Trong buổi trình diễn mùa BST Xuân Hè 2024 của Tuần lễ thời trang nam Paris, những khách mời nổi tiếng (Celebrity Voice) đã tạo ra 18,5% MIV (Media Impact Value). So với năm 2023, con số này chỉ là 7.1%. Trong khi đó, trang Statista dự đoán đến năm 2025, giá trị thị trường thời trang nam giới tại Mỹ sẽ đạt 11.54 tỉ đô la. Trong khi với dự báo này, thị trường đồ nữ là 9.39 tỉ đô la. Điều này cho thấy nam giới nay đã không còn là những người vơ vội thứ gì đó để mặc đại lên người.
Những năm gần đây thời trang nam có bước chuyển mình mạnh mẽ với sự đầu tư mạnh tay của các nhà mốt hàng đầu như Louis Vuitton, Dior, Hermes, Loewe… Trong đó, sự đầu tư đậm mùi tiền nhất phải kể đến hai con gà đẻ trứng vàng của tập đoàn LVMH là Louis Vuitton và Dior.
Tại LV, cùng với việc chọn Pharrell William vào vị trí Giám đốc sáng tạo mảng đồ nam, thương hiệu nước Pháp mạnh tay đầu tư cho những chiến dịch quảng bá hoành tráng như tạo những mô hình túi Speedy khổng lồ. Tổ chức show diễn thời trang nam Pre-Fall 2024 tại Hongkong với loạt khách mời siêu sao và trình diễn ánh sáng hoành tráng.
Show diễn Dior Men 2024 | Nguồn: The Australian
Dior với sự dẫn dắt của Kim Jones đã phủ sóng toàn cầu với dàn đại sứ thương hiệu đẹp hoàn hảo từ Cha Eun Woo, Oh Sehun đến cả những tượng đài âm nhạc như Jay Chou. Fendi, Loewe hay Hermes cũng liên tục ra mắt các BST mới để làm hài lòng quý ông. Các nhà mốt không chỉ bán quần áo mà còn rất hiểu tâm lý khách hàng khi ra mắt nhiều mẫu giày, mắt kính dành riêng cho đối tượng khách hàng là nam giới. Đứng ngoài cuộc chơi lấy lòng khách sộp này chắc chỉ còn mỗi Chanel là chưa chính thức nhập cuộc mà thôi.
Sự “chịu chi” cho thời trang nam còn được nhìn thấy rõ qua việc các Tuần lễ thời trang nam ngày càng được quảng bá mạnh mẽ. Tuần lễ thời trang nam bắt đầu được nâng tầm vào tháng 7/2015 với các sàn runway những thành phố thời trang tiêu điểm như New York, Paris, Milan, London… Hiện tại, ngoài hai BST chính thường niên là Xuân Hè và Thu Đông thì thời trang nam còn có thêm đất diễn với BST Pre-fall và Resort có quy mô lớn.
Sehun và Robert Pattinson làm đại sứ thương hiệu toàn cầu thời trang nam Dior | Nguồn: X
Theo Marc Schmitt, giám đốc mua hàng quần áo nam Harrods cho biết “năng lượng thời trang” trên đường phố, runway ở Paris đang phản ánh sức mạnh của thị trường quần áo nam một cách rõ nét. Trang phục nam đã có sự tăng trưởng rất ổn định trong vài năm qua và nam giới đang có nhu cầu lớn về trang phục vì nhóm khách hàng này cũng muốn mặc đẹp cho bất kỳ dịp nào.
Sự phát triển của thời trang nam không dừng lại ở đa dạng thiết kế hay lựa chọn phong cách mà còn mang đến cái nhìn mới mẻ về giới tính trong thời trang. Từ xa xưa đã có các chiến binh Roma mặc váy, đàn ông thời Hy Lạp cổ đại mặc áo choàng cắt xẻ, lệch vai hay một người đàn ông châu Âu ở thế kỷ 17 được coi là có địa vị khi mang giày có gót. Tuy vậy theo thời gian, chuyện ăn mặc của nam giới dần bị đưa vào những khuôn mẫu cứng nhắc ẩn dưới cái danh “nam tính”.
Những mẫu trang phục nam của nhà mốt Ludovic de Saint Sernin | Nguồn: Male Model Scene
Không riêng quần áo, họ còn bị bó buộc trong những màu trung tính, cơ bản vì những màu tươi tắn, ngọt ngào bị cho là quá nữ tính. May thay nhờ quan điểm cởi mở của người làm ngành, chúng ta lần nữa được thấy phái nam khoác lên mình chiếc croptop siêu ngắn của Ludovic de Saint Sernin, áo xuyên thấu thêu hình của Dior, tông màu tím Cadbury của J.W Anderson, áo choàng kết hoa của Marine Serre…
Giám đốc nghệ thuật Véronique Nichanian cho biết sau đêm diễn Hermes Xuân Hè 2024 rằng “Các chàng trai cũng có đôi chân đẹp, đã đến lúc (chúng ta) ngắm nhìn họ rồi. Khi chúng ta nói về sự linh hoạt của giới tính thì chủ yếu là đàn ông lại phải tìm kiếm kiểu trang phục từ tủ quần áo của phụ nữ. Riêng mình, tôi vẫn chưa may váy nhưng thích làm những kiểu quần ngắn hơn dành cho nam giới. Nó giúp mở rộng phạm vi quần áo mà đàn ông có thể mặc.”
