầu trời tự do, hạnh phúc trên mảnh đất quê hương thân yêu của họ. Tôi chờ Amir sẽ ngừng thôi dằn vặt về những sai lầm thời thơ ấu của cậu. Nhưng dưới ngòi bút vừa mê hoặc vừa quyết liệt, số phận của mỗi nhân vật trong câu chuyện đã được tác giả định đoạt, sắp đặt một cách đầy tính toán logic.
Xuyên suốt Người đua diều của Khaled Hosseini, người đọc còn bắt gặp tình bạn ngây thơ trong sáng mà Hassan dành cho Amir, tình yêu ấm áp giữa Amir với người vợ của anh. Ở đó còn có cả lòng yêu quê hương đất nước của những đứa trẻ hay niềm mong mỏi được nhìn thấy bầu trời Kabul tự do đang tuôn trào cháy bỏng bên trong dòng máu của những con người Afghanistan. Có những đoạn văn khiến mắt tôi không thể rời đi, tim tôi không thể không nhói lên vì những nỗi đau và mất mát do những cuộc chiến tàn bạo gây ra. Có những lời văn như những vần thơ đẹp nhưng u buồn làm người đọc chẳng thể nào kiềm được dòng cảm xúc uất nghẹn và xót xa. Tuy là tiểu thuyết nhưng tôi tin nó phản ánh rất chân thực cuộc sống xã hội của người Afghanistan. Trong một nhà thờ ở thành phố nhỏ Landskrona tại Thụy Điển nơi tôi đang sinh sống, tôi đã gặp những người dân Afghanistan đã chạy trốn khỏi đất nước của họ vì chiến tranh và bạo loạn. Được nghe mỗi câu chuyện do chính họ kể ra làm tôi càng không thôi nghĩ suy, thổn thức và thấy mình còn quá nhiều may mắn khi được sống dưới bầu trời hòa bình. Tôi thầm biết ơn giá trị của tự do và độc lập.
Tôi chọn quyển tiểu thuyết này đọc lại lần hai và đọc thật chậm vì tôi thích lắm những con chữ mà tác giả đã thả vào trang viết. Tuy nhỏ bé, dày đặc, nằm gọn lỏn theo sự bố trí đã định trước nhưng chúng lại quá giàu tính hình tượng, như thể thật khó để tôi có thể kiểm soát được tâm trạng của mình khi va phải chúng. Theo tôi, đây là một cuốn sách thực sự rất có giá trị và hữu ích cho việc tham khảo nếu ai đó đang muốn tìm hiểu và trau dồi nhiều hơn những kỹ năng và nghệ thuật trong sáng tác. Đọc nó, chắc chắn ngôn từ và cảm xúc viết của bạn sẽ thực sự phát triển và thăng hoa...
Tác giả: Đặng Nhung (Thụy Điển)
[danghongnhung02091989@gmail.com]
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/quyen-sach-cho-toi-tinh-yeu-voi-con-chu-a6168.html