Có một “Búp sen xanh” trong tâm hồn tôi!

Búp sen xanh của cố nhà văn Sơn Tùng là tiểu thuyết lịch sử viết về Bác Hồ và cũng là tiểu thuyết lịch sử đầu tiên viết trọn vẹn về cuộc đời Bác kính yêu từ thuở thiếu thời cho đến khi Bác rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, 5/6/1911.

Lần đầu tiên tôi được đọc tiểu thuyết Búp sen xanh là vào cuối năm 1984, đó là món quà Bố tôi tặng nhân dịp sinh nhật tôi 8 tuổi. Trái với e ngại ban đầu về cuốn sách gần 300 trang có vẻ hơi quá sức với mình, tôi đã đọc một mạch từ sáng, xuyên giấc ngủ trưa đến chiều tối là xong. Tôi đọc một cách thích thú bởi cách viết lôi cuốn và những lời văn đẹp của nhà văn Sơn Tùng dành cho Bác. Biết bao buồn vui, xúc động bồi hồi trên từng trang sách, rất nhiều đoạn tôi đọc đi đọc lại nhiều lần mà lần nào cũng xúc động. Như đoạn viết về những ngày buồn nhất của Người khi mẹ mất, em thơ cũng mất, rồi đoạn bà ngoại qua đời, đoạn Bác chào từ biệt Cha để ra đi tìm đường cứu nước hay đoạn viết về tâm trạng nàng Út Huệ trong đêm trước ngày anh Ba rời Sài Gòn ra đi vì nghiệp lớn… lần nào đọc nước mắt tôi cũng rưng rưng.

anh-nxb-kim-dong-bup-sen-xanh-reviewsachonly-1627054724-1710776207.jpeg
Bìa cuốn sách "Búp Sen xanh" của cố nhà văn Sơn Tùng. Ảnhh: NXB Kim Đồng

Chất văn của Sơn Tùng mộc mạc nhưng giàu cảm xúc. Dường như nhà văn đã mở cánh cửa tâm hồn để dẫn dắt tôi bước vào một thế giới sinh động, đa sắc màu nhưng cũng vô cùng chân thực. Đó là xứ Nghệ quê Bác tươi đẹp, ân tình: với nếp nhà đơn sơ, có hàng rào dâm bụt, có những hồ sen ngát hương, có làng Chùa quê Mẹ và làng Sen quê Cha. Ở nơi đó có hình ảnh bà ngoại ấm áp nhân từ; người Cha nghiêm khắc mà bao dung; có Mẹ tảo tần, nhẫn nại, giàu đức hi sinh; có cả ông lão mù hát xẩm nặng lòng với thế sự... Đó là nơi tuổi thơ đẹp đẽ của Bác, anh chị em Bác và bạn bè đã trải qua. Những miền quê khác nhau nơi Bác từng đi qua, sinh sống đều đẹp đẽ,  lưu giữ nhiều kỷ niệm khó phai. Đó có thể là con đường thiên lý dọc miền Trung nước Việt, là kinh thành Huế cổ kính mộng mơ, làng chài Phan Thiết nơi Bác dạy học ở trường Dục Thanh, là xóm thợ Sài Gòn nơi chàng thư sinh Tất Thành từ giã áo học trò bước vào đời thợ thuyền trước ngày lên tàu đi tìm đường cứu nước…

Đọc Búp sen xanh, tôi cũng cảm nhận được sâu sắc tình người, tình làng nghĩa xóm, tình quê hương đất nước, ý chí và khát vọng được cống hiến, được hy sinh vì Tổ quốc của thế hệ cha ông trong giai đoạn đất nước cơ hàn…

Hình ảnh Búp sen xanh giống như một tứ thơ xuyên suốt hành trình trưởng thành của Bác. Tôi nhớ đoạn anh em cậu bé Nguyễn Sinh Côn tạm biệt bà ngoại và người thân để theo cha mẹ vào kinh thành Huế, khi đó hình ảnh búp sen xanh như biểu tượng của quê nhà đi cùng cậu bé suốt dặm dài chặng đường thiên lý. Và sau này, khi đã bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, có đoạn miêu tả anh Ba tỉnh lại sau cơn choáng ngất vì chưa quen lao động nặng, xúc động gặp gương mặt Út Huệ anh lại liên tưởng đến búp sen xanh ngát ở quê nhà. Tôi xúc động cho rằng, bằng liên tưởng gương mặt Út Huệ giống hình ảnh búp sen xanh quê nhà, nhà văn ngụ ý mối tình đầu đẹp đẽ trong trẻo đó không còn là tình cảm riêng tư mà đã hóa thân thành tình yêu quê hương, đất nước…

dsc04489-1710776275.JPG
Tác giả bên cuốn sách "Búp Sen Xanh" của cố nhà văn Sơn Tùng

Như lẽ tự nhiên, những câu chuyện bình dị, nhân văn về Bác trong Búp sen xanh đã ăn sâu, bén rễ trong tâm hồn tôi. Ngay từ khi tôi còn nhỏ, câu chuyện thời thơ ấu cậu bé Nguyễn Sinh Côn hiếu kính với cha mẹ, với bà ngoại, cư xử đầy nhân hậu cả với ông lão mù hát xẩm; câu chuyện thầy giáo Nguyễn Tất Thành đầy nhân ái, sẻ chia giúp đỡ học trò nghèo; rồi câu chuyện anh Ba đầy ý chí khát vọng với nước với dân nhưng vẫn ân cần dạy chữ, giảng dạy về lễ nghĩa cho anh em thợ thuyền xóm trọ… đã khiến tôi học tập và làm theo Bác. Tôi biết chăm chỉ học tập, phấn đấu, biết khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp, tôi cũng biết yêu thương, biết sẻ chia. “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” là vậy. Sau này lớn lên, khi toàn Đảng, toàn dân phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tôi rất vui khi cảm thấy bản thân mình từ lâu cũng đã học tập và làm theo Bác từ những điều nho nhỏ trong cuộc sống thường nhật.

Cảm ơn Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng, cảm ơn Bác Hồ kính yêu đã truyền cảm hứng mạnh mẽ trong hành trình cuộc sống của tôi. Và tôi cảm nhận rất rõ, nhờ học tập và làm theo Bác qua từng câu chuyện trong trang sách, tự tôi đã và đang nuôi dưỡng một “Búp sen xanh” trong tâm hồn mình, để cuộc sống của tôi mỗi ngày thêm tử tế, đẹp đẽ và ý nghĩa hơn!

Tác giả: Lưu Quỳnh

[quynhluuplvn@gmail.com]

Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/co-mot-bup-sen-xanh-trong-tam-hon-toi-a6137.html