Thiết kế kỳ lạ dành cho đồ nam của nhà Loewe | Nguồn: Hypebeast
Không chỉ xuất phát từ các nhà mốt, nhiều nhân vật nam nổi tiếng cũng góp phần cho làn sóng thời trang nam với các thông điệp mới được lan tỏa. Harry Styles ghi dấu ấn trong chiếc váy tulle hồng bồng bềnh phối cùng bộ tuxedo được sáng tạo bởi Giám đốc sáng tạo đương thời của Gucci Alessandro Michele. Mới đây trên bìa Vogue Đài Loan, nam diễn viên Hứa Quang Hán lần nữa khẳng định sự linh hoạt giới khi diện giày cao gót, đồ lót nữ, trang phục satin và xuyên thấu.
Hứa Quang Hán trên tạp chí Vogue Đài Loan | Nguồn: Vogue Đài Loan
Sự phát triển của thời trang nam còn mang một thông điệp về sự sáng tạo cho toàn ngành. Khi đã khai thác thời trang nữ quá lâu với nhiều cuộc cách mạng về kiểu dáng, ngành thời trang toàn cầu cần một “thứ gì đó” mới mẻ hơn. Đồng thời, người làm sáng tạo thời trang còn tuân theo quy luật của vòng lặp. Thời trang nam giới từng có những thời kỳ phát triển rực rỡ, đa dạng. Đó là kỷ nguyên nhạc Jazz những năm 1920-1930 đem đến hình ảnh các quý ông mặc suit lịch lãm cùng bảng màu pastel dịu mắt.
Trong thập niên 60 với cuộc đổ bộ của những tông màu sặc sỡ, khăn lụa mỏng, họa tiết lá paisley, áo tay bồng, quần nhung và phụ kiện bắt mắt… Giờ đây thời trang nam trở thành một nguồn cảm hứng tự thân mới mẻ cho các nhà mốt. Để những thương hiệu này không chỉ nối dài di sản, tăng doanh thu mà còn tìm thấy những khía cạnh về sự sáng tạo cho chính giám đốc nghệ thuật của những thương hiệu lâu đời.
Fast-fashion đang là vấn đề cho ngành công nghiệp thời trang thế giới. Tuy nhiên, khi các thương hiệu bắt đầu bán đồ cho nam giới, sự “nhanh” có thể cần cân nhắc lại. Lý do vì tâm lý tiêu dùng của nam giới có sự khác biệt.
Theo trang Fashion Finest, trong một cuộc khảo sát có 95% đàn ông nói rằng họ chỉ thay đổi phong cách ít nhất 1 lần trong 5 năm để ủng hộ lối sống bền vững. Xét riêng khía cạnh thời trang, trong khi 53% đàn ông chuộng các thương hiệu thời trang bền vững thì con số này ở phụ nữ là 47%.
Thời trang nam có thật sự giúp thế giới tốt đẹp hơn? | Nguồn: CK
Số liệu này cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về động lực thúc đẩy nhu cầu mua sắm của nam giới. Phái mạnh ít có nhu cầu phải đa dạng quần áo hay chạy theo xu hướng, sự kiên nhẫn họ dành cho những buổi dạo xem đồ cũng không cao, vì đó tần suất mua sắm của họ rất ít, đổi lại mỗi lần cần chi trả họ rất hào phóng. Nam giới có xu hướng mua những gì thực sự cần thiết, mang tính ứng dụng cao, chất lượng tốt để dùng lâu dài.
Tuy nhiên, liệu thời trang nam phát triển có làm giảm fast-fashion hay không vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời cho đến hiện tại. Bởi việc các nhà mốt đầu tư nhiều cho quần áo nam đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra nhiều thứ để đàn ông mua, sẽ có thêm nhiều chiêu tâm lý để nam giới mở hầu bao nhiều lần hơn. Điều này có thể lại manh nha hình thành một thói quen tiêu dùng vội vã mới.
Hi vọng rằng, cánh đàn ông toàn cầu có một cái đầu tỉnh táo hơn khi mua sắm. Nếu chẳng may nam giới lại thành một thế lực fast-fashion mới thì quả thật con người đang tự đẩy mình đến viễn cảnh tiêu dùng đến hơi thở cuối cùng.
Link nội dung: https://songkhoeplus.vn/dieu-gi-khien-thoi-trang-nam-co-kha-nang-giai-cuu-the-gioi-a6101.html