Phần lớn ấu thơ của tôi là những ngày nằm dài trong góc buồng ngủ ở quê ngoại (Vĩnh Điện, Quảng Nam), bầu bạn với một thú vui duy nhất: đọc sách. Trong cái không gian thanh tịnh bé nhỏ với vài ba vệt sáng dịu dàng xuyên qua khe hở trên mái tôn mang theo những sợi tơ bụi ấy, tôi đã đọc không biết cơ man nào là sách được ông ngoại sưu tầm (hầu hết là những quyển sách Nga được dịch rất tốt); nhưng phải đến Dế Mèn Phiêu Lưu Ký thì tôi mới nhận ra rằng mình thích đọc và thích viết.
Năm đó, tôi chỉ mới học lớp ba. Chữ nghĩa chỉ thu vừa một nhúm trên tay. Khi tìm thấy Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, tôi bắt đầu tập đọc và tự tưởng tượng ra mình là chú dế với tinh thần khai phóng, hăm hở lên đường tìm những trải nghiệm đẹp. Quyển sách được viết bằng thứ văn chương đẹp, dưới ngòi bút vô cùng sáng tạo của Tô Hoài; dẫu được ra đời từ năm 1941, nhưng lại có nhiều quan hệ thật gần với xã hội đương đại. Và để hiểu hơn về nhân vật và thứ văn chương đẹp đẽ đó, cứ sau mỗi chương sách, tôi lại tìm ra vườn rau của bà ngoại để học quan sát và cảm nhận. Mẹ thiên nhiên là cái vườn rau đó. Đàn chuồn kim bay trên ao bèo, những cây đu đủ rung rinh trong gió, hoa thược dược cậu tôi trồng đỏ thẫm trong nắng chiều... Có những minh họa nào đẹp và thân thuộc hơn thế?
Chính sự gần gũi đó đã giúp tôi bước vào thế giới của Tô Hoài một cách thật thoải mái, quen thân. Mười chương sách là mười cánh cửa mở ra thế giới loài vật đầy những điều mới mẻ. Nếu như chương 1 kể về bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn, thì Tô Hoài dành hẳn 8 chương sau để kể về những cuộc phiêu lưu của Mèn cùng người bạn đường là Dế Trũi. Cái kết mở nằm trọn vẹn ở chương 10, khi Mèn cùng Trũi về nhà và nghỉ ngơi, dự tính cuộc phiêu lưu mới. Từ một con dế có phần kiêu căng, hống hách, với sai lầm tuổi trẻ đã gây ra cái chết của Dế Choắt, đến khi lúc ngạo nghễ đọc lời hịch cổ động “muôn loài cùng nhau kết nghĩa”, Dế Mèn thực sự đã trưởng thành qua từng trang, từng chương sách.
Vì sao Dế Mèn Phiêu Lưu Ký có ảnh hưởng sâu đậm với tôi đến như vậy? Có lẽ máu xê dịch và phiêu lưu của tôi được bơm một nguồn cảm hứng lớn từ sau dạo đọc tác phẩm này. Những năm cuối cấp tiểu học, tôi đã muốn lên đường tìm kiếm những vẻ đẹp trong cuộc sống. Dế Mèn Phiêu Lưu Ký như một cẩm nang thu nhỏ, giúp tôi kết giao với không biết bao con người trong xã hội. Từ anh thợ sửa xe trên đường quốc lộ đoạn qua Quy Nhơn với cái răng vàng chóe vì khói thuốc, đến cô bán tạp hóa cho tôi gọi nhờ cuốc điện thoại ở Nha Trang, từ ông sếp người Singapore khó tính đến anh bạn người Ấn luôn giúp đỡ tôi công việc... Dế Mèn Phiêu Lưu Ký chính là thứ ánh sáng lấp lánh đằng sau những điều kỳ diệu trong cuộc sống ấy. Tôi đi, gặp gỡ và làm giàu cho đời sống mình như thế: vòng tròn kết giao của tôi càng ngày càng được mở rộng và tôi vui thú được sinh sống trong bầu sinh quyển ấy, như một con dế vừa uống căng bụng một giọt sương mai.
Bên cạnh việc truyền cho tôi một bầu adrenalin khao khát xê dịch, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký đặt một tiền đề rất rõ ràng trong tôi về tiêu chuẩn tiếng Việt. Tiếng Việt của Tô Hoài là thứ tiếng rõ ràng, chân phương, nhưng để viết lên những dòng văn đẹp như thơ ấy cần một trái tim biết rung động với thiên nhiên, cỏ cây. Tô Hoài viết như thế này: “Hỡi ôi! Còn chi buồn bằng, tuổi thì trẻ, gân thì cứng, máu thì cuồn cuộn với trái tim và lòng thiết tha mà đành sống theo khuôn khổ bằng phẳng: ngày hí húi đào bới đất làm tổ, đêm thì đi ăn uống và tụ tập chúng bạn nhảy múa dông dài. Tôi không muốn cho đến lúc nhắm mắt vẫn phải ân hận chẳng biết là cuối cánh đồng mênh mông kia còn những gì lạ và cuộc đời ở đấy ra sao.” Có lẽ đến tận bây giờ, thông điệp của đoạn văn ngắn trên đây vẫn còn rất nhiều liên hệ với đời sống chúng ta.
Cuộc đời không nhiều chìm nổi của tôi có thể tóm lược bằng hai chương: Trước và sau Dế Mèn Phiêu Lưu Ký. Tôi bước vào năm cuối cấp một với một tâm thế rất khác, cái tâm thế của người đã trưởng thành hơn, biết lo nghĩ cho đoạn đời về sau. Cuộc đời này ngắn lắm, những thử thách giăng trùng điệp của nó sẽ dễ khiến chúng ta sa chân vào và lạc đi trong cái mê cung đời không thể thoát ra, tôi sẽ phải là một con Dế Mèn tỉnh táo và hăm hở. Tôi sẽ lên đường với một lòng nhiệt thành duy nhất, được cống hiến và làm đẹp hơn cho đời. Có lẽ, hiếm có tác phẩm văn học nào làm tôi thấy mình yêu cuộc sống và muốn sống trọn với nó như thế. Quyển sách, vì lý do đó, không còn là tập hợp những trang giấy chi chít những dòng mực in. Nó là đời, là tôi...
Tác giả: Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong
[nguyendovinhphong@gmail.com]
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/chu-de-men-cua-to-hoai-va-toi-a6132.